SỎI ÐÁ VẪN CẦN CÓ NHAU

(Lc 10:25-37)

 

Một thời mê nhạc Trịnh.  Mãi mãi mê nhạc Trịnh.  Trịnh Công Sơn tuyệt vời ! 

 

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động

Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.[1]

 

Ðó là truyện ngày sau của thế giới sỏi đá.  Còn truyện ngày nay của thế giới con người thì sao ?  Chẳng lẽ con người không bằng sỏi đá ?  Câu truyện người Samari hôm nay cho biết ai là sỏi đá và ai là con người ngay trong thế giới hiện tại.

 

CON NGƯỜI HAY SỎI ÐÁ

 

Câu truyện hôm nay như đóng khung trong một loạt câu hỏi.  Trước hết, người thông luật hỏi : “Tôi phải làm gì ?”  Chúa Giêsu vặn lại : “Trong Luật đã viết gì ?” ...  Ông tiếp tục thắc mắc : "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "  Chúa nêu vấn đề : “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ? "

Giữa hàng loạt các câu hỏi này là câu truyện về một nạn nhân đáng thương và một người Samari ...  Một cuộc đối thoại lạ lùng giữa ông thông luật và Chúa Giêsu.  Ông muốn gài bẫy Chúa.  Nhưng Chúa muốn dẫn ông vượt qua trò chơi nhàm chán đó để tìm ra sự thật giải thoát, dù phải nêu một gương sáng về đức bác ái từ người Samari, kẻ thù truyền kiếp của người Do thái. Ðối với Do thái, người Samari hầu như chẳng làm nên trò trống gì cả. Bởi vậy, ông không thể trả lời chính xác đó là người Samari.  Ông chỉ nói trổng : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” (Lc 10:37)

Ðứng trước nạn nhân, người thông luật coi đó như một đề tài cần bàn cãi.  Kẻ cướp cho đó là một đối tượng phải khai thác.  Tư tế coi là một vấn đề phải tránh xa.  Thày Lêvi coi như một việc gợi tính tò mò.  Chúa Giêsu rất tế nhị khi không cho thêm một nhân vật thông luật vào câu truyện dụ ngôn.  Nhưng ông đủ thông minh để rút lấy một bài học để đời .  Người Samari coi nạn nhân như một con người cần phải được thương yêu.  Ông đã nêu gương sáng tuyệt vời.  Còn Kitô hữu chúng ta thì sao ? 

Cuộc đối thoại lạ kỳ bắt đầu bằng một câu hỏi : “Làm gì ?” và kết thúc với lời mời gọi : “Hãy làm như vậy !”  Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu hay giúp người chống đối khám phá lời giải đáp cho vấn nạn do chính họ đặt ra.  Bài học trước hết dành cho những ai quay về phía người khác và bắt phải thực hiện công việc đáng lý mình phải làm.  Thực sự họ tìm cái gì ?  Ðể thử thách người họ đang nói truyện hay chỉ để tự biện minh ?  Có những người hay tự tra vấn chính mình và biết phải làm gì, nhưng lại sợ dấn thân.

Trong khi đó, Chúa Giêsu kể một câu truyện về người Samari cứu giúp một người  bị lọt vào tay bọn cướp.  Vượt qua luật Lêvi “anh hãy yêu thương người thân cận như chính mình,” (Lv 19:18) Chúa Giêsu dạy yêu thương kẻ thù trong Bài Giảng trên núi. Ðể minh họa điều răn mới này, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh Samari đại lượng và  bất vụ lợi.  Một bài học thấm thía cho ông thông luật !  Một lời mời gọi nồng nhiệt cho mỗi người chúng ta !

Người thông luật hỏi : “Ai là người thân cận của tôi ?”  Chúa Giêsu đi vào cụ thể : “Ai là người thân cận của người gặp cảnh khốn cùng này ?”  Qua cảnh tượng này, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta hai thực tại liên kết và soi sáng cho nhau : Kinh thánh và cuộc sống hằng ngày. Ước chi Kinh thánh có thể nhập thể vào cuộc sống và hướng dẫn chúng ta sống làm người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Thay vì hỏi “ai là người thân cận của tôi ?”  chúng ta nên tự hỏi : “Tôi là người thân cận của ai ?”  Từ đó, chúng ta mới không mất thời giờ biện minh cho những hành động thiếu bác ái của mình.  Mặc dù nhiều lúc thấy việc làm sai quấy rõ ràng, nhưng ai cũng có khuynh hướng muốn tìm mọi lý lẽ chống chế.  Nếu biết tự vấn, chúng ta sẽ thấy bất cứ ai cũng có thể là người thân cận của mình.  Không còn phân biệt chủng tộc, niềm tin hay địa vị xã hội của những người đang gặp cảnh khốn cùng.  Bất cứ đang sống ở đâu, chúng ta vẫn có những người túng thiếu bên cạnh.  Không có lý do gì từ chối họ. Nếu có lòng yêu thương thực sự, không thể không hành động cho con người cùng khốn.

Người thông luật  giả bộ tìm xem giới luật đó áp dụng cho ai.  Nhưng dụ ngôn tìm cách xác định chủ thể, chứ không phải đối tượng tình yêu.  Chúa đã chọn người Samari để minh họa một chủ thể không bị giới hạn vào một loại người nào.  Như thế mới hay ai cũng có thể đạt tới sự sống (vĩnh cửu) nhờ giới luật tình yêu.  Tình yêu phải vô điều kiện, chứ không bao giờ nằm trong những tính toán hay những áp chế miễn cưỡng của bất cứ guồng máy nào.  Tuy là một giới răn, nhưng tình yêu không bao giờ ép buộc ai.  Một khi bị ép buộc, tình yêu không còn là tình yêu nữa.  Chỉ tự do mới làm cho tình yêu có giá trị.

Nhưng tình yêu không dừng lại ở cảm xúc.  Nếu chỉ cảm thương mà không ra tay hành động, người Samari có khác gì các thày tư tế, Lêvi ?  Cũng như tri thức, cảm xúc không đủ sức mạnh đẩy ta tới anh em.  Thiếu gì những viên chức tôn giáo quá trọng luật lệ đến quên cả bổn phận thương yêu và dấn thân.  Chưa kể bao người chỉ thích chiều theo xung động mà lên án người khác, không hề biết người mình lên án là ai và đã làm gì.   Không bao giờ tìm thấy bất cứ một khích lệ nào, ngay cả khi nói bông đùa với anh em.

 

TÌNH LIÊN ÐỚI

 

Tại sao người Samari lại tỏ tình liên đới với nạn nhân ?  Chắc chắn không phải vì lý do tôn giáo, chủng tộc, giai cấp.  Hoàn toàn vì tình người tự nhiên.  Tôn giáo, luật lệ v.v. cũng chẳng giúp lay tỉnh con người, nếu lương tâm đã chết hay con tim đã khô cứng.  Dù có đủ lý do để biện minh cho hành động, thày tư tế và Lêvi không thể lấy lề luật khỏa lấp lương tâm.  “Một mình công lý không đủ.  Thực vậy, công lý còn có thể phản bội chính mình, nếu không mở rộng vòng tay đón nhận quyền lực sâu xa hơn, đó là tình yêu.  Quả thế, bên cạnh giá trị công lý, học thuyết xã hội của Giáo hội còn đặt giá trị tình liên đới, vì đó là con đường đặc biệt dẫn tới hòa bình.  Nếu hòa bình là hoa quả của công lý, thì ngày nay có thể nói một cách chính xác và theo thần hứng Thánh Kinh:  hòa bình là hoa quả của tình liên đới.”[2]

Tình liên đới vượt trên các tính toán khô cứng của đầu óc duy luật và tôn giáo. Thánh Thomas Aquinas từng nói : “Nếu không có lòng từ bi, công lý thật tàn bạo. Nhưng nếu không có công lý, lòng từ bi là mẹ sinh ra sự băng hoại đạo đức .”  Người Samari vừa có lòng từ bi, vừa nêu gương công chính.  Dù không mắc nợ hay liên hệ gì, nhưng ông cư xử rất “có hậu” với nạn nhân.  Bằng chứng, ông đã trả tiền trọ qua đêm và lo lắng thanh toán tất cả phí tổn cho nạn nhân khi trở lại nữa (x. Lc 10:35).  Ông không muốn đặt gánh nặng lên vai người khác.  Ông thật chu đáo !

Chỉ có lòng từ bi mới giúp con người khám phá thấy mình liên đới với mọi người. Khi có lòng từ bi thực sự, con người không thể ngồi yên nhìn tha nhân quằn quại trên đau khổ hay lẩn tránh nạn nhân.  Con người có thể làm ngơ trước những đau khổ tha nhân, nhưng không thể trốn tránh được chính mình, nhất là khi mình nắm giữ vai trò lãnh đạo như các tư tế và thày Lêvi.  Có chức vị quan trọng như thế, không thể không liên đới tới người khác.  Nhưng chức vị, đạo đức và học vấn cũng không chắc giúp con người nhận ra mối liên đới và nhất là can đảm dấn thân hành động vì lợi ích tha nhân. 

Cách đây ít tháng, nữ tu Anne Thole đã chết vì cố gắng cứu bệnh nhân AIDS trong một vụ hoả hoạn tại trung tâm nuôi dưỡng người mắc bệnh AIDS tại giáo phận Dundee bên Nam Phi.  Lúc đó chị mới 35 tuổi và đang giữ chức Giám Đốc Nhà Tập.  Báo chí tại Johannesburg Nam Phi nhiệt liệt ca ngợi vị nữ tu trẻ đẹp này, và không ngần ngại tôn vinh chị là thánh tử đạo.[3]   Nếu không có tấm lòng từ bi và tình liên đới, làm sao chị nữ tu dám liều mạng cứu vớt người khốn cùng như thế ?  Người Samari chỉ mất chút thời giờ và tiền bạc.  Còn chị nữ tu Anne Thole mất cả mạng sống. 

Bình thường ai cũng thích sống theo kiểu  “cháy nhà hàng xóm, bằng chân như vại.”  Tại sao chị Anne Thole lại không “bảo trọng” đến nỗi mất mạng như vậy ?!  Chị có nợ nần hay liên hệ gì với những bệnh nhân bệnh AIDS đó mà phải trả giá quá mắc như thế đâu !  Các bệnh nhân đó bị xã hội xa lánh và chẳng còn giá trị trước mắt người đời, sao chị lại đánh đổi cả một mạng sống quý giá của mình ?  Hàng trăm câu hỏi có thể được gợi lên trong những đầu óc “khôn ngoan” như tư tế và thày Lêvi.  Rất may trong đầu  chị Anne Thole (cũng như người Samari) không có những tính toán như thế, nên mới có những giá trị Tin Mừng đích thực nơi những nhân chứng sống động hôm nay.

 

KHI THÁNH LINH HOẠT ÐỘNG

 

Người Samari là một nhân chứng không phải của niềm tin, nhưng của một con người còn có lương tâm.  Chúa Giêsu thấy ngay trong lương tâm và cách hành xử tự nhiên đó có một giá trị Tin Mừng rất lớn.  Lương tâm dạy cho ông biết mình liên đới với mọi người, nhất là những người đang có nhu cầu cấp thiết phải giải quyết để sống còn.  Nếu không phản ứng kịp thời, mạng sống nạn nhân có thể bị đe dọa.  Nhờ phản ứng tích cực và thực tế, người Samari đã hoàn thành nghĩa vụ đối với người thân cận ông chưa một lần quen biết. 

Với những người xa lạ mà ông Samari còn cảm thấy liên đới và bổn phận cứu giúp như vậy, tại sao với những đối với đồng bào ruột thịt, chúng ta lại có thể phủi tay và làm lơ như chưa hề quen biết ?!  Chẳng lẽ sống trên đời chỉ lo thăng quan tiến chức và làm giàu để vinh thân phì da ?   Trước tình cảnh đồng bào bị đánh nhừ tử và bị quăng ra ngoài đường, ta có thể “sống chết mặc bay” được không ?

Khắp hang cùng ngõ hẻm, các bóng áo đỏ, áo đen, áo vàng đang lướt qua những nạn nhân chế độ.  Họ bưng tai trước những tiếng rên siết của đồng bào, đồng đạo.  Họ ngang nhiên bước qua những xác chết để kịp giờ dâng lễ mỗi ngày.  Còn đâu những người con của hằng trăm ngàn các anh hùng tử đạo Việt nam ?  Còn đâu Ðạo Nhập Thể giữa lòng dân tộc ?  Còn đâu những chứng từ cần thiết cho Giáo hội lớn mạnh ?

Người ta đã chính trị hóa mọi thực tại, để bịt miệng và vô hiệu hóa sức mạnh Tin Mừng.  Ðó là một âm mưu thâm độc nhằm hạ uy thế Giáo hội.  Không phải bất cứ những gì liên quan tới con người và xã hội đều là chính trị.  Tin Mừng phục vụ con người, nhưng không theo phương cách và đường hướng chính trị.  Nên nhớ Giáo hội không quá mù quáng và bất lực đến nỗi làm thinh trước sự thao túng chân lý và danh dự Giáo hội cho một mục tiêu chính trị.  Khi chính GHVN hay HÐGMVN trở thành nạn nhân, không ai cứu nổi GHVN ngoài GHVN.  Bởi vậy,  Giám Mục Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch HÐGMVN, mới can đảm lên tiếng bênh vực sự thật trong lá thư đề ngày 7 tháng 7, năm 2007, gởi thẳng cho chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết.  Nguyên văn bức thư có đoạn : “Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi kính gửi lời thăm Cụ và thưa Cụ việc sau đây : Nhân đọc trong báo “ Tuổi Trẻ “, số ra ngày 6 tháng 7 năm 2007, tại trang 3, liên quan đến vụ xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định như sau : Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi “ là không đúng sự thật.”[4]  

Thực ra, câu nói đó đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt nam.[5]  Họ không e ngại đụng tới quyền lực cao nhất của Giáo hội Công Giáo hoàn vũ và đất nước.  Tất cả đều bị họ biến phương tiện phục vụ quyền lợi đảng !  Không biết liêm sỉ ở chỗ nào !  Ðáng lẽ địa vị càng cao, càng phải tôn trọng sự thật chứ !  Tất cả danh dự con người và hướng tiến xã hội đều tùy thuộc sự thật ! 

Phải chăng “việc lên tiếng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam là vì danh dự của các ngài,”[6] như linh mục Trần Công Nghị nhận định ?  Chẳng lẽ bao giờ người ta đụng đến mình, mình mới lên tiếng sao ?   Tuy chưa ai đụng tới mình, người Samari đã tích cực can thiệp để giúp đỡ nạn nhân.  Có lẽ nhận định của linh mục Trần Công Nghị chưa sâu sắc đủ để thấy hết vấn đề.

Muốn thấy hết vấn đề, phải mượn nhận định của ÐHY Phạm Minh Mẫn : “Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi nầy nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi là sự thật bị cắt xén, bị bóp mép, thêm râu ria, có khi là sự thật một chiều, một mặt. Phải chăng nguyên nhân là do quan điểm cho rằng sự thật chỉ là những gì có lợi cho mình? Hoặc do cái nhìn bị giới hạn bởi hoàn cảnh? Hoặc do nỗi sợ hãi nào đó thường núp bóng sau lưng những hình thức bạo lực? Và hậu quả trước mắt là dễ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, hoặc gây nhiễu và làm biến chất những mối quan hệ xã hội.”[7]

Thế là chỉ ba ngày sau khi Giám Mục Nguyễn văn Hòa gởi lá thư cho ông Triết, tức ngày 10.07.2007, ÐHY Phạm Minh Mẫn đã lên tiếng : “Tôi nghĩ rằng sự thật là một yếu tố nền tảng cho công cuộc phát triển vững bền đất nuớc, xây dựng các mối quan hệ xã hội thành một sức mạnh cho công cuộc phát triển đó.”[8]  Ðúng như thế !  Ðất nước còn lạc hậu vì sự thật bị xuyên tạc và che đậy khắp nơi.  Chính vì không nắm được sự thật, con người chưa được giải thoát và dân tộc vẫn chưa có tự do.  

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho các vị lãnh đạo chúng con can đảm lên tiếng nói sự thật.  Xin Chúa Thánh Thần  hoạt động mạnh mẽ  trong GHVN chúng con.  Amen.

 

đỗ lực 15.07.2007



[1] Trịnh Công Sơn, Diễm Xưa.

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, 2004:90.

[3] x. VietCatholicNews 06/04/2007, không biết VietCatholic lấy từ  nguồn nào.

[4] http://www.honnho.org/

[5] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/07/070713_vietcatholicviewnhandan.shtml

[6] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/07/12/VnBishopCouncilRetortsPresidentTriet_GMinh/

[7] http://www.honnho.org/

[8] ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà