TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN

(Lc 1:1-4; 4:14-21)



Ông Lý Quang Diệu, Bộ trưởng cố vấn Singapore, viếng thăm Việt nam từ ngày 16 đến 20 tháng 01 năm 2007.  Ông nói : "Việt Nam đang tiến với tốc độ tốt và đang đuổi kịp thời gian bị mất."  Việt nam mất gì trong “thời gian bị mất” ?  Thời gian đã mất có lấy lại được không ?  Lấy lại bằng cách nào ?  Phải chăng chỉ kinh tế và chính trị mới có thể giúp lấy lại thời gian đã mất ?  

Vấn đề không đơn giản như thế ! 

Khi mời ông Lý Quang Diệu thăm Việt Nam, người ta chỉ mong nghe những diệu kế hay phép mầu kinh tế cho Việt nam.  Có ai ngờ trong khi xây dựng một Singapore phú cường, người dân của ông vẫn không mất tự do và quyền làm người ?  “Trái tim Singapore,” tức con người, chứ không phải kỹ thuật, đóng vai trò quyết định Singapore có một vị thế không nhỏ trên thế giới.[1]

Nếu xã hội chỉ là một nhà máy khổng lồ, vấn đề có thể đơn giản.  Nhưng vì xã hội là tổ hợp những con người, nên không thể coi thường sức mạnh tinh thần.  Nhưng nếu chỉ nghĩ đến phần thiêng liêng mà thôi, giải pháp cũng không toàn diện.  Chúa Giêsu đến trần gian không nhằm cứu các linh hồn, nhưng cứu toàn thể con người.  Ðó là sứ mệnh rất cao cả, nhưng cũng rất thực tế.   Sứ mệnh đó vẫn được tiếp nối trong Giáo hội hôm nay.

Vậy Giáo hội có thể giúp Việt nam “đuổi kịp thời gian bị mất” không ?  Chúa Giêsu đã vạch ra một phương hướng giúp chúng ta có thể “đuổi kịp thời gian bị mất.”  Những năm tháng qua đã để lại một xã hội và giáo hội “rách nát” !  Những năm tháng đó đã tạo nên những “người Việt nam xấu xí.”  Thời gian đó không đáng gọi là năm tháng hồng ân.  Bởi thế, cần có một sứ giả đến “công bố năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:19)  Sứ giả đó chính là Ðức Giêsu, đến từ Thiên Chúa.

Ðể có thể can đảm “công bố năm hồng ân của Chúa,” Người đã được Thần Khí hướng dẫn.  Người là vị Thiên Sai thực sự, vì đã được “Chúa xức dầu tấn phong.”(Lc 4:18)  Ðó là tất cả sức mạnh và tước vị Người có khi xuất hiện giữa muôn dân.  Không có sức mạnh Thần Khí, Người không thể “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.”(Lc 4:18)

Những “kẻ nghèo hèn,” đối tượng số một của Tin Mừng, tràn ngập xã hội Việt nam.  Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng những nước nghèo nhất thế giới, cả về kinh tế lẫn nhân quyền, dù năm ngoái đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%, chỉ đứng sau Trung Quốc trong khu vực Đông Á.    Nghèo hèn cả về vật chất lẫn tinh thần, con người sẽ không còn điều kiện làm người nữa. 

Ðó là lý do tại sao Ðức Giêsu  rao giảng Tin Mừng  để phục hồi phẩm giá con người.  Hạt giống Tin Mừng đã gieo.  Mùa màng trổ sinh tươi tốt khắp nơi trên thế giới.  Còn Việt nam thì sao ?  Những ai đang gieo hạt giống Tin Mừng tại Việt nam ? 

Nhìn lại số lượng và phẩm chất nhân sự của Giáo Hội Việt nam hôm nay, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do tại sao hạt giống Tin Mừng chưa trổ sinh mùa màng tươi tốt trên mảnh đất chữ S thân yêu.  Nhân sự là một vấn đề vô cùng quan trọng.  Chính vì thế, khi quan sát xã hội Việt nam, ông Lý Quang Diệu nhận xét : “… ngoài vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng … cần có một cơ sở quan trọng hàng đầu : đào tạo nguồn nhân lực.”[2]   Chẳng lẽ Việt nam không có những trung tâm huấn nghệ, học đường, đại học để làm công việc quan trọng đó ?  Kinh nghiệm từ Singapore, ông cho thấy cần phải nhấn mạnh đến phẩm chất của nguồn nhân lực đó.  Không phải chỉ cung cấp một mớ kiến thức chuyên môn đáp ứng cho những cơ chế vô hồn, nhưng cần có “những con người tự trọng, mẫn cảm và có ý thức.”[3]

Giáo Hội Việt nam cũng đang thiếu những con người như thế !  Mặc dù có nhiều chủng viện và học viện, GHVN vẫn thiếu một cách trầm trọng những người lãnh đạo thực sự.  GHVN không thiếu nhân tài, nhưng thiếu tầm nhìn và kiến thức quản trị.  Thiếu những nhà lãnh đạo biết đón nhận, lắng nghe những tiếng nói khác với mình.  Nếu loại trừ hay không tạo điều kiện cho những tiếng nói khác góp phần vào xây dựng công cuộc chung, e rằng giới lãnh đạo cách nào đó  không tin Giáo hội là thân thể Ðức Kitô với nhiều bộ phận và chức năng khác nhau do Thiên Chúa an bài trong Thần Khí (x. 1 Cr 12:12-30).  Có những người anh em không được đón nhận và chia sẻ sứ vụ.  Như thế, phải chăng họ chỉ bị khinh thường và bất tín nhiệm ?   Không đâu !  Cả sứ mệnh và Ðấng trao sứ mệnh cho họ cũng bị khinh thường nữa.    Ðúng như Chúa nói : “Ai đón tiếp người Thày sai đến là đón tiếp Thày, và ai đón tiếp Thày là đón tiếp Ðấng đã sai Thày.”(Ga 13,20)  Khi nói thế, không phải Chúa chỉ nhằm đến đối tượng dân ngoại, nhưng cả những người đang nắm quyền trong Giáo hội nữa. 

Một cuộc cải tổ sâu rộng nền giáo dục chủng viện vô cùng khẩn thiết ở Việt nam.  Qua bao đời, nền giáo dục đó hầu như chỉ chú trọng cung cấp kiến thức thần học hay triết học cho người thụ huấn.  Khi còn ngồi trong chủng viện, con người chỉ lo phát triển tài năng và tập những nhân đức cá nhân để vinh thăng trên đường “hoạn lộ,” (“quan triều”!) chứ ít khi chú ý tới tinh thần trách nhiệm, hợp tác, cộng đồng.  Kết quả khi ra đời, họ không có khả năng làm việc tập thể và sống cộng đoàn.  Nhiều người chỉ tìm danh vọng cá nhân hay quyền lợi phe nhóm.  Tham quyền cố vị tới chết cũng chưa chịu về hưu hay đổi xứ !   Cá nhân to hơn Nước Chúa.  Làm sao kiếm được tinh thần từ bỏ và khiêm tốn nơi những con người như thế ? 

Thế mới hay GHVN thiếu những thợ gặt lành nghề.  Vẫn không đủ những người có khả năng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn và bị áp bức.  Thời nào cũng thế, GHVN đầy dẫy những con người đồng lõa với bọn giàu sang và thế lực trong các cơ chế đàn áp.  Những người bị áp bức hầu như nằm ngoài sự quan tâm của Giáo hội.  Chỉ có những người nghèo mới là đối tượng của Tin Mừng hay sao ? Người nghèo chỉ là một trong những thành phần bị cơ chế bất công đàn áp.  Những hoạt động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn.  Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do liên lạc, hội họp, di chuyển … đến nỗi trở thành mù điếc những thông tin cần thiết và đói khát nhân quyền thì sao ?  Họ chiếm chỗ nào trong mối quan tâm của GHVN ?  Những đối tượng Tin Mừng, như ngôn sứ Isaia loan báo, đều là những nạn nhân của đủ thứ đàn áp bất công.  Nếu không quan tâm và tranh đấu cho quyền làm người, GHVN sẽ đem Tin Mừng qua nẻo đường nào cho dân tộc ?

Dù có cả bề dầy lịch sử gần 500 năm, GHVN vẫn thiếu những ngôn sứ quả cảm như Ðức Giêsu.  Có một lỗ trống khổng lồ trong đức tin của GHVN hôm nay.  Chưa ai có thể lấp nổi !  Mặc dù có khối lượng nhân sự khổng lồ, GHVN có lẽ còn thiếu xác tín  vào sức mạnh Tin Mừng.  Có lẽ đức tin chúng ta chưa bằng hạt cải, nên chưa thể bứng cây đa cổ thụ hay trái núi bất công ra khỏi lòng dân tộc.  Trái núi càng cao càng cản bước tiến Tin Mừng.

Nếu có đức tin bằng hạt cải, GHVN đã dũng cảm như anh em Công Giáo Nam Hàn.  Trước cảnh đàn áp bất công ngoài xã hội, Giáo hội Nam Hàn đã tranh đấu đòi quyền lợi cho công nhân.  Nhờ đó, Tin Mừng đã tìm được con đường đi đến với dân tộc. Các giám mục và linh mục đã không ngồi yên hay thỏa mãn với những công trình xây nhà thờ, phòng phát thuốc, hay công việc mục vụ trong khuôn viên nhà thờ và giáo xứ. Cùng giáo dân, họ đã xắn tay áo xuống đường tranh đấu và vô tù vì tương lai xã hội và Giáo hội.  Ðó là con đường Thần Khí dẫn Giáo hội Nam Hàn theo Ðức Kitô.

Dân tộc chúng ta không thua kém bất cứ ai trong vùng Á châu.  Chính ông Lý Quang Diệu phải công nhận : “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này.”[4] Phẩm chất tuyệt vời cũng chẳng là gì, nếu chỉ để phục vụ quyền lợi riêng tư hay phe nhóm.  Tất cả đều vô ích nếu không có tinh thần chia sẻ và cộng tác với nhau.  Có lẽ ông muốn nói về trí thông minh và khả năng kỹ thuật của người Việt nam, chứ chưa nói đến những phẩm chất đích thực và cần thiết cho việc phát triển của dân tộc, như tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, tự trọng, đoàn kết, cởi mở v.v.  Nếu thiếu khiêm tốn và cởi mở, chúng ta không thể vượt qua những thử thách thời đại và loan báo Tin Mừng hữu hiệu.  Nếu chỉ lo cho cá nhân và phe nhóm, không bao giờ có thể can đảm dấn thân theo Ðức Kitô.  Ai cũng nói đến hy sinh, từ bỏ.  Nhưng thực tế mấy ai dám vượt qua cái tôi ?  

Nếu có đức tin bằng hạt cải, chúng ta sẽ can đảm lãnh nhận sứ mệnh giải thoát như Ðức Kitô.  Sứ mệnh đó quyết định tương lai toàn thể Giáo hội.  Trước khi bước vào cuộc đời công khai, Ðức Kitô đã được “quyền năng Thần Khí thúc đẩy.” (Lc 4:14)  Còn chúng ta đang được Thần Khí  nào hướng dẫn ?  Nếu được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, chắc chắn chúng ta đã biết quên mình thực sự để dấn thân hoàn toàn cho sứ mệnh “trả lại tự do cho người bị áp  bức” (Lc 4:18) như Ðức Kitô.  “trả lại tự do” là sứ  mệnh “thâu tóm rõ nhất sự nghiệp của Chúa Giêsu.”[5]  Nếu Chúa không chết cho sứ mệnh cao cả đó, chắc chắn chúng ta không dám bàn đến vấn đề gai góc này.  Chẳng lẽ Giáo hội có sứ mệnh nào khác với Chúa ?  Nuôi sống hay chữa bệnh cho người nghèo không phải dễ.  Nhưng so với sứ mệnh “trả lại tự do cho người bị áp  bức,” việc bác ái đó tương đối nhẹ nhàng hơn.  Phải chăng GHVN chọn phần dễ nhất trong sứ mệnh để ru ngủ chính mình ?  Sứ mệnh “trả lại tự do” gay cấn nhất, vì đòi hy sinh chính mạng sống mình, chứ không phải của cải hay thời giờ mà thôi.  “Trả lại tự do” có nghĩa là trả lại quyền làm người cho con người.

 Con người chỉ thực sự làm người khi có tự do.  Mất tự do là mất bản chất con người.  “Thời gian bị mất” có nghĩa là thời gian con người mất quyền làm người.  Quyền làm người bị mất ở đâu, nếu không phải trong các nhà tù và những nơi con người biến thành những bộ máy sản xuất ?   Chỉ vì quyền con người, Chúa Giêsu đã được sai đến thi hành  sứ mệnh duy nhất là “trả tự do cho những người bị áp bức” (Lc 4:18)   Muốn theo Chúa Kitô, Giáo Hội phải tiếp tục sứ mệnh đó.  GHVN đang nắm trong tay một cơ hội bằng vàng để thực thi sứ mệnh cao cả cho hạt giống Tin Mừng trổ sinh.

Khi nói đến sứ mệnh “trả lại tự do” và quyền làm người cho dân tộc, tôi không có ý hô hào tranh đấu bạo động.  Những khẩu hiệu “chống cộng” hay “đánh Mỹ cứu nước” là những phương tiện lỗi thời.  Những khẩu hiệu đó chỉ có giá trị trong “thời gian bị mất."  Ngày nay, không còn người trẻ nào hiểu ý nghĩa các khẩu hiệu đó nữa.  Một trang sử đã lật qua.  Không thể dùng những phương tiện lỗi thời.  Nhưng  mục đích không bao giờ thay đổi.  Nhân quyền và tự do vẫn là những giá trị ngàn đời.  Tuổi trẻ hôm nay cảm phục những ai đang làm mọi cách cho dân tộc tìm lại những giá trị cao cả đó hầu đuổi kịp trào lưu thế giới.  Vận hội đã tới ! 

Vậy làm cách nào để “trả lại tự do” cho dân tộc ?  Dĩ nhiên, chính trị, kinh tế, quân sự không phải là phương tiện tranh đấu của Giáo hội.  Phương tiện duy nhất của Giáo hội chính là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.  Tin Mừng là “sự thật giải thoát.” (Ga 8:32)   Sự thật vẫn còn bị che dấu và bưng bít ở Việt nam.  Ðó là lý do tại sao dân tộc chưa có tự do.  Làm sao người dân có thể làm người tự do khi nền “văn hóa nói dối” đang hoành hành từ Bắc chí Nam, từ trong đạo ra ngoài đời  ? 

Con đẻ của “văn hóa nói dối” là cơ chế bất công đang nghiền nát con người.  Vắng bóng công lý, con người chỉ còn cúi đầu vâng theo chế độ “xin cho.”  Con người trở thành chúa tể thống trị con người.  Cuộc đời chỉ còn là kiếp trâu ngựa lầm than.  Con người mất quyền làm người.   Quyền làm người  biến thành một thứ ân huệ.  Chính vì để cho con người được làm người, Chúa đã chết không bằng một con người.   Người đã  chết một cách bất công để công lý ngự trị trên trái đất.

Noi gương Ðức Kitô, giáo dân xứ Phường Tây, Huế hiện nay đang đứng lên tranh đấu đòi lại ngôi trường của giáo xứ.  Ðoàn kết với dân Chúa, ngày 9-1-2007 vừa qua, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể mạnh mẽ tuyên bố: "Toàn thể Giáo phận Huế sẽ đứng đàng sau linh mục quản xứ và giáo dân Phường Tây!"[6]   Tinh thần Nguyễn Kim Ðiền vẫn sống mạnh trong lòng giáo dân Huế !  Rất may dân tộc Việt nam còn có những con người dũng cảm tranh đấu cho công lý như vậy !  Nhìn từ Nam ra Bắc, có lẽ chúng ta phải khâm phục truyền thống kiên cường và anh hùng của Giáo Phận Huế ! 

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã  cho chúng con tiếp nối sứ mệnh cao cả của Con Chúa nơi trần gian. Con biết trái tim Chúa  không ngủ yên cho tới khi nào dân tộc chúng con được “trả lại  tự do.”  Xin Chúa cho GHVN  can đảm rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo hèn và đứng lên đòi “trả lại  tự do cho những người bị áp bức” trong xã hội và giáo hội hôm nay.   Amen

đỗ lực21.01.2007
dzuize@gmail.com



[1] x. vnexpress.net, 16/01/2007, trích lại từ báo Tuổi Trẻ.

[2] Ibid.

[3] Ibid.

[4] ibid.  

[5] Lời Chúa Cho Mọi Người 2005:290.

[6] Tiếng Nói Giáo Dân.net ngày 10.01. 2007


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà