CHIẾC NÔI HÒA BÌNH

(Mt 2:13-15.19-23)

 

Hơn bao giờ hết, ngày nay, xã hội lẫn Giáo hội đều chú ý và bàn bạc nhiều đến vai trò và nghĩa vụ của gia đình. Trong sứ điệp đầu năm 2008, ÐGH Bênêđictô XVI đã nhìn gia đình như một “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” hay như một “cộng đồng hòa bình. Thực vậy, hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với nhau chính là sự hiệp thông mà tình yêu khơi lên giữa một người nam và một người nữ, quyết định kết hiệp với nhau một cách bền vững để cùng nhau xây dựng một gia đình mới.”[1] Nếu không có gia đình, con người không biết làm sao học được bài học thương yêu và sống chung hòa bình với nhau.

Nhưng chính gia đình sẽ dựa trên khuôn mẫu nào để xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu và hòa bình, nếu không phải là gia đình Nadarét? Bởi vậy, ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn vào gương Thánh Gia để thấy một khuôn mẫu sáng giá nhất cho mọi gia đình. Từ đó, con người cũng có thể rút lấy những bài học cho cuộc sống chung của nhân loại hôm nay.

 

CHIẾC NÔI SỰ SỐNG VÀ TÌNH YÊU

 

Những bức tranh vẽ cảnh Thánh Gia trốn sang Ai cập thật quyến rũ. Ðức Maria bồng con trên tay, cỡi lừa do thánh Giuse dắt đi. Nhưng thực tế chẳng đẹp tí nào. Tin Mừng cho biết Vua Hêrốt đòi lấy mạng Chúa Giêsu. Thấy mưu kế kẻ thù, Thiên Chúa Tối Cao đã sai thiên thần đến báo mộng cho ông Giuse di chuyển ... và di chuyển thật nhanh.

Chẳng có gì lãng mạn khi ông Giuse và Ðức Maria phải từ bỏ chương trình về Nadarét sống cuộc đời êm ả. Các ngài mong có ngày an cư lạc nghiệp để nuôi dạy bé thơ Giêsu. Thánh Gia đã trốn thoát để tìm sự sống, phấn đấu để sống, đặc biệt quan tâm lo lắng cho Hài Nhi Giêsu bé bỏng. Hài Nhi quá đặc biệt, nên phải được chăm sóc và yêu thương  một cách khác thường.

Theo đường lối Thiên Chúa, Thánh Giuse và Mẹ Maria đều nhận thấy Bêlem thật là mối đe dọa lớn cho sinh mạng Người Con của các ngài. Trước khi trốn thoát, nhờ thiên thần báo mộng, ông Giuse đã chọn đúng hướng khi quyết định đem cả Mẹ Con Ðức Maria sang Ai Cập. Cũng như ông Môsê và dân Israel, Chúa Giêsu đã thoát chết cách lạ lùng. Như Israel, Chúa được đưa sang Ai cập và được kêu gọi ra khỏi nơi lưu đày để trở về Ðất Hứa.

Trong cơn bấn loạn, nếu không có ơn trên, Thánh Giuse không thể thấy phương hướng rõ ràng . Ngay sau khi được báo mộng, “ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập.”(Mt 2:14) Chậm một chút có thể gây nguy hiểm cho tính mạng Hài Nhi. Nhưng một người có tinh thần khiêm tốn và vâng phục như ông Giuse, làm sao có thể chậm chạp được?! Ông đủ bình tĩnh và can đảm đem cả gia đình sang trú ngụ nơi đất khách quê người.

Dù ở đâu, Thánh Gia luôn là cái nôi tình yêu cho Hài Nhi Giêsu. Ðức Maria đã ban cho Chúa thân xác và bản tính loài người. Còn Thánh Giuse đã giúp xây dựng và bảo vệ cái nôi sự sống và hòa bình đó. Bàn tay âu yếm của nghĩa phụ Giuse đã cứu Chúa Hài Nhi thoát cơn bách hại trong gang tấc. Dưới mái nhà Nadarét, Thánh Giuse đã dầy công làm gương và chỉ dạy cho Người Con của mình một nghề để có thể sống lương thiện và mưu sinh trong tương lai. Bởi vậy, thiên hạ mới xầm xì về Chúa : “Ông không phải là bác thợ sao?”(Mt 13:55; Mc 6:3) Từ tấm bé, Chúa đã được dạy dỗ để “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”(Lc 2:52) Tất cả đều nhằm chuẩn bị cho Chúa lên đường cứu độ trần gian.

Thánh Giuse và Mẹ Maria đã hoàn thành sứ mệnh cách vẻ vang, mặc dù giữa bao thiếu thốn, sóng gió, hiểm nguy, nghèo khổ, sợ hãi, lo âu, ngăn trở v.v. Các ngài đã trở nên thánh vì đã được mời gọi bước theo đường hướng của Thiên Chúa.

 

GIA ÐÌNH, CỘNG ÐỒNG HÒA BÌNH

 

Dưới con mắt Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và Thánh Giuse quả là những hồng ân vô cùng quý giá của Thiên Chúa Cha.Trong Thánh Gia, Hài Nhi Giêsu đã lớn lên trong bầu khí an bình và đầy ắp tình yêu. Không bao giờ Chúa thấy cảnh bạo hành trong gia đình. Chúa đã thấy Cha Mẹ luôn nỗ lực biến Thánh Gia thành một cộng đồng gương mẫu về hòa bình.

Thánh Gia là một lời mời gọi và nhắc nhở mọi gia đình nhớ đến sứ mạng củng cố hòa bình thế giới. Trong gia đình, con người đứng trước những thách đố về hòa bình khi sống chung với người khác. Con người được huấn luyện thành những khí cụ góp phần xây dựng hòa bình. Nói rõ hơn, con người đươc giáo dục để trở thành những nhân vị và biết tôn trọng phẩm giá tha nhân. Thật vậy, “không thể cổ động việc xây dựng nhân phẩm nếu không quan tâm tới gia đình...”[2] Càng nhìn kỹ vào Thánh Gia, gia đình càng thấy nhân phẩm Chúa Giêsu đã được nhồi nắn như thế nào qua tay Ðức Maria và Thánh Giuse. Mỗi người một cách, các ngài đã đưa Chúa không những qua cơn sóng gió, nhưng còn giúp Chúa làm quen với những thử thách cuộc đời.

“Trong chương trình của Tạo Hóa, gia đình được trình bày như ‘một nơi đầu tiên dành cho con người và xã hội tập sống nhân đạo và là ‘cái nôi cho sự sống và tình yêu.’”[3] Gia đình sẽ dạy cho con người biết lựa chọn sống chung hòa bình và từ chối những thói bạo động trong cuộc sống chung. Ðó là những lựa chọn cần thiết giúp con người ngày càng sống ý thức hơn trong xã hội rộng.  Bởi thế, “gia đình là người thày đầu tiên và cần thiết dạy về hòa bình … Gia đình là nền tảng xã hội … vì gia đình làm cho các thành viên có thể kinh nghiệm sống hòa bình một cách kiên quyết.”[4]

Theo ÐGH Bênêđictô XVI, chúng ta phải hỗ trợ và giáo dục các gia đình. Nhưng chúng ta cũng phải hoạt động cho hòa bình trên mọi lãnh vực, cho dù những nỗ lực nhỏ nhoi của chúng ta chỉ như giọt nước bám miệng thùng. Sở dĩ vì “chính trong gia đình người ta học cách yêu thương và trung thành với Chúa”[5] của hòa bình. Chính vì xa rời Thiên Chúa, các gia đình đánh mất nguồn sống bình an. Tự bản chất, “gia đình có chiều kích xã hội đặc biệt và độc đáo, vì gia đình là nơi chủ yếu có các mối tương quan liên vị, là tế bào đầu tiên và then chốt của xã hội.”[6] Từ những tương quan đó, con người bước ra ngoài xã hội với một lòng tự tin và tin tưởng tha nhân để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Hơn lúc nào, mọi người cần phải thấy rõ “gia đình có một đóng góp duy nhất và độc nhất vào thiện ích xã hội, vì gia đình như một cộng đồng tự nhiên giúp con người cảm nghiệm về bản tính xã hội của mình. Thực vậy, mỗi đơn vị gia đình hiện hữu nhờ sự hiệp thông giữa các nhân vị.”[7] Nếu sự hiệp thông bế tắc, con người không thể sống hòa bình. Do đó, bạo động phát sinh ngay từ trong gia đình. Thay vì là tổ ấm, gia đình trở thành hỏa ngục. Trong đó một lũ sài lang đang dành giựt, xâu xé, cắn nuốt lẫn nhau.

Ðể lấy lại đúng bản chất và vai trò của mình, gia đình phải noi gương Thánh Gia, một họa ảnh tuyệt vời về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống theo đúng gương mẫu Thánh Gia, chắc chắn gia đình sẽ tạo được một môi trường đào luyện những con người sống đúng theo lương tâm.Quả thực, trong gia đình, người ta mới hiểu thế nào là sống theo quy luật luân lý. “Quy luật luân lý ấy phải điều hành những chọn lựa của lương tâm và hướng dẫn mọi thái độ của con người.”[8] Có quen hành động theo quy luật luân lý đó, lương tâm mới ngày càng trong sáng và biết tôn trọng tha nhân. Nhờ đó, xã hội mới có thể có trật tự, ổn đình và hòa bình.

Như thế, rõ ràng “gia đình có một tầm quan yếu đối với nhân vị. Chính trong nôi sự sống và tình yêu mà con người sinh ra và lớn lên. Khi một em bé được thụ thai, xã hội nhận một tặng phẩm nhân vị mới, đươc kêu gọi ‘từ miền sâu thẳm nhất của bản thân tới hiệp thông với tha nhân và hiến thân cho người khác.’ Bởi đó, chính trong gia đình việc nam nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân tạo nên một môi trường sống để con cái ‘phát triển tài năng, ý thức về phẩm giá và chuẩn bị đối diện với số phận duy nhất và của riêng mình.’”[9] Như thế, từ trong một môi trường nhỏ hẹp là gia đình, con người có thể được chuẩn bị về mọi mặt để có thể ứng xử trong mọi hoàn cảnh phức tạp ngoài xã hội. Nếu không, con người sẽ vuột mất một cơ hội có tính cách quyết định cho cuộc sống hạnh phúc. Gia đình quả là cơ hội duy nhất và lớn nhất cho sự phát triển con người và xã hội.

Nếu họa lại đúng hình ảnh Thánh Gia, gia đình sẽ là một nhà trường dạy con cái sống theo Tin Mừng. Trong đó, con cái sẽ học biết về cuộc đời Chúa Giêsu và noi gương khiêm nhường, vâng phục của Ðức Mẹ và Thánh Giuse. Họ sẽ biết bắt chước Ðức Mẹ “suy đi nghĩ lại trong lòng” tất cả những gì xảy đến cho gia đình dưới con mắt đức tin. Họ sẽ sống công chính và làm việc cần mẫn như thánh Giuse. Sống trong gia đình như thế, con cái sẽ “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa” (Lc 2:52) như Chúa Giêsu. Quả thực, “trong bầu khí tình cảm tự nhiên quy tụ các phần tử gia đình, các nhân vị được nhìn nhận và học hỏi trách nhiệm trong toàn thể cuộc sống làm người của mình.’Cơ cấu đầu tiên và nền tảng xây dựng sinh thái học con người là gia đình, để con người nhận lấy những khái niệm hình thành đầu tiên về chân lý và sự thiện, và học xem yêu và được yêu nghĩa là gì. Bởi đó, gia đình thực sự ý nghĩa cho việc làm người.”[10] Càng nhìn sâu vào gia đình, càng thấy nguồn sống đích thực của xã hội và nhân vị.

 

 

VÒNG XOÁY BẠO LỰC

 

Nhìn vào tình trạng xã hội đầy bạo động hôm nay, chúng ta có thể rút ra những kết luận nào về gia đình? Phải chăng trong gia đình, các thành phần đang học yêu thương và sống chung hòa bình với nhau? Nếu thế, bạo động từ đâu phát sinh? Ai chịu trách nhiệm về những hành vi bạo động của các cá nhân?

Ngày nay bao thảm cảnh xã hội xảy ra chỉ vì gia đình đã đánh mất bản chất tổ ấm của mình. Cơn xoáy bạo lực đã lan tỏa từ gia đình ra ngoài xã hội. Làm sao thoát ra khỏi vòng xoáy đó? Bao nhiêu nỗ lực về mọi mặt chính trị, luật pháp có phá tan được vòng xoáy đó không?

Việt Nam đã im tiếng súng hơn 30 năm qua, nhưng xã hội đã bình an chưa? Gia đình có hết cảnh bạo lực để con cái lớn lên trong tình yêu và bình an không? “Theo thông tin từ báo điện tử Việt Nam Net, tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Thị Thu Hà, tỉnh Đồng Nai, dẫn chứng rằng trong 5 năm vừa qua, có trên 350.000 vụ việc về bạo lực trong gia đình được đưa ra xử lý tại toà. Hơn 180 ngàn vụ liên quan đến đánh đập. Trong số những lý do dẫn đến ly dị thì 53% là bạo lực trong gia đình.”[11] Xã hội đón nhận được những phần tử nào từ những gia đình đầy bạo lực đó?

Càng nhìn ra ngoài xã hội, càng thấy những cảnh não lòng. Bởi đâu gia đình Việt Nam nên nông nỗi? Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh vạch trần sự thật : “Cái xã hội nghèo đói như Việt Nam nên càng lúc càng băng hoại, nên xảy ra những chuyện buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, người ta làm đủ mọi thứ cũng chỉ vì đồng tiền. Nhìn lại lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu lần chúng ta bị đô hộ bởi Tàu, bởi Pháp, bởi Nhật, đã có lần 2 triệu người Việt Nam bị chết đói, vậy mà trong lịch sử VN chưa bao giờ có chuyện phụ nữ Việt Nam đi ra ngoài làm đĩ điếm, làm vợ người nước ngoài chỉ vì đồng tiền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam có chuyện như vậy. Chính chính quyền CS đã tiếp tay cho chuyện đó vì muốn lợi lộc cho riêng họ, chứ đừng đổ lỗi cho họ là nghèo đói. Đó là điều rất đáng buồn.”[12] Chẳng lẽ dân tộc đã đến thời mạt vận?! Ðâu là con đường giải thoát?

Những khó khăn hôm nay chỉ có tính cách giai đoạn. Sức sống dân tộc vẫn còn âm ỉ nhưng mãnh liệt. Thật vậy, Dương Nguyệt Ánh hé lộ : “Có những điểm lạc quan khác như trường hợp của cô Lê Thị Công Nhân, nhìn số tuổi của cô rất trẻ, sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, vậy mà nhờ cha mẹ giáo dục hay đọc sách vở sao đó, mà cô đã có những tư tưởng tiến bộ và cách mạng như chúng ta đã nhìn thấy như lời tuyên bố của cô. Nếu có một Lê Thị Công Nhân như thế thì tôi tin chắc rằng có nhiều Lê Thị Công Nhân khác mà chúng ta không biết đến.”[13] Thế giới đã thấy những Lê Thị Công Nhân khác nơi tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Họ đang chứng tỏ tất cả sức mạnh trong những cuộc tranh đấu đòi chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Niềm hy vọng vẫn nhú lên từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình.

Nói tóm, muốn thoát vòng xoáy bạo lực và sống bình an, cần phải tái khám phá và noi gương Thánh Gia. Trong chương trình Thiên Chúa, gia đình là một mầu nhiệm tình yêu. Thánh Gia chỉ cho chúng ta cách thức mỗi phần tử gia đình cộng tác vào công trình của Thiên Chúa. Mối liên hệ thân cận trong gia đình giúp chúng ta cảm nghiệm được tình thương gần gũi và thân mật của Thiên Chúa. Ðức Maria hạnh phúc biết bao khi có một người chồng như thánh Giuse, liều thân bảo vệ hai Mẹ Con. Thánh nhân là một người cương nghị và đầy tình cảm, nhưng khiêm tốn và không gian dối. Người đã vô cùng quý mến vẻ đẹp tâm hồn của Ðức Maria và hằng kính sợ Thiên Chúa.

Qua Thánh Gia, ta mới thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa ngay trong gia đình. Ngày nay chúng ta đặc biệt khám phá thấy Thiên Chúa thường hoàn thành kế hoạch cứu độ ngang qua tình yêu thầm kín của gia đình. Trong ngôi trường tình yêu và đầy hy sinh này, mỗi phần tử được mời gọi biến gia đình thành chiếc nôi hòa bình cho xã hội.

 

Lạy Chúa, xin Chúa cho gia đình chúng con biết noi gương Thánh Gia để đời sống gia đình ngày càng vững mạnh trên thế giới và quê hương chúng con. Nhờ đó, xã hội thoát được cơn xoáy bạo lực và mọi người sống trong bình an. Amen.

 

đỗ lực 30.12.2007






[1] Sứ điệp đầu năm 2008 của ÐGH Bênê đictô XVI,  http://www.zenit.org/article-21248?l=english

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 185.

[3] Ibid., 209.

[4] Sứ điệp đầu năm 2008 của ÐGH Bênê đictô XVI,  http://www.zenit.org/article-21248?l=english

[5] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 210.

[6] Ibid., 211.

[7] Ibid. 213.

[8]Sứ điệp đầu năm 2008 của ÐGH Bênê đictô XVI,   http://www.zenit.org/article-21248?l=english

[9] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 212.

[10] Ibid.

[11] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/11/05/DomesticViolenceNetworkInVietnam_PAnh /

[12] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/09/24/ExileVnScientistAwardedServiceToAmericaMedal_PAnh/

[13] Ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà