Ngày 20/03/2006

TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI

(Lc 4:24-30)

 

Mấy hôm trước có người hỏi tôi : tại sao viết cho website Đà Lạt, trong khi anh không phải là người Đà Lạt ?  Thú thật tôi không phải người Đà Lạt, nên cũng hơi sợ   Không sợ vì thiên hạ hiểu lầm.  Nhưng sợ vì không biết mình có được chấp nhận  hay không ?  

Nhưng không ngờ mình được nhận vào sân chơi một cách dễ dàng.  Tôi không phải là người Đà Lạt.  Nhưng Đà Lạt cũng là một mảnh hồn quê hương tôi.  Đà Lạt đẹp vô cùng vì đã để lại trong tôi những hình ảnh không bao giờ phai mờ.  Làm sao quên được cảnh Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, Thác Prenn, Đồi Thông Hai Mộ . . .  Ai có thể lấy khỏi tâm trí tôi hình ảnh Chủng viện Piô X, Học viện Don Bosco, Couvent des Oiseaux, giáo xứ Lạc Lâm, nhà dòng Xitô Đơn Dương v.v. ?   

Bây giờ chưa về thăm lại Đà Lạt được.  Nhưng được vào chơi cùng sân với anh em Đà Lạt, tôi lại thấy một chiều kích lớn hơn.  Chiều kích đó vượt ra ngoài biên giới Đà Lạt.  Chiều kích đức tin.  Chúng ta dễ dàng gặp gỡ nhau ở niềm tin vào TC.

Ngày xưa, ông Naaman và bà góa thành Xarépta có phải là người Israen đâu.  Vậy mà họ cũng đón nhận được ơn lành bởi trời qua tay ngôn sứ Eâlia.  Thiên Chúa không bị lệ thuộc vào bất cứ ranh giới nào.  Những ai thành tâm đều được Chúa đoái thương.  Niềm tin không những đem lại sức mạnh vượt qua khỏi mọi ranh giới, nhưng còn giải thoát con người khỏi mọi thứ ràng buộc thể xác và tinh thần.

Không có niềm tin, con người không sao thoát được khỏi những định kiến, phong tục, tập quán, văn hóa v.v.  Ai vượt khỏi những khung chật hẹp đó sẽ dễ dàng bị loại ra khỏi cuộc chơi.  Đức Giêsu là một nạn nhân của chính đồng bào mình.  Khi trở lại thăm quê nhà, Người đã bị lôi ngược trở lại gốc gác tầm thường của mình.  Họ tưởng nắm được lý lịch là nắm được tất cả.  Dù sau khi đã “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người,” (Lc 4:22) họ vẫn không thoát khỏi hoàn cảnh.  Không có đức tin, họ không thể nhìn sâu vào bên trọng tâm hồn của con người đã thốt ra những lời hay ý đẹp đó.  Càng vượt xa những người đồng hương, Người càng dễ trở thành mồi ngon cho những ghen tương, đố kỵ.  Suýt nữa Người bị chôn thây dưới vực thẳm vì sự phẫn nộ của mọi người trong hội đường rồi.

Từ một kinh nghiệm chua chát đó, Người đã nói lên một sự thật : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4:24)  Ngôn sứ bao giờ cũng nói sự thật, sự thật mất lòng.  Chính vì thế, họ sẵn sàng loại bỏ vị đại diện Thiên Chúa với bất cứ giá nào.  Nhưng có phải vì sự bất tín và bất kính đó mà vị ngôn sứ chùn bước không ?    Còn hình ảnh oai hùng hơn khi “Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4:30) ?  Đi đâu, nếu không phải đi về Giêrusalem để bị đồng hương giết chết ?

Đức Kitô có chết đi, chúng ta mới trở thành anh em với nhau.  Không phải chỉ gặp gỡ anh em Đà lạt trong đức tin vào Chúa Kitô, mà còn liên kết với anh em Kitô hữu toàn cầu.  Nhờ đức tin, tổ phụ Abraham quy tụ mọi người con Thiên Chúa.  Nếu thế, nhờ tin vào Đức Kitô, chúng ta còn thuộc về nhau tới mức nào ?

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Mục Lục