MỘT TRANG SỬ MỚI

(Mt 11:2-11)

 

Ngày 10/12/2007 vừa qua là Ngày Thế Giới Về Nhân Quyền và cũng là ngày LHQ hướng đến kỷ niệm 60 năm bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền (1948-2008). Trong bối cảnh đó, Đức Cha Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, tuyên bố :  “Nhân phẩm là nền tảng cho việc áp dụng mọi quyền con người, và đồng thời, là điểm quy chiếu để xác định những lợi ích quốc gia, nhằm tránh mối nguy cơ chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa tập thể. Nhân phẩm cũng là chuẩn mực để thông qua những biện pháp trong mọi lãnh vực nhân vị được bày tỏ: thương mại, kinh tế, khoa học, an ninh, sức khỏe và những lãnh vực tương tự.”[1]

Nhân phẩm quả là mấu chốt mọi vấn đề. Mọi bế tắc sẽ khai thông, nếu hướng tới  chiều kích sung mãn của nhân phẩm Ðức Kitô. Chính vì thế, giữa cảnh cùng cực, thánh Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ đến chất vấn Ðấng ông đã từng loan báo. Phải chăng trong một khoảng cách gần nhất, họ đã bừng tỉnh trước chiều kích sung mãn và căn tính Thiên Sai của Chúa? Phải chăng ông đã thấy cả một con đường bừng sáng trước mặt, mặc dù thân xác đang bị giam cầm trong khung cảnh chật hẹp, tăm tối?

 

KHÚC ÐƯỜNG GẬP GHỀNH

 

Trước khi bị tống ngục, ông Gioan Tẩy Giả đã mở cho muôn dân một con đường sám hối, từ bỏ, canh tân để đón mừng Chúa đến. Niềm hy vọng Kitô giáo căn cứ trên một biến cố lịch sử, được ngôn sứ Isaia loan báo và Chúa Giêsu thực hiện.  Tất cả sẽ chín mùi ngày Cánh Chung. Nhìn suốt con đường dài đó mới thấy tại sao niềm vui bùng vỡ ngay từ hôm nay.

Lúc đó, ông Gioan đang ngồi tù, xa cách mọi người và hoàn cảnh. Chẳng bao lâu ông sẽ bị chặt đầu vì đã dám đòi vua Hêrôđê sống theo công lý. Ông đã trải qua những giờ phút vinh quang khi dân chúng kéo đến với ông trong sa mạc, bên bờ sông Giođan xin ông làm phép rửa. Chắc chắn lúc đó ông thành công hơn Chúa Giêsu, vì dân chúng nghĩ ông là một ngôn sứ có nếp sống khắc khổ, ẩn tu, được Thiên Chúa đến kêu gọi mọi người sám hối.

Thời vàng son đã khép lại. Chỉ còn các môn đệ liều mình thăm nuôi ông Gioan Tẩy Giả đang ngồi trong ngục thất mà thôi. Ðã đến lúc ông phải sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu bất ngờ : "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? " (Mt 11:3) Theo một số nhà chú giải, đó là lối nói của một tử tội đang tuyệt vọng, nghi ngờ về sứ mệnh ông đã từng loan báo không mỏi mệt : Ðây là Chiên Thiên Chúa. Ông Gioan hé lộ nhu cầu muốn được bảo đảm về sứ mệnh ấy.

Lối giải thích kém cỏi đó không phù hợp với nhân vật này! Ðể sống bấp bênh trong sa mạc và biết lìa xa cuộc sống đơn độc để đám đông tội nhân tràn đến xin làm phép rửa, như một dấu chỉ Thiên Chúa thứ tha, chắc chắn ông phải là con người cứng rắn và can đảm. Chúa Giêsu đã đề cao ông Gioan cho thấy điều đó. Thái độ kiên trì của vị ngôn sứ được tóm tắt trong một câu vắn gọn : Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Là một nhân chứng trung thành, ông Gioan tự xóa trước Ðức Kitô và tách xa khỏi các môn đệ cuối cùng của mình để họ tới gần Ðấng là con đường, là sự thật và là sự sống.

Phải chăng ông Gioan đã chẳng sai các tông đồ Gioan và Anrê đến hỏi Chúa Giêsu : “Thưa Thày, Thày ở đâu?” Vì khiêm tốn, ông đã thú nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, một người mở đường đi vào một trang sử mới, vì sứ điệp Ðức Kitô tuyệt đối mới lạ. Khi từ bỏ tất cả những gì mình có, ông Gioan hiện hữu theo đúng kế hoạch: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11:11) Như vậy, trong khi Gioan tìm cách xác định niềm tin vào Ðức Kitô, thì chính Chúa đã nói rõ về ông và về chính mình. Mỗi người ở một vị thế quan trọng trong chương trình cứu độ nhân loại. Dĩ nhiên, vai chính vẫn là Ðức Kitô. Ông Gioan biết rất rõ như thế. Nhưng không phải vì thế mà Chúa coi thường vai trò và nhân phẩm của ông. Trái lại, Chúa đã đề cao ông như một người cao trọng “hơn cả ngôn sứ nữa.” (Mt 11:9)

Hơn hẳn các ngôn sứ, ông Gioan là một sứ giả dọn đường cho Chúa đến (x. Mt 11:10). Ông đem đến cho nhân loại niềm vui lớn nhất, niềm vui của Nước Thiên Chúa đã xuất hiện giữa nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô. Vui vì Người sẽ giải thoát và đem lại tự do đích thực cho con người. Vui vì từ nay con người mới đích thực là người, vì họ có thể đạt đến mạc khải toàn vẹn về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Họ có thể lớn lên trong chiều kích sung mãn của tình yêu nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

VƯƠN TỚI CHIỀU KÍCH SUNG MÃN

 

Sở dĩ có thể vươn tới chiều sung mãn đó, vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14)  Với hai bản tính, Thiên Chúa thật và con người thật, Chúa Giêsu ‘lưu lại’ và ‘cư ngụ’ giữa chúng ta.

Thông thường chúng ta không để ý nhiều đến nhân tính của Chúa Giêsu. Người đến trần gian để hàn gắn lại mối quan hệ thân thương giữa Thiên Chúa và con người, mối quan hệ đã bị vẩn đục bởi tội lỗi của nhân loại. Người đến phá vỡ hàng rào ngăn cách thế giới Thiên Chúa và thế giới con người.  Nếu chối bỏ nhân tính của Chúa Giêsu, nghĩa là phủ nhận Chúa Giêsu giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, chúng ta dựng lại bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta.

Trong thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Do Thái có đoạn viết như sau: “Bởi thế Người đã nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2:17-18) Chỉ khi Chúa Giêsu là người thật ‘về mọi phương diện,’ Thiên Chúa mới có cơ hội chia sẻ trọn vẹn nhân tính của con người, con người Giêsu mới thật sự đại diện nhân loại một cách trọn vẹn trước nhan Thiên Chúa.

Không những thấu hiểu mọi chi tiết trong cuộc sống thăng trầm, Người còn mạc khải ý nghĩa cao cả trong cuộc sống ngày thường của chúng ta trong chương trình vĩnh hằng của Người. Việc Người trở nên một với nhân loại là món quà tình yêu vô giá của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Món quà được ban tặng để giải thoát đến tận cùng mọi điều kiện sống của những ai tin vào Người.

              

NHÂN PHẨM TRONG KẾ HOẠCH CỨU ÐỘ

 

Chúa Kitô xuống trần gian nhằm “cứu độ tất cả và toàn diện con người : đó là ơn cứu độ phổ quát và toàn vẹn. Ơn cứu độ liên quan tới con người trong mọi chiều kích : cá nhân và xã hội, thiêng liêng và thể chất, lịch sử và siêu việt.”[2] Tập thể cũng chỉ là một kết hiệp tạm thời ở trần gian đáp ứng những nhu cầu tinh thần và vật chất của con người mà thôi.

Nếu nhân phẩm không được tôn trọng, ơn cứu độ cũng mất hiệu lực. Thực tế, chính vì muốn phục hồi nhân phẩm, nên Con Chúa mới đến trần gian cứu độ nhân loại. Nhân phẩm đích thực tìm thấy trong hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. “Trong tình yêu hiệp thông, tức Thiên Chúa, Ba Ngôi yêu mến nhau và là Một Thiên Chúa. Con người được kể gọi khám phá nguồn gốc và đích điểm cuộc sống và lịch sử.”[3] Ðó là lý do tại sao Thiên Chúa xuống trần gian. Người đưa tất cả về tận nguồn sống sung mãn và sâu xa nhất của mình. Trong nguồn sống vô cùng lớn lao đó, con người cũng tìm thấy giá trị cao cả nhất của mình. Thật vậy, “mạc khải trong Ðức Kitô về mầu nhiệm Thiên Chúa như tình yêu Ba Ngôi đồng thời cũng là mạc khải về lời mời gọi con người yêu thương. Mạc khải này chiếu sáng vào mọi khía cạnh nhân phẩm và tự do của con người, và vào những miền sâu xa trong bản tính xã hội của họ.”[4]

Có cái nhìn sâu xa như thế, mới thấy tất cả nền tảng và nguyên nhân mọi giá trị con người cũng như ý nghĩa của những tương quan nhân loại. Cái nhìn đó phát xuất từ niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, người ta mới khám phá tất cả những nét cao đẹp trong tương quan nhân loại. Không có chiều kích siêu việt này, tương quan nhân loại dễ đổ vỡ hay rơi vào cảnh tầm thường, nhàm chán. Nói khác, tương quan siêu việt giữa Ba Ngôi là nền tảng cho mọi giá trị  trong tương quan nhân loại. Không có tương quan siêu việt đó, tương quan nhân loại mất sức sống và động lực. Bằng chứng, khi đánh mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, nguyên tổ thấy nhân phẩm mờ nhạt trong một tương quan nhạt nhẽo và vô giá trị.

Chính vì thế, trước khi đến với loài người, Thiên Chúa đã sai ông Gioan Tẩy giả đến thiết lập trật tự từ trong lòng người đến ngoài xã hội. Nhưng sứ mệnh ông cũng có giới hạn. Ông chấp nhận để nhường bước cho Ðấng có quyền thanh tẩy muôn dân “bằng Thánh Thần và lửa.” (Mt 3:11) Sau khi chứng kiến tận mắt Chúa Giêsu phục hồi nhân phẩm cho người mù, kẻ què, người cùi, kẻ điếc, người chết, kẻ nghèo v.v., các môn đệ có thể đem về cho ông những bằng chứng sống động và hùng hồn nhất. Chắc chắn ông kinh ngạc về sức mạnh Thánh Thần nơi con người Chúa Giêsu.

Chỉ có sức mạnh Thánh Thần mới trả lại phẩm giá cho con người. Thật vậy, “là hình ảnh Thiên Chúa, con người chiếm hữu nhân phẩm. Họ có thể tự hiểu biết, tự sở hữu, tự do hiến thân và hiệp thông với tha nhân.”[5] Với sức mạnh Thần Khí, Chúa Giêsu đã phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Nhờ đó, con người mới nhận ra hình ảnh tuyệt vời của nhau và tạo nên tương quan tốt đẹp.

Khi không nhìn thấy hình ảnh tươi đẹp của Thiên Chúa nơi tha nhân, con người không thể tôn trọng nhân phẩm. Họ sẵn sàng bóp nghẹt tự do và chà đạp công lý. Làm sao xã hội có thể phồn thịnh khi nhân phẩm không còn được coi là giá trị cao quý nhất? “Một xã hội công bằng chỉ có thể trở thành hiện thực, khi xây dựng trên sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu cao cả nhất của xã hội. Mọi trật tự xã hội đều phải quy hướng về con người.”[6] Bởi vậy, khi con người biến thành phương tiện sản xuất, xã hội đánh mất mục tiêu và phương hướng.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ thân phận làm người với chúng ta để ban cho đời sống chúng ta chiều kích nhân tính sung mãn của Người, tức ơn cứu độ muôn đời. “Nếu biết tôn trọng nhân phẩm, người ta phải nhìn nhận chiều kích tôn giáo  của con người. Ðây không chỉ là một đòi hỏi ‘về những vấn đề đức tin,’nhưng là một yêu cầu gắn liền với chính thực tại cá nhân.’ Có thực sự nhìn nhận quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo như một trong những lợi ích và bổn phận quan trọng nhất của mỗi người, người ta mới bảo đảm phúc lợi cho cá nhân và xã hội như mọi người mơ ước.”[7]

 

Nói tóm, giữa những bế tắc trong gia đình và ngoài xã hội hôm nay, nếu biết tôn trọng nhân phẩm người ta sẽ tìm thấy con đường tốt đẹp nhất giải quyết mọi vấn đề. Chính vì thế, giữa lúc gặp cảnh bĩ cực, ông Gioan đã muốn cho các môn đệ thấy con đường giải thoát chính là Ðức Kitô, nơi quy tụ mọi chiều kích sung mãn nhât của phẩm giá con người.

 

Lạy Chúa, giữa muôn nẻo đường dẫn đến Chúa và tha nhân đều bế tắc, xin cho con luôn tin tưởng mãnh liệt chỉ có Chúa Kitô mới là con đường giải thoát duy nhất. Amen.

 

đỗ lực 16.12.2007

 

 

 

 



[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 38.

[3] ibid., 34.

[4] ibid., 34.

[5] ibid., 108.

[6] ibid., 132.

[7] Ibid., 553.