KHÔNG CẦN BIẾT EM LÀ AI

(Ga 8:1-11)

 

Xã hội càng văn minh, phụ nữ càng được giải thoát, và ngược lại.  Ðó là thước đo mức tiến bộ nhân loại.   Ngày xưa, ngay trong dân Chúa, số phận phụ nữ cũng không khá hơn các dân khác.  Câu truyện ném đá người phụ nữ ngoại tình trong Tin mừng hôm nay là một điển hình.

Theo Kinh thánh, trong vụ án ngoại tình cả, hai đồng phạm đều phải đưa ra ném đá (Lv 20:10; Ðnl 22:22).  Thế nhưng, những nhà lãnh đạo Do thái đã cố tình coi thường luật này.  Họ chỉ bắt người phụ nữ, mà không tố cáo người đàn ông tòng phạm.  Các người lãnh đạo đã dùng phụ nữ này  như một chiếc bẫy lừa Ðức Giêsu.  Nếu Người không đồng ý ném đá, họ sẽ tố cáo  Người vi phạm luật Môsê. Chưa chắc họ đã nghe theo.  Trái lại, có thể họ vin vào cớ đó để lên án và ném đá cả Chúa lẫn phụ nữ ngoại tình.  Nếu Người khuyến khích họ xử tử nàng, họ sẽ báo cáo cho quân Rôma biết Người chống lại lệnh cấm người Do thái thi hành án tử hình (Ga 18:31).   Nếu thế, còn đâu hình ảnh nhân hậu của Người trong lòng dân  ?  Những người lãnh đạo Do thái thâm độc thật !

Bên ngoài, họ có vẻ là những người tha thiết với Luật Môsê và bảo vệ công lý. Nhưng thực ra, họ muốn thử thách đức nhân hậu và lòng bác ái của Người.  Làm sao vừa giữ vững công lý vừa duy trì được lòng nhân ái đối với mọi người  ?   Thật là một bài toán hóc búa.  Vậy mà, Người đã tìm thấy đáp số rất tài tình.  Chỉ cần một câu hỏi gọn nhẹ, nhưng xoáy sâu vô nội tâm, Người đã có thể phá tan hàng rào pháp lý và đám đông dầy đặc đang thét gào chung quanh.  Tất cả lời tố cáo đều im bặt trước câu thách đố : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”  (Ga 8:7)  Một tiếng sét xé ngang bầu trời ồn ào hôm đó và đâm thấu tận tim đen đám đông.  Tất cả đã từ từ rút đi sau một giây hồi tâm.  Như thế, Chúa vừa cứu được phụ nữ ngoại tình, vừa làm cho đám đông, nhất là giới lãnh đạo, trở về với sự thật lòng mình.  Họ lần lượt ra đi như một lời thú tội. Thế là họ mắc vào bẫy chính mình đã giương lên.  Còn Chúa, Người chẳng cần giương bẫy, nhưng đã bắt được cả hai con chim. 

Khi trở thành nạn nhân của những mưu thâm chước độc, con người biến thành phương tiện cho con người.  Người phụ nữ ngoại tình chỉ là một phương tiện dùng để tố cáo và lên án Ðức Giêsu mà thôi.  Người không bao giờ xử dụng con người làm phương tiện cho mình.  Trái lại, không những lấy con người làm trung tâm cho sứ mệnh của mình, Người còn tự biến mình thành “con đường” (Ga 14:6) cho con người đến với Chúa Cha.  Người đã hy sinh tất cả cho con người.  Con người trở thành mục đích cho toàn thể công trình sáng tạo và cứu độ.  Thật thế, vì là “hình ảnh Thiên Chúa,” (St 1:27) con người được Thiên Chúa đặt ở “trung tâm và tột đỉnh mọi loài thụ tạo.”[1] Chúa đã thấy tất cả phẩm giá lớn lao đó nơi người phụ nữ ngoại tình, dù tội nàng có lớn tới đâu.  Trái lại, những nhà lãnh đạo Do thái đã đồng hóa con người với tội lỗi, nên nàng không còn lý do hiện hữu trên cõi đời này nữa.  Tội nhân không còn cơ hội để làm lại cuộc đời.

Trong suốt thời gian căng thẳng giữa rừng người khát máu, Chúa Giêsu luôn bình tĩnh và sáng suốt để tìm đường thoát hiểm cho người phụ nữ nạn nhân và cho chính mình.  Người giúp đỡ cô, nhưng không hề bênh vực cho tội ngoại tình của cô.  Bằng chứng, sau khi “tòa án nhân dân” đã giải tán, Người không quên căn dặn : “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8:11)  Còn lời nào cương nghị và đầy nhân ái hơn ?!

