TIẾNG AI GỌI ÐÒ

(Lc 4:21-30)

Sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Việt nam đang cần những bước tiến mới và những giây phút nhìn sâu hơn vào nội tâm.  Ðứng ở bên này bờ sông Cửu Long hay biển Thái Bình, ông Lý Quang Diệu lấy ngón tay chỉ sang bờ bên kia và nói với các nhà lãnh đạo Việt nam : “Giai đoạn đuổi theo sẽ tiếp tục trong 20, 30, 40 năm nữa để bắt kịp, ví dụ như Malaysia.”  Theo thống kê IMFnăm 2005, hàng năm thu nhập đầu người của Malaysia là 5042 Mỹ kim, Thái Lan 2659, Việt nam 618, và Singapore 26.836.  Một thời gian dài hơn trăm năm có đủ cho Việt nam bắt kịp Singapore không ?  Nguyên nhân nào khiến Việt nam tụt hậu quá mức như vậy ?   Theo ông, tại Việt Nam cơ sở hạ tầng kém, tiêu chuẩn giáo dục thấp, chương trình đại học và các trường kỹ thuật không cập nhật.[1]   Những nhận xét đó có làm các nhà lãnh đạo Việt nam giật mình như tưởng “tiếng ai gọi đò” không ?  Tiếng ai gọi đò đã vang rộn cả bến đò từ lâu rồi.  Nhưng khách sang sông vẫn cứ “lui cui” ở mãi bên này bờ sông. 

Tình trạng đất nước như thế, còn GHVN ra sao ?  Có ai dám đưa nhận xét gì không ?  Nhận xét rồi, có ai lắng nghe không ?  Hôm nay, không phải cô lái đò, nhưng Chúa đang lên tiếng kêu gọi mọi người hãy nhìn sang bên kia bờ đại dương và hãy mạnh dạn lên thuyền với Thày !  Không sang sông, không thể thấy lòng mình mở ra trước những hoa thơm cỏ lạ nơi bờ bên kia. 

Ngày xưa, những người đồng hương với Ðức Giêsu cũng thế.  Họ quanh quẩn trong “lũy tre xanh” làng Nadarét.  Hình ảnh “con ông Giuse” (Lc 4:22) với những dụng cụ làm mộc trên tay quá quen thuộc với dân làng.   Ai còn lạ gì anh chàng Giêsu hàng ngày đi hết nhà này sang nhà kia làm mướn kiếm ăn ?  Thế mà, không ngờ khi ra khỏi lũy tre xanh, anh chàng thợ mộc trẻ đó đã lừng danh tận Caphacnaum, một thành phố nổi tiếng giàu sang và trụy lạc, nơi đặt bản doanh nhiều quân lính Rôma.  Bởi tiếng đồn về Người lan rộng khắp đế quốc Rôma.  Ðó là tin đồn.  Thực tế, dân làng đợi dịp gặp Người sẽ trực tiếp kiểm chứng thực hư.  Hôm nay cơ hội đã đến.

Cơ hội đến với dân làng hay đến với Ðức Giêsu ?  Ðúng hơn, đây là cơ hội bằng vàng để Chúa mở mắt và mở lòng cho họ.  Người muốn dùng “gậy ông đập lưng ông,” tức những điển tích về ngôn sứ Êlia và Êlisa, để cảnh tỉnh họ về con đường thênh thang của Thiên Chúa dành cho những ngôn sứ đích thực.  Sống giữa cảnh đói khổ của hàng ngàn người, ngôn sứ Êlia đã vượt qua hàng rào Ítraen đến với bà góa nghèo thành Xarépta miền Xiđôn.  Ông đã làm đầy hũ bột và cứu sống người con trai sắp chết của bà (1 V 17:8-24).  Thừa hưởng “hai phần thần khí” (2 V 2:9) tôn sư Êlia, ngôn sứ Êlisa đã thi thố quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cho tướng Naaman, người xứXyri (x. 2 V 5), chứ không cho một người phong cùi nào ở ngay quê hương Ítraen của ông (x. Lc 4: 27).  Ðáng lý hai ông phải cứu sống những người đồng hương trước chứ ! Tại sao lại thi thố tình thương cho người ngoài và phớt lờ trước những đau khổ của đồng bào ?  Thật khó hiểu !

Nhưng, như thế mới rõ vai trò ngôn sứ không lệ thuộc vào biên giới quốc gia hay chủng tộc.  Chúa đã nêu ra hai bằng chứng Kinh thánh để biện minh cho sứ mệnh cứu độ muôn dân của Người.  Không thể căn cứ vào những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày nơi xóm làng để kết luận về một con người như Ðức Giêsu.  Những điều bình thường không không thể biểu lộ hết thực chất con người.  Không tỏ lộ quyền năng nơi xóm làng không có nghĩa là con người không vươn xa hơn lũy tre xanh.  Những việc hai ông làm cho những người ngoại có khác gì những việc Chúa làm ở Caphacnaum ?

Khi mượn hình ảnh hai ông Êlia và Êlisa, Ðức Giêsu muốn tự phác họa về chính mình như một ngôn sứ của thời đại mới với tầm nhìn vượt qua mọi biên cương.  Cũng như hai ông, Ðức Giêsu nhắm tới người dân “tứ chiếng,” không thuộc chủng tộc Ítraen.  Ðó là đối tượng sứ vụ của Người.  Khi thấy dân ngoại hay người xa lạ được ưu ái hơn, đồng hương Người đã lồng lộn ghen tức.  Họ trút cả cơn giận xuống con người Ðức Giêsu (x. Lc 4:28-29), vì không chịu nổi cách cư xử “bất công” của Chúa.  Nhưng thực ra, chính lòng dạ cứng tin của họ là nguyên nhân chính ngăn cản Chúa thi thố quyền năng tại quê hương.

Bởi vậy, dân làng chưa sẵn sàng đón nhận được sứ vụ ngôn sứ hay chính ngôn sứ.  Chưa mở rộng tầm nhìn, làm sao họ có thể thấy những kỳ công nơi vị Ngôn Sứ Giêsu.  Không đón nhận được Ðức Giêsu như Ngôn Sứ, làm sao có thể nhìn nhận Người là Ðấng Cứu Ðộ muôn dân ?   Con đường tới đức tin chân chính còn quá dài !  Họ không thể vượt qua nổi !

Ngày nay cũng có những con đường dài như thế !  Con đường đại kết giữa các Kitô hữu chẳng hạn.  Hàng bao thế kỷ, những người cùng tin Chúa Kitô vẫn chưa nhận ra nhau là anh em.  Như thế, làm sao Chúa Kitô có thể hiện diện và xuất hiện với muôn dân ngoài biên giới các giáo hội ?  Có những lúc người ta có cảm tưởng Giáo hội giống như con thuyền trơ vơ giữa dòng vì cô lái đò đi lo chuyện riêng.  Cảnh người ùn tắc bờ sông làm tắc nghẽn mọi sinh hoạt : 

Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông.[2] 

Khách buồn không thể sang bờ bên kia.  Biết bao thiệt hại chồng chất năm tháng.  Ðáng lý con thuyền đưa người lữ khách sang bến bờ gặp gỡ.   Trong quá khứ, Giáo hội khép kín trong những tin tưởng, lo lắng và bận tâm riêng, mặc những ùn tắc bên ngoài. 

Rất may, từ Công Ðồng Vatican II, con thuyền Giáo hội bắt đầu rời bến.  Bao niềm vui đã rộ lên từ những cuộc đối thoại đại kết.  Nhưng cũng từ đó mới thấy vấn đề không đơn giản và mau lẹ như nhiều người mơ tưởng.  Quả thế, có gặp gỡ mới thấy “đại kết là một tiến trình chậm chạp, một con đường lên dốc, như mọi con đường sám hối.”  Sở dĩ vì “người ta dễ chiều theo cám dỗ thích ‘nghe qua’ chứ không thích ‘chăm chú lắng nghe,’ thích nói những phân nửa các sự thật, thay vì can đảm công bố các sự thật đó.”[3]  Người ta thích nghe chính mình, chứ không lắng nghe nhau.  Bất cứ ai có ý kiến khác mình đều bị gán cho tội chống đối, phá hoại, gây chia rẽ, xáo trộn v.v.  Chính những giọng điệu này mới gây chia rẽ.  Những ý kiến hay cả niềm tin khác biệt là những lời mời gọi chúng ta cởi mở chấp nhận đối thoại để tìm điểm gặp gỡ hay hiệp nhất.  Hiệp nhất không có nghĩa là bắt người khác phái theo ý mình.  Không chấp nhận ý kiến người khác, chúng ta không thể nhìn thấy hết vấn đề và dễ trở thành độc tài và tự mãn.

Chính vì khép kín lâu đời trong những lâu đài tín lý tráng lệ, Giáo hội đã tự cô lập và chưa quen mở cửa đón nhận hay ra ngoài gặp gỡ những con người sống trong thực tế.  Bằng chứng, sau 40 năm đối thoại đại kết, Giáo hội cũng chưa đạt tới mức tiến bộ nào đáng kể.  Có những giọng nói quá lạ đối với Giáo hội.  ÐGH Bênêđictô phải thú nhận : “Người muốn mù điếc thì dễ gì nhận ra khả năng canh tân nơi Tin Mừng, nắm men Chúa quan phòng ban cho mỗi người chúng ta để sám hối và canh tân tinh thần.”[4]  Tự bản chất sâu thẳm nhất, Giáo hội duy nhất.  Nếu chia rẽ, Giáo hội không thể hiện hữu.  Ở đâu có sự chia rẽ, nên lấy sự tha thứ và hòa giải mà phục hồi. 

Giữa các Giáo hội, biết bao dư luận không tốt thêu dệt dầy đặc qua bao thế kỷ !  Bao nhiêu nghi kỵ và hiềm khích đã nổi lên trong lòng Giáo hội.  Con đường tìm đến nhau để đánh tan những lớp mây mù đó, đâu phải dễ !   “Tuy nhiên, sau những khó khăn ban đầu con đường đó cũng cho thấy các niềm vui, các chặng dừng chân giải khát cho phép thỉnh thoảng hít thở đầy hai lá phổi không khí trong lành của sự hiệp nhất trọn vẹn.  Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, chúng ta ngạc nhiên về cách Chúa thức tỉnh chúng ta khỏi cơn hôn mê tự mãn và lãnh đạm ; cách Chúa làm cho chúng ta ngày càng có thể ‘lắng nghe nhau’ hơn, chứ không chỉ ‘nghe chính mình’ mà thôi ; cách Người mở miệng lưỡi chúng ta dâng Chúa lời cầu nguyện có sức thuyết phục thế giới hơn.”[5]  

Kết quả lớn lao đó phát xuất từ đức tin.  Không có đức tin, không thể nhìn thấy bao nhiêu chứng từ ân sủng Chúa ban cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần.  Không có đức tin, không thể cầu nguyện hữu hiệu.  Ðó là điều ÐGH Bênêđictô xác tín : “Quả thực Chúa đã ban cho tôi nhiều ân sủng, và trong ánh sáng Thánh Linh, qua những chứng từ, Người cho thấy mọi sự đều có thể đạt được nhờ lời cầu nguyện, nếu chúng ta biết vâng phục mệnh lệnh tình yêu của Chúa với lòng xác tín và khiêm cung và tha thiết với niềm mong đợi sự hiệp nhất tất cả môn đệ Chúa.”[6]  Nếu thế, “việc lo lắng tái lập hiệp nhất liên quan tới toàn thể Giáo Hội các giáo hữu cũng như các chủ chăn, và từng người một theo các khả năng trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các nghiên cứu thần học và lịch sử.”[7]

Một lần nữa, lời Chúa Kitô cầu nguyện cho hiệp nhất (x. Ga 17:21-22) lại vang lên trong lòng Giáo hội. Tiếng kêu gào thống thiết đến nỗi không ai có thể giả điếc làm ngơ được !  Quả thực, “phải tìm sự hiệp nhất trong nhiều cấp độ và trong vô số hoàn cảnh khác nhau : giáo xứ, bệnh viện, những cuộc tiếp xúc giữa quần chúng, sự hợp tác giữa các cộng đoàn địa phương ở khắp nơi trên thế giới, và nhất là trong các miền đang thể giúp kêu gọi mọi người nỗ lực tối đa sống tình huynh đệ và thanh tẩy quá khứ nữa.”[8]  Nếu mọi người đều có trách nhiệm đối với cuộc hiệp nhất Giáo hội, chúng ta phải làm gì ?  Có thể sống mãi trong bốn bức tường nhà thờ như những pháo đài không ? 

Ðã đến lúc chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ thời đại.  Chúng ta không thể nhìn niềm tin cóng lạnh trong những truyền thống lâu đời được nữa.   Trái lại, đức tin luôn thúc đẩy chúng ta phải tìm mọi phương cách giải quyết những vấn đề thời đại.  Ðức tin luôn năng động.  Nhờ đức tin, chúng ta biết “nhiệm vụ chung đầu tiên là cầu nguyện. Khi cầu nguyện và khi cùng nhau cầu nguyện các tín hữu Kitô ý thức hơn về tình trạng của các anh chị em khác cả khi còn chia rẽ nhau; và khi cầu nguyện chúng ta học biết lắng nghe Chúa hơn, vì chỉ khi lắng nghe Chúa và theo tiếng của Người chúng ta mới có thể tìm ra con đường của sự hiệp nhất.”[9] Ðức tin không thể cô lập, nhưng mở rộng cõi lòng và tương quan chúng ta với tha nhân.  Từ đó, các biên giới sẽ được phá vỡ.  Chúng ta có thể dễ dàng đến với anh em cùng niềm tin vào Chúa Kitô. 

Dù cùng đang phục vụ Dân Chúa trong một Giáo Hội, nhưng biết bao người tin Chúa Kitô không thể gặp gỡ nhau.  Ngay trong GHVN, những bức tường dầy cộm hay những hàng kẽm gai đang vây chặt và phân cách các nhóm người, đến nỗi họ không thể đến với nhau. Rõ ràng dấu chỉ tình yêu đã phai lạt và sức sống Giáo Hội yếu hẳn đi vì thiếu tinh thần hiệp nhất.  Theo trào lưu hội nhập thế giới hôm nay, GHVN cần phá đổ những bức tường và hàng rào trong nội bộ.  Ðối thoại thẳng thắn và tích cực bao giờ cũng là đường lối vững chắc đi vào tương lai.  Có đối thoại, mới có hợp tác. Muốn đẩy mạnh công cuộc truyền giáo và xây dựng cho chính mình và quê hương, GHVN cần phải sám hối.  Các thành phần GHVN cần tha thứ cho nhau mới có thể sống hiệp nhất như Chúa Kitô mời gọi và mọi người đang mong chờ !  Nếu không, chẳng còn nhiều thời gian để làm việc cho Dân Chúa trên trần gian nữa đâu ! 

Thực tế, muốn phá đổ những bức tường hay hàng rào trong GHVN, cần có cái nhìn sâu sắc và nỗ lực lớn lao của mọi người.  Ngoài đời chính phủ Việt nam đã mời ông Lý Quang Diệu vạch ra những mặt yếu kém hiện tại và phóng tầm nhìn về tương lai trong nhiều thập niên tới.  Ðề nghị GHVN mời một nhân vật nổi tiếng của Giáo Hội Ðại Hàn hay Ấn Ðộ sang thăm để giúp chúng ta có những cái nhìn mới mẻ và thực tiễn hơn . . .

Lạy Chúa, xin thương đến Giáo Hội của Chúa.  Xin cho chúng con luôn cố gắng mở rộng tâm hồn để có thể đón nhận và đến với mọi người.  Xin cho các Giáo Hội của Con Chúa, nhất là GHVN,  hiệp nhất thành một chứng từ tình yêu của Chúa trên trần gian. Amen

đỗ lực  28.01.2007     dzuize@gmail.com



[2] Nguyễn Bính.

[3] Benedict XVI, Zenit 24.01.2007.

[4] ibid.

[5] ibid.

[6] ibid.

[7] Unitatis redintegratio, 5.

[8] Benedict XVI, Zenit 24.01.2007.

[9] ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà