Ngày 03.09.2006

GIẢI THOÁT

Mc 7:1-8a.14-15.21-23

 

Ðầu óc tôi lúc này cứ miên man suy nghĩ về lời nhận định nhức nhối của một  viên chức cao cấp ở Tòa Thánh Vatican.  Vị ấy cho rằng giáo dân Việt nam sống đạo sốt sắng, nhưng lòng đạo không sâu.  Không hiểu tại sao vị ấy lại nói như thế ?  Căn cứ vào đâu để khẳng quyết như vậy ?  Có bằng chứng gì không ?  Nếu đúng thế, phải làm cách nào cải thiện tình trạng bi đát ấy ? 

Thiết nghĩ câu nói ấy hàm ý chê giáo dân Việt nam chúng mình không đạo đức thật.  Sống đạo chỉ vụ hình thức, lễ nghĩa, theo truyền thống như những người Pharisêu và kinh sư ngày xưa.  Tôi bắt đầu tìm bằng chứng.  Không phải vô tình viên chức đó đã phán đoán công khai như vậy.  Có nhiều bằng chứng xác đáng lắm.

Trước khi kê khai những bằng chứng, tôi tự hỏi thế nào là sống đạo sâu ?  Thánh Giacôbê trả lời ngay : lòng đạo sâu xa căn cứ trên việc “khiêm tốn đón nhận Lời” và “đem Lời ấy ra thực hành.”[1]  Câu trả lời này quả thực đã giúp chúng ta hiểu được những quan tâm của những người Pharisêu và kinh sư hôm nay.  Họ đã đặt vấn đề với Chúa : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?”[2]  Câu hỏi của họ có thực sự tỏ lộ họ đang quan tâm tới Lời Chúa không ?  Nếu thực sự quan tâm tới lời Chúa, họ có quá chú ý tới những hình thức bên ngoài và vụn vặt đó không ?

Những quan tâm của họ lộ ngay trong vấn đề nêu lên với Ðức Giêsu.  Họ bám sát Thày trò Ðức Giêsu để moi móc và chỉ trích.  Dựa trên những tiêu chuẩn truyền thống bên ngoài, họ kết luận về giá trị đạo đức của các môn đệ.[3]   Có lẽ trước khi ăn, nhiều lần Ðức Giêsu cũng chẳng rửa tay .  Nhưng tại sao họ không dám đụng tới Người ?  Câu hỏi của họ không còn thuần túy nằm trong lãnh vực tự nhiên. Rửa tay trước khi ăn không phải vì lý do vệ sinh, nhưng đã trở thành một truyền thống và lễ nghi tôn giáo.  Họ thắc mắc để nhằm tới lãnh vực tâm linh, đạo đức và tôn giáo. 

Theo Thomas Merton, khi thắc mắc như thế, không những người Pharisêu và kinh sư để lộ những quan tâm, mà còn cho thấy cách nhận thức về chính mình và thế giới.  Ðó cũng là cách tấn công và tố cáo đối phương một cách tế nhị.  Nhưng qua đó người ta cũng thấy lộ ra những giấc mơ và khát vọng muôn đời của họ.  Nắm rõ ý đồ hiểm độc của họ, Chúa Giêsu đã cao giọng “xỉa thẳng” vào mặt họ và mở rộng vấn đề.  Vượt trên truyền thống và nghi lễ, Người muốn định nghĩa cho mọi người thấy thế nào là con người có lòng đạo đức đích thực và sâu xa. 

Ðã đến lúc con người phải nhìn thật rõ những gì đang diễn ra chung quanh mình. Những tội ác ghê tởm không phải tự trên trời rơi xuống hay dưới đất mọc lên, nhưng từ lòng người chui ra.  Ðó là những sản phẩm của con người.  Những sản phẩm đó sẽ ảnh hưởng ngược lại và tạo ra một thứ người không phải là người.  Dơ nhớp đến độ họ cũng không thể tưởng tượng và chịu đựng nổi chính mình![4]   Những tội ác Chúa liệt kê ở đây tương ứng với những lời Chúa dạy về sự công chính mới phát xuất từ Bát Phúc, sự công chính dẫn tới sự thanh sạch nội tâm.[5] 

Ðáng lý có những vấn đề cần phải đặt nặng hơn như “công lý, lòng nhân và thành tín.”[6]   Ðó mới là những đức tính cốt lõi trong Bài Giảng Trên Núi.  Những đặc tính đó làm thành ba mặt của lòng thanh sạch không thể tách rời nhau như Chúa Giêsu đã truyền.[7]  Nhờ đó, ta có thể nhận ra ai là người có lòng đạo đích thực và sâu xa.  Chúa không chê trách những việc theo truyền thống và nghĩa vụ xã hội.[8]   Nhưng phải biết tôn trọng những bậc thang giá trị.  Ðạo đức bao giờ cũng phải chiếm vị thế ưu việt.  Tâm hồn trong sạch là điều kiện cần thiết để con người tiến gần đến sự thánh thiêng của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng Thiên Nhan, và trở thành người thờ phượng Thiên Chúa đích thực.  “Trong Tân Ước, trong sạch là một công trình của Thần Khí, Ðấng hoạt động trong tâm hồn các môn đệ qua đức tin và ơn Thanh tẩy.”[9]  

Những vấn đề thiêng liêng như thế làm sao lại có thể ngang hàng với những vấn đề trần tục, kể cả truyền thống cha ông ?  Người Pharisêu và kinh sư đã đặt sai vấn đề, chỉ vì tâm hồn họ không thanh sạch.  Cái nhìn của họ thật giới hạn.  Họ chỉ chú tâm tới vật chất và hoàn toàn theo những truyền thống cha ông.  Cha ông bảo sao, cứ thế mà làm.  Chẳng cần suy nghĩ nhiều.  Quần chúng lại càng ít đặt vấn đề hơn.  Bởi thế, chạnh lòng thương đám đông, Chúa mới mời mọi người suy nghĩ về bản chất của sự thanh sạch và đạo đức thực sự. 

Chỉ có tâm hồn thanh sạch mới có thể bay bổng để nhìn rõ mọi sự như Chúa.  Cần phải được giải thoát khỏi “cái tôi,” con người mới có thể nhìn cao hơn và sâu hơn.  Ðàng khác, “Muốn hiệp thông với Ðức Kitô và chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, muốn nhận ra khuôn mặt Chúa nơi anh em và trong những công việc hàng ngày, cần phải có bàn tay vô tội và tâm hồn thanh sạch.  Bàn tay vô tội được chân lý tình yêu chiếu sáng.  Tình yêu này vượt trên sự lãnh đạm, nghi ngờ, sai lầm và ích kỷ.  Hơn nữa, rất cần những tâm hồn thanh sạch, những tâm hồn đã được vẻ đẹp Chúa thu hút trọn vẹn, những tâm hồn mang dáng vẻ dung nhan Chúa Kitô.”[10]

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài suy niệm hôm nay, chúng ta thấy lời chê trách của người ngoài có hợp lý không ?  Ðã thấy đủ bằng chứng về lòng đạo của chúng ta hay chưa ?   Chúng ta quá coi trọng lễ nghi hình thức, trong khi lại coi thường những vấn đề công bình, lòng nhân đạo và sự thành tín . Chúng ta rất khó hiệp nhất, tha thứ, đối thoại với nhau.  Công lý trở thành thứ yếu trước những truyền thống, quyền lợi, tổ chức, cơ cấu v.v.  Những vấn đề này đã được nói đến quá nhiều rồi.  Mỗi người có thể kiếm thấy bằng chứng đầy dẫy chung quanh mình và ngay nơi chính mình nữa.

Lạy Chúa, xin cho con đôi cánh đại bàng để con có thể bay thật cao và nhìn thật rõ những gì đang diễn ra trên mặt đất và trong tận đáy lòng con.  Xin sai Thần Khí đến hoạt động trong con để con trở thành người thờ phượng Chúa đích thực.   Amen.

 

 

lm đỗ vân lực, op

dzuize@gmail.com   





[1] Gc 1:21b.22.

[2] Mc 7:5.

[3] x. Mc 7:5.

[4] x. Mc 7:21-23; Mt 15:10-20.

[5] x. Servais Pinckaers, O.P., The Pursuit of Happiness - God's Way – Living the Beatitudes, trans. Sr. Mary Thomas Noble, O.P, 1998, tr. 131.

[6] Mt 23:23.

[7] x. Servais Pinckaers, O.P., The Pursuit of Happiness - God's Way – Living the Beatitudes, trans. Sr. Mary Thomas Noble, O.P, 1998, tr. 131.

[8] x. Mt 23:23.

[9] Servais Pinckaers, O.P., The Pursuit of Happiness - God's Way – Living the Beatitudes, trans. Sr. Mary Thomas Noble, O.P, 1998, tr. 131.

[10] ÐGH Bênê đictô XVI : Seek Christ With Pure Hearts, Zenit, 01.09.2006.


Mục Lục