THẦN  TƯỢNG

(Mc 12:38-44)

 

Thần tượng của giới trẻ hôm nay là gì ?   Nhìn vào các phim ảnh, truyền hình, sách báo, internet v.v. chúng ta dễ dàng nhận ra các thần tượng.  Hàng triệu bạn trẻ đang say mê các tài tử, minh tinh, ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu ...  Những ánh đèn mầu, trang sức, sân khấu, màn ảnh như những phương tiện giúp họ tôn vinh các thần tượng đó .

Giữa lúc thiên hạ bị các thần tượng đó cuốn hút, Chúa Giêsu lại đưa ra một thần tượng chẳng hấp dẫn tí nào :  bà góa nghèo với hai đồng tiền kẽm.  Bà đã trở thành thần tượng và người mẫu cho các môn đệ.  Chúa đã giảng cho các môn đệ một bài học thực tế ngay tại hiện trường.  Ðó không phải là một bài học luân lý hay bác ái rẻ tiền.  Thực sự, qua bà góa, Người muốn các môn đệ khám phá một con đường dẫn tới Thiên Chúa và nhân loại .   Nhưng liệu con đường đó có dẫn chúng ta đến một chân trời tươi sáng hơn hôm nay không ?  Tại sao bà dám liều “bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”[1] ?   Bà không biết tai họa sắp chụp xuống trên đầu hay sao ?

So với những người giàu, số tiền bà dâng cúng quá nhỏ.  Tại sao Chúa không cảm kích trước đống tiền kếch sù của các vị ân nhân và bảo trợ đang thi đua xếp hàng trước thùng tiền nhà thờ ?   Chúa không thấy có gì đặc biệt trước những món tiền lớn lao đó.  Ðó là những thứ dư thừa, không tạo nổi ý nghĩa hay một giá trị nào.  Ðó không phải là sự hy sinh hay dấn thân thực sự. 

Với số tiền không mua nổi viên gạch, chắc chẳn bà góa không thể lọt vào danh sách ân nhân.  Nhưng đó lại là tất cả sự sống của bà.   Bởi vậy, Chúa đã đưa bà lên đầu bảng.   Chúa thấu suốt tâm hồn bà.  Tâm hồn quá quảng đại và can đảm.  Ý thức rất sâu xa về Thiên Chúa quan phòng đầy tình yêu.  Tinh thần trách nhiệm liên đới với cộng đoàn và anh em rất mãnh liệt.  Chỉ có bà góa mới dám hy sinh, vì bà đã dâng cúng với một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu đã khiến bà đã làm một việc rất giá trị. 

Phải chăng bà góa thời Êlia, nhất là bà góa trong Tin Mừng Mátcô, đã điên dại và ngông cuồng khi cho hết như thế ?  Thực ra, lòng quảng đại của bà không phải là kết quả của một phút bốc đồng.   Ngoài Thiên Chúa, bà thấy không còn gì cần thiết nữa.  Bởi vậy, bà hy sinh tất cả để có tất cả.  Bà hoàn toàn tín thác vào lòng nhân lành của Chúa.  Bà không tính toán chút gì cho tương lai, vì bà tin vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng. Cuộc nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy, so với tài sản riêng, những người lợi tức thấp lại là những người quảng đại nhất .  Sự kiện này chứng tỏ Chúa Giêsu đã nhìn rất đúng về bà góa. 

Tận trong tâm hồn, một luồng ánh sáng lớn cho bà thấy Thiên Chúa là chỗ dựa duy nhất của cuộc đời.   Ðó là mối phúc lớn nhất.   Một mối phúc vĩ đại nằm sâu trong tâm hồn nghèo khó.  Mối phúc đó chính là ân sủng xuất phát từ tình yêu vô cùng cao cả của Thiên Chúa.  Ân sủng này là nguồn  phát sinh ơn cứu độ muôn dân.  Ðó là tất cả phẩm giá người nghèo.  Rõ ràng tiêu chuẩn Thiên Chúa đánh giá con người khác xa trời vực với loài người.  Thế gian lúc nào cũng căn cứ vào quyền bính, kiến thức, tiền của để đánh giá.con người.  Bởi vậy, bà góa đã lọt xuống tới nức thang chót trong xã hội.

Bà chỉ có hai đồng tiền kẽm, nhưng bà nổi danh.  Mua danh như thế có quá rẻ không ?  Phải chăng Chúa đã lầm khi đề cao bà ?  Không !  Chúa không lầm khi chọn bà làm gương mẫu cho các môn đệ hay Giáo hội.  Trong cuộc đời túng quẫn, hẳn nhiều lần bà từng bị cám dỗ.  Nhiều con đường hấp dẫn mở ra trước mắt.  Rất nhiều bạn bè đã chọn con đường gian tà, lừa đảo, trộm cắp để thoát khỏi cảnh nghèo.  Riêng bà vẫn chọn con đường công chính.  Bà vẫn trung thành với Chúa.  Thà sống nghèo và thiệt thòi đủ mặt còn hơn phản bội Chúa.  Bà không muốn hại ai.  Trái lại, bà còn tìm nhiều dịp để giúp đỡ mọi người bằng khả năng giới hạn, nhưng với tất cả con tim.  Khi bỏ hai xu vào hòm tiền trước mặt Thày Trò Ðức Giêsu, bà có gì đâu để trình diễn ?  Ðó không phải lần đầu tiên và duy nhất bà đóng góp vào đền thờ.  Một quá trình dài dặc và âm thầm trong cuộc đời bà đã đi trên con đường của Chúa mà đến với tha nhân và cộng đoàn.

Bà góa còn cho thấy con đường dâng hiến chính bản thân, vượt lên trên mọi giới hạn hợp lý.  Khi chỉ cho các môn đệ thấy bà góa, Chúa muốn Giáo hội khám phá con đường dẫn đến Thiên Chúa và nhân loại.  “Ðó là con đường đầu tiên Giáo hội phải đi qua để hoàn thành sứ mệnh : con người là con đường đầu tiên và căn bản đối với Giáo hội, con đường do chính Ðức Kitô vạch ra, con đường bất biến dẫn qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Ðộ.  Con người là con đường cho Giáo hội, nghĩa là, con người là nền tảng mọi con đường Giáo hội phải bước đi, vì ai cũng được Chúa Kitô Cứu Ðộ, và vì Chúa Kitô hiệp nhất với mỗi người một cách, ngay cả khi con người không biết điều đó.”[2]  Cùng với Ðức Kitô, bà góa cũng là một con đường dẫn chúng ta vào Nước Trời, nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

Con người không bao giờ là một phương tiện để Giáo hội khai thác cho một mục tiêu riêng.  Trái lại, Giáo hội tôn trọng con người như chính Ðức Kitô, vì Chúa liên kết chặt chẽ với từng con người. “Bởi đó, Giáo hội muốn phục vụ một mục đích duy nhất này: mỗi người có thể thấy Chúa Kitô, để Chúa Kitô có thể bước đi với từng người trên đường đời, với sức mạnh chân lý về con người và thế giới hàm chứa trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Ðộ, và với sức mạnh tình yêu xuất phát từ chân lý đó.”[3]  Khi nhìn ngắm  bà góa theo hướng tay Chúa chỉ, các môn đệ đã sáng mắt lên : một con đường trọn lành thật đơn giản và khiêm cung.  Nhìn hành động hy sinh cao cả của bà, họ thấy cả một tâm hồn đầy ắp tình yêu đối với Thiên Chúa và cộng đoàn.  Chúa không nhìn bà theo dáng vẻ bên ngoài.  Chúa cũng không dừng lại ở những giá trị bên trong tâm hồn bà.  Nhưng, hơn nữa, Chúa muốn liên kết với bà trong một mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Ðộ.

Bà góa hôm nay đã trở thành một một dụ ngôn rất hấp dẫn và ý nghĩa về Giáo hội.  Muốn đến với thế giới hôm nay, Giáo hội không thể xuất hiện với hình ảnh nào khác.  Không khó nghèo và phục vụ với một tâm hồn quảng đại và khiêm tốn, Giáo hội không thể Nhập Thế và Cứu Ðộ nhân loại.  Hình ảnh bà góa thời đại có thể thấy nơi Mẹ Têrêsa Calcutta.  Tuy với dáng vẻ bên ngoài không hấp dẫn, Mẹ vẫn thu hút cả nhân loại chú ý tới người nghèo.  Nhờ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, Mẹ đã có khả năng cho đi lớn lao, vượt quá mọi toan tính và giới hạn bình thường. 

Sở dĩ hai bà góa trong Kinh Thánh hôm nay có khả năng cho đi vượt mức, vì các bà đã yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn.  Các bà không thể không muốn hoàn thánh ý muốn của Thiên Chúa.  Thế mà “Chúa muốn mọi người  hiệp thông hoàn toàn trong tình yêu Chúa.  Bởi đấy, các bà yêu tha nhân theo con đường dẫn đến cuộc hiệp thông đó.”[4]  Các bà đến với tha nhân theo cùng một con đường đã dẫn tới Thiên Chúa.  Ðó là con đường tình ta đi.  Ngoài con đường tình này, chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.  Bởi thế, phải vận dụng tối đa mọi phương tiện, thời giờ và tiền  bạc để bồi đắp con đường tình đó.  Phải vượt qua mọi tự ái và tình cảm để hoàn thành sứ mạng tình yêu.  Nếu không, mọi giá trị và ý nghĩa cuộc đời sẽ tiêu trầm.  Tình yêu vô giới hạn mới là tình yêu đích thực. 

Trong một thế giới thiếu vắng tình yêu hôm nay, biết bao nạn nhân đang phải chịu cảnh đàn áp, đói nghèo, tù ngục, v.v.  Chỉ vì thiếu tình yêu, bao nhiêu gia đình đã phải ly tán.  Cảnh mồ côi, góa bụa tràn ngập xã hội.  Người bóc lột và ức hiếp người.  Xã hội ngày càng khủng hoảng và bế tắc về mọi mặt.  Tình thương đã cạn hẳn trong con tim rất nhiều người thời nay.  Không ai dám đứng về phía người nghèo để bênh vực họ, vì sợ liên lụy, phiền toái và mất đi những sinh hoạt bình thường.  Nhưng chỉ với người nghèo và bất hạnh, Giáo hội mới có cơ hội sống đúng bản chất và sứ mệnh của mình.  Không phải những cơ sở, nhà thờ, tu viện nguy nga đồ sộ hay số lượng nhân sự khổng lồ với những sinh hoạt rầm rộ khoa trương giúp Giáo hội đến với Thiên Chúa và con người.  Ngón tay Chúa chỉ vào bà góa hôm nay rõ ràng cho thấy Giáo hội phải xét lại con đường đang đi hướng về đâu.  Về người nghèo hay người giàu có thế lực ?

Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo.  Giáo hội cũng phải dành phần ưu tiên cho người nghèo.  Nếu thế, Giáo hội có gặp thử thách khi đứng về phía người nghèo không ?   Giáo hội khá thành công khi làm việc bác ái.  Nhưng Giáo hội có dám tranh đấu giành lại công lý cho những người bị áp bức và nghèo khổ không ?  Trong thế giới hôm nay, công lý quan trọng và cần thiết hơn bác ái.  Nhân loại không cần những bàn tay phát chẩn bằng những cánh tay giơ lên tranh đấu cho công bình xã hội.  Cuộc tranh đấu này khó khăn hơn nhiều, vì đụng chạm tới chính mạng sống.  Công cuộc bác ái chỉ cung cấp phương tiện sống qua ngày.  Trong khi đó, công bình có một tầm mức ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa và lâu dài hơn.

Nhiều nơi trên thế giới hôm nay, Giáo hội đang thiếu những con người hiến toàn thân phục vụ một cách vô vị lợi.  Giáo hội không nghèo đủ để có thể sống thanh thoát theo tinh thần Phúc âm.  Sức phục vụ yếu hẳn.  Khi sai các môn đệ lên đường thi hành sứ mệnh trọng đại, Chúa chẳng dạy các môn đệ đừng đem gì ngoại trừ một vài nhu yếu đó sao ?  Chúa còn muốn họ đừng vướng mắc những mối liên hệ xã hội bình thường để thanh thản bước vào một cuộc phiêu lưu lớn lao vì Nước Trời.   

Hôm nay cần có những ngôn sứ dám can đảm thức tỉnh Giáo hội trước sứ mệnh Nhập thể và Cứu độ.  Một trong những ngôn sứ thời đại đã lên tiếng : “Khi dạy chúng ta sống bác ái, Tin Mừng huấn luyện chúng ta biết cách ưu tiên kính trọng người nghèo và hoàn cảnh đặc biệt của họ trong xã hội : người may mắn hơn nên từ chối một vài quyền lợi để đem tài sản mình phục vụ tha nhân cách quảng đại hơn.”[5]   Tuy không mạnh bằng Chúa Giêsu, lời giáo huấn của vị Chủ Chăn Giáo Hội cũng đủ đánh thức những ai đang sống trong sự bình an giả tạo, một thứ bình an xây trên quyền bính, của cải, truyền thống, luật lệ v.v.

Hôm nay nhiều Kitô hữu vẫn sống như Thiên Chúa chưa xuống thế làm người.  Họ không muốn hòa nhập với mọi người.  Họ dị ứng trước những người có ý kiến khác.  Nói tóm, họ thiếu hẳn tinh thần nhập thể và nhập thế.  Trong khi đó, “công cuộc Cứu Ðộ bắt đầu từ việc Nhập Thể.  Con Thiên Chúa chấp nhận tất cả những gì của con người, ngoại trừ tội lỗi, sống theo tình liên đới do Thiên Chúa thiết lập, và ôm trọn vạn vật trong Ân Tình cứu độ của Người.  Toàn thể con người được tình yêu này đụng chạm tới : con người gồm cả thể xác và tinh thần, tương quan liên đới với tha nhân.  Toàn thể con người - chứ  không phải là linh hồn tách biệt hay một hữu thể khép kín trong chính mình, nhưng là một nhân vị và một xã hội con người – dấn thân vào công cuộc cứu độ của Tin Mừng.”[6]  Chỉ có thể giải thoát toàn thể con người và nhân loại, khi chính Giáo Hội không còn giữ lại một chút gì cho  mình.  Phải cho hết như hai bà góa trong Kinh Thánh, mới có thể làm cho mọi người thấy Giáo hội trung thành với Chúa Kitô trong sứ mệnh cứu độ muôn dân.  Tự bản chất, Giáo hội là “bí tích cứu độ phổ quát.”[7]  Nhưng thực tế, tinh thần cục bộ đang giết chết Giáo hội tại nhiều nơi.  Không gì nguy hiểm bằng thái độ đóng kín ...

Tóm lại, con đường đến với Thiên Chúa và nhân loại có thể mở ra ở khắp nơi, ngay cả nơi bất ngờ nhất là bà góa tại Ðền Thờ Giêrusalem.  Quyền lực, kiến thức và của cải không phải là những tiếng nói khôn ngoan và mạnh mẽ nhất.  Không chỉ trong nhà thờ, nhà trường, người ta mới có thể mở mang kiến thức về Thiên Chúa và con người.  Qua hình ảnh bà góa nghèo khổ hôm nay, Chúa mạc khải con đường cứu độ cho muôn dân trong khiêm tốn và tin tưởng tuyệt đối.   Bà quả là một thần tượng tuyệt vời cho những ai muốn sống hết tình với Thiên Chúa và dấn thân phục vụ tha nhân. Chỉ tiếc thần tượng hôm nay không được nêu danh như anh mù Batimê mà thôi !

 

Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã mạc khải con đường đến với Chúa và nhân loại nơi bà góa nghèo khổ.  Xin cho con biết tin yêu mãnh liệt như bà để có thể cho đi tất cả.  Xin cho con luôn dấn thân vào công cuộc Phúc âm hóa đích thực Giáo hội đang thực hiện cho nhân loại hôm nay. Amen.

 

đỗ lực

dzuize@gmail.com



[1] Mc 12:44.

[2] Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, số 14.

[3] ibid., số 13.

[4] Crisez, G. Living a Christian Life, Franciscan Press :1993,Vol. 2,  tr.308

[5] Phaolô VI, Octogesima Adveniens, 1971 : 23.

[6] Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, Libreria Editrice Vaticana : 2005, tr. 29.

[7] Công đồng Ðại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965), 53.


Mục Lục