Chính vì thế, tội nhân đã tìm đến với Ðức Giêsu để tìm một cơ hội lớn trở về với Thiên Chúa.  Không còn con đường nào khác !  Không những phẩm giá họ được nhìn nhận, nhưng họ còn được đưa vào tương quan với Thiên Chúa.  Vì được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa,” (St 1:27) nên “tự bản chất, con người hiện hữu trong tương quan chủ yếu và sâu  xa nhất với Thiên Chúa.”[2]  Như thế, trước sức mạnh tình yêu, tội lỗi không thể hủy diệt bản chất đó của con người.  Tình yêu nối lại mối dây thân tình sâu xa giữa con người với Thiên Chúa. Tình yêu đó chỉ có thể tìm thấy nơi Con Người Ðức Giêsu trên Thánh Giá.

Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng hành động, Ðức Giêsu đã cứu con người không những thoát khỏi đám đông khát máu, nhưng khỏi bàn tay ác thần hung bạo.  Người giải thoát không những thể xác khỏi cái chết đời này , nhưng cả linh hồn khỏi cái chết đời sau.  Chính vì Người đã chết, toàn thể nhân loại được cứu sống và đi sâu vào tình yêu Chúa Cha.  Cái chết trên thập giá trở thành cần thiết cho sự sống nhân loại.  Khi cứu sống nhân loại, Người không nhìn vào tội ác họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng nhìn vào chính con người với tất cả giá trị cao cả của họ nơi Thiên Chúa.  Chính vì hạnh phúc và phẩm giá con Thiên Chúa của họ, nên Chúa đã chấp nhận tất cả.

Khi thấy nhân loại phạm tội, Người đã không tra cứu sách luật hay Kinh thánh.  Trái lại, Người nhìn sâu vào lòng nhân từ của Chúa Cha và hình ảnh của Cha nơi nạn nhân, để đem lại một chiều kích mới mẻ và toàn triệt cho lề luật.  Con người đã không có được cái nhìn như thế, nên mới dễ bạo động.  Chính Người cũng đã trở thành nạn nhân của đám đông bạo động.

Ðám đông thời ấy và đám đông thời nay có khác nhau không ?  Giả sử, đứng giữa “tòa án nhân dân,” Chúa Giêsu cũng đặt vấn đề tương tự như thế, liệu có ai dừng tay và bỏ đi không ?  Dầu sao đám đông thời Chúa Giêsu vẫn còn lương tâm và biết nhìn nhận sự thật.  Ðám đông ngày xưa vẫn can đảm hơn đám đông ngày nay.  Còn ngày nay, biết bao người đã chết oan vì lương tâm không còn hoạt động nơi đám đông.  Chẳng hạn, biết bao nạn nhân vô tội đã gục ngã trong những vụ cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc Việt.  Sự thật thuộc về đám đông chuyên môn“lấy thịt đè người.”  Dù biết mình sai, họ vẫn không có can đảm nhìn nhận sự thật và không dám rút lui vì sợ bẽ mặt.  Trái lại, họ còn dựa vào sức mạnh vũ khí, nhà tù, quyền lực để áp đảo tiếng nói lương tâm và chà đạp sự thật. 

Cuộc đấu tố ngày xưa ở Bắc Việt và những cuộc bắt bớ các nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước hiện nay có khác việc lên án phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay không ?  Có khác chăng là phụ nữ ngoại tình có tội thật, còn những người bị đấu tố và các nhà đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước có tội gì ?  Phải chăng hành động theo tiếng lương tâm là một thứ tội ?  

Ai dám bênh vực họ đây ?  Ngày xưa, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ bênh vực và tìm cách giải thoát phụ nữ ngoại tình, mặc dù biết nàng người có tội.  Hôm nay, Nhiệm Thể hay Hiền Thê của Người là Giáo Hội không đủ can đảm bênh vực cả những người vô tội hay sao ?  Phật Giáo Thống Nhất có những vị lãnh đạo cao cấp như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ dám hy sinh cả đời để tranh đấu cho tự do tôn giáo.  Còn Giáo Hội Công Giáo Việt nam, Hàng Giáo Phẩm đang ở đâu ?  

Lạy Chúa, từ trước tới nay, con đã làm gì khi anh em xúc phạm đến con ?  Con luôn muốn công lý phải được thi hành.  Lúc nào con cũng có đủ lý do biện hộ cho việc phục thù của con. Chắc chắn hôm nay Tin Mừng đòi hỏi con phải cúi xuống tĩnh niệm, trước khi đụng đến tha nhân.  Xin cho con luôn sẵn sàng dành cho anh em một cơ hội.  Xin hãy mở trái tim con ra để mọi người thấy tình yêu Chúa đang sôi sục trong con. Amen.

 

đỗ lực

25.03.2007

 

 

 



[1] Toát Yếu Lý Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, số 108.

[2] ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà