NHU CẦU TÔN GIÁO

(Mt 2:1-12)

 

Tới nay, mọi người đều kinh ngạc trước thông tin sau đây về tình trạng tôn giáo tại Việt Nam. “Cuối năm 2005, các cộng đoàn công giáo tại Sơn La đã chính thức đệ đơn lên các cấp chính quyền, đăng ký được phép sinh hoạt công khai theo như Pháp lệnh đã qui định. Cũng trong giai đoạn này, nhiều lần Toà Giám mục Hưng Hoá đã gửi công văn tới Chính quyền Sơn La “đề nghị cho các linh mục lên làm việc mục vụ tại Sơn La” , nhưng đều bị Chính quyền Sơn La từ chối với một lý do lãng nhách: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo.”[1]

Nếu chỉ là mảnh đất vô tri trên miền thượng du Bắc Việt, Sơn La không có nhu cầu tôn giáo, đúng như chính quyền quả quyết. Nhưng chính quyền có phải là tập hợp những cục đất vô tri không? Nếu là những cục đất vô tri, làm sao chính quyền có thể đại diện những con người trên mảnh đất ấy để quả quyết : “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo’?  Chẳng lẽ tôn giáo là một sản phẩm địa phương nào đó dân chúng Sơn La không quen tiêu thụ? Còn nếu tôn giáo là một đặc tính xác định bản chất con người, chính quyền Sơn La có gồm những con người không?

Ngay từ thời xa xưa, từ những miền đất rất xa lạ, các nhà chiêm tinh cũng thấy có nhu cầu tôn giáo. Nếu không, họ đã không đến thờ lạy Chúa Hài Nhi. Có lẽ Hêrôđê cũng không thấy nhu cầu tôn giáo, nên dù ở rất gần, ông cũng không đến làm một nghi lễ như họ. Trái lại, ông còn tìm cách giết Hài Nhi, để đề phòng hậu họa. Chỉ mới nghe các nhà chiêm tinh nhắc đến “Ðức Vua dân Do thái,” ông đã bất an và có những mưu đồ đen tối. Trong khi đó, các nhà chiêm tinh phải bỏ nhà cửa và phong tục, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy, dõi ánh sao lên đường tìm kiếm để tỏ một thái độ tôn giáo trước Hài Nhi. Tại sao có tình cảnh trái ngược đó? Như thế mới rõ nhu cầu tôn giáo vượt qua mọi biên giới và trở thành của toàn thể nhân loại. Nhu cầu này còn vượt qua những án lệnh của nhà vua. Nhà vua bảo các nhà chiêm tinh quay lại để báo cáo tình hình, họ đi về quê nhà luôn.

 

LÊN ÐƯỜNG

 

Từ những miền xa lạ, vì nhu cầu tôn giáo thúc đẩy, ba nhà chiêm tinh đã lên đường theo ánh sao lạ. Họ đi tìm thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Họ chỉ tin tưởng vào thiên nhiên. Không Kinh thánh. Không truyền thống đạo đức như Do thái. Nhưng chính Thiên Chúa đã mạc khải cho họ qua những phương tiện thích hợp trong tôn giáo của họ. Nhờ ngôi sao thiên mệnh, họ có thể học biết về ngày sinh của Chúa Giêsu và tìm đường đến với Người.

Nhưng khi họ gần tới nơi, đã lọt vào lãnh địa của người Do thái, ngôi sao biến mất. Một sự kiện nhỏ nhoi, nhưng lại làm xáo trộn chương trình của họ. Bao nhiêu mộng ước tan tành trong giây phút. Gần tới mục tiêu thì mọi sự đều xoay chiều. Thế là họ ghé vào cung điện nhà vua tìm câu giải đáp. Dĩ nhiên khi thấy các nhà chiêm tinh, tức những người trí thức đến với mình, vua Hêrôđê rất vui mừng. Khi nghe báo tin về “Vua dân Do Thái” mới sinh, tuy trong bụng xốn xang, nhà vua vẫn lịch sự mở tiệc khoản đãi họ để có thời giờ tra cứu và lên kế hoạch. Vua ra lệnh các nhà trí thức Do thái tra cứu Kinh Thánh Họ chỉ xác định được địa điểm Ấu Chúa sinh ra, chứ không biết gì về thời gian.

Thế là, nhà vua phải khéo léo hỏi các nhà chiêm tinh về “ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.”(Mt 2:7) Như thế cũng chưa nắm chắc. Chẳng lẽ bây giờ lại sai quân lính đi theo họ? Làm thế, sợ họ sẽ cho mình là bất lịch sự. Nghĩ thế, nên nhà vua lại tìm cách dặn dò để mong đón nhận được thông tin đầy đủ và chính xác. Ông đã khéo léo che dấu ý đồ hiểm độc bằng một câu nói đạo đức : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."(Mt 2:8) Bái lạy Người hay giết Người để củng cố ngai vàng? Lịch sử đã phơi bày tất cả sự thật.

Nhà vua đã không ngăn cản hành vi tôn giáo của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông hiểm độc hơn nhiều. Ông diệt tận gốc, chứ không trừ ngọn. Giết Thiên Chúa hay hủy diệt lòng tin của các tín hữu vẫn là giấc mơ ngàn đời của các bạo chúa.

Nhưng làm sao hủy diệt lòng tin? Dù sống ở một nơi xa xăm và phải vượt qua nhiều nguy hiểm, các nhà chiêm tinh vẫn không ngại lên đường. Họ đến như những người dân ngoại. Họ thờ phượng Chúa Giêsu như những người dân ngoại. Họ trở về quê nhà vẫn như những dân ngoại. Họ không cải đạo thành các tín hữu Do thái hay Kitô giáo. Thiên Chúa chấp nhận lòng tin và việc thờ phượng của họ. Thiên Chúa hướng dẫn họ trền đường về quê nhà qua giấc mơ. Ðiều này chứng tỏ Thiên Chúa có liên hệ với dân chúng trong các tôn giáo khác, ngoài Do thái và Kitô giáo.

Bởi đó, khi lên đường cũng như lúc về quê nhà, họ luôn được bình an trên những nẻo đường Chúa hướng dẫn. Dù có trải qua đêm đen hay lang thang qua những miền đất lạ, tâm hồn họ vẫn không  bối rối như vua Hêrôđê và hay xôn xao như dân thành Giêrusalem (Mt 2:3). Ông và dân thành chỉ nghĩ đến những quyền lợi vật chất. Các nhà chiêm tinh cũng chỉ thấy một sao lạ báo hiệu về “Ðức Vua dân Do thái,” chứ không có Kinh Thánh để thấy sâu xa hơn. Nếu có Kinh Thánh, hẳn các ông đã đọc sách Dân Số chương 24 để hiểu sâu xa hơn ý nghĩa lời Thiên Chúa qua lời sấm Balaam:

 

“Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa,
và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao,
được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị,
của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.
Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;
một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp,
một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en
sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết,
và xâm chiếm Ê-đôm,
cả Xê-ia cũng bị xâm chiếm nữa.
Ít-ra-en sẽ biểu dương sức mạnh,
Gia-cóp sẽ thống trị quân thù,
và tiêu diệt kẻ trốn khỏi thành phố." (Ds 24:16-19)

 

          Như thế, ngôi sao biểu thị Vị Vua, Ðấng nắm vương trượng. Dĩ nhiên, đối với chúng ta, lời sấm đó có một ý nghĩa lớn hơn điều đã nói trong Cựu ước về vương triều Ðavít và việc chiến thắng những kẻ thù quốc gia của người Do thái. Vua Do Thái hôm nay các nhà chiêm tinh đến tôn thờ là Vua các Vua, Vua mọi dân mọi nước, Vua đem Tin Mừng chinh phục cả thế giới.

Hơn nữa, “một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” không phải để chinh phục mọi dân tộc cho Israel thống trị, nhưng chịu nộp mạng vào tay vương quốc hùng mạnh nhất. Ðó là vương triều đã nổi lên để giải thoát tất cả chúng ta khỏi ách thống trị của bất cứ vua chúa trần gian nào.

Sau cùng, những ý nghĩa  sâu xa hơn của ngôi sao phương đông còn thấy trong biểu tượng truyền thống do các món quà của các nhà chiêm tinh mang tới : vàng tuyên dương Ðức Kitô là Vua. Nhũ hương tượng trưng Chúa Kitô là Thương Tế. Mộc dược nói lên Chúa Kitô là Hy Lễ. Hài Nhi đã “sinh ra để làm Vua,” Vua sẽ cai trị cả thế giới từ cây thập giá.

Như thế, “các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.”(Ep 3:6) Chúa Giêsu Kitô đã đem một chân lý phổ quát và tối cao vào lịch sử nhân loại. Người đã làm cho trái tim con người không bao giờ nghỉ yên. Từ đó họ luôn sống trong tinh thần liên kết với con cái Abraham, làm thành một dân Israel duy nhất của Thiên Chúa. Nhờ truyền thống đó, mới thấy các nòi giống, dân tộc và ngôn ngữ quy tụ quanh một Cứu Chúa duy nhất. Quả thật, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”(1 Tm 2:4)

Khi các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa là thời đại cuối cùng đã bắt đầu. Cũng như họ, mỗi người chúng ta được kêu gọi nhận biết Chúa là “tận điểm của lịch sử nhân loại, điểm quy tụ những ước vọng của lịch sử và các nền văn minh, trung tâm điểm của nhân loại, niềm vui của mọi con tim và sự hoàn thành mọi ước vọng. Quả quyết như thế, không  phải là đặt dấu chấm hết cho các cá nhân và các dân tộc, nhưng là loan truyền cho họ Tin Mừng : bên kia những giới hạn hữu hình của Giáo hội, Chúa Kitô không ngừng tác động đến tận con tim mỗi người bằng ân sủng vô hình.

Như thế, vương quốc Thiên Chúa không xâm lấn nhưng thăng hoa những thực tại trần gian. Khi sinh ra, Hài Nhi không ngừng đem lại cho nhân loại ân sủng để mọi người có thể sống hiệp thông và phục vụ lẫn nhau mà sống trong bình an và hạnh phúc. Những ai có lòng tin, đều phải lên đường như các nhà chiêm tinh, theo ánh sao là lương tâm hằng chiếu sáng trong tâm hồn. Như thế, tôn giáo là một nhu cầu xuất phát từ bản chất và tận thâm tâm con người, chứ không do xã hội hay truyền thống sắp đặt.

 

TỰ DO TÔN GIÁO

 

Tôn giáo là một nhu cầu bức thiết của con người. Chỉ có con vật mới không có nhu cầu tôn giáo. Ðúng hơn, thay vì quả quyết “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo,” nhà nước phải nói : “Sơn La không có quyền tự do tôn giáo.” Không phải Sơn La mà thôi, nhưng toàn thể dân tộc đang bị tước đoạt quyền tự do tôn giáo.

Tự do tôn giáo là quyền tối thượng của con người. Khi quyền làm người không được tôn trọng, làm gì còn quyền theo tôn giáo? Thật vậy, “tự do sống theo lương tâm và theo tôn giáo liên quan tới con người về phương diện cá nhân cũng như xã hội. Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận theo pháp lý và phê chuẩn như một quyền dân sự. Tuy nhiên, tự bản chất đó không phải là một quyền vô giới hạn. Những giới hạn chính đáng cho việc thi hành quyền tự do tôn giáo phải được quy định một cách thận trọng trong mỗi hoàn cảnh xã hội chính trị, theo những đòi hỏi công ích và được chính quyền phê chuẩn qua các luật pháp phù hợp với trật tự luân lý khách quan. Cần có những luật lệ đó vì nhu cầu bảo vệ hữu hiệu quyền của mọi công dân và giải quyết những tranh chấp quyền lợi một cách ôn hòa, đồng thời vì nhu cầu thích đáng trong việc gìn giữ hòa bình nơi công cộng, để con người sống chung với nhau trong một trật tự tốt đẹp và một nền công lý thực sự. Sau cùng, cần phải có luật lệ ấy vì phải đặc biệt gìn giữ nếp sống đạo đức của quần chúng.”[2] Nhà nước không thể tùy tiện đặt những giới hạn quyền tự do tôn giáo, bất chấp những tiêu chuẩn công lý và đạo đức khách quan.

Sở dĩ, chính quyền Sơn La có thể ăn nói trơ trẽn như thế, vì quyền tự do tôn giáo chỉ được phê chuẩn trên bản văn hiến pháp mà thôi. Thực tế, tùy địa phương, quyền đó sẽ được ban ra như một ân huệ nhỏ giọt. Nơi nào có tai mắt quốc tế như Sài Gòn và Hà Nội, dĩ nhiên cần phải trình diễn màn tự do tôn giáo tối đa. Còn những nơi cao nguyên như Sơn La, nhà nước xử theo luật rừng. Không có một định chế pháp lý về tôn giáo, không thể buộc chính quyền tôn trọng công ích và trật tự luân lý khách quan. Càng không thể đòi hỏi nhà nước xử sự theo công lý, khi chẳng có một cơ quan độc lập với nhà nước để xét xử những vi phạm nhân quyền.

Bao giờ nhà nước mới nhìn nhận “Giáo hội có quyền đòi hỏi phải được pháp luật thừa nhận có bản sắc đặc thù”[3]? Nhà nước quy định mọi sự để bảo vệ đảng qua họng súng, chứ không nhằm tôn trọng nhân quyền và công ích. Theo công tâm, nhà cầm quyền phải hiểu rằng “hiển nhiên vì có sứ mệnh đối với toàn thể  nhân loại, đồng thời biết  mình thực sự liên kết với loài người và lịch sử nhân loại một cách sâu xa, nên Giáo hội có quyền đòi hỏi quyền tự do phán quyết về mặt đạo đức các thực tại nhân loại, bất cứ khi nào cần bảo vệ những quyền căn bản của con người hay công cuộc cứu rỗi các linh hồn.”[4]

Không cần phải có niềm tin mới thấy được quyền tự do tôn giáo. Nếu anh đòi người khác tôn trọng quyền tự do không theo một tôn giáo nào, tại sao anh lại ngăn cản và phủ nhận quyền tự do tôn giáo của tôi? Chỉ những ai khăng khăng bảo vệ ý kiến và quyền lợi riêng, mới “cả vú lấp miệng em” hay “lấy thịt đè người” mà thôi. Những người nắm quyền sợ rằng khi được nhìn nhận như một thực thể có quyền riêng, Giáo hội sẽ lấn sang những lãnh vực dân sự và đòi hỏi nhân quyền cho dân chúng nữa.

Dù bị ngăn cản tới đâu “Giáo hội vẫn kiếm tìm : tự do ngôn luận, giảng dạy và truyền giáo ; tự do thờ phượng công khai ; tự do tổ chức và điều hành nội bộ riêng; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và chuyển đổi các thừa tác viên ; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo ; tự do sở hữu và thu tích các của cải đầy đủ cho các hoạt động ; và tự do thiết lập các hội đoàn không phải chỉ cho các mục đích tôn giáo, nhưng cho các mục đích giáo dục, văn hóa, y tế và bác ái nữa.”[5] Tất cả những thứ tự do đó đều nằm trong quyền làm người. Một nhà nước biết điều phải tôn trọng những quyền cơ bản đó, mới mong nở mày nở mặt với thiên hạ.

Khi không tôn trọng quyền tự do của người khác, chính mình cũng mất tự do luôn. Cả người bị tù và kẻ canh tù cũng đều ở trong tù. Hãy mở khóa cho tù nhân ra ngoài, để mình khỏi phải chôn thân nơi chốn ngục tù nữa!

 

ÁNH SÁNG BỪNG LÊN

 

Khi bị tước đoạt nhân quyền, tự do tôn giáo biến mất. Nếu bạo chúa Hêrôđê giết được Hài Nhi Giêsu, dù các nhà chiêm tinh có loan tin và cổ động dân chúng, họ cũng chẳng còn gì để thờ lạy nữa. Như thế, Hêrôđê trù dập tự do tôn giáo tận nguồn cội. Nhưng người tính không bằng Trời tính. Những con người theo lẽ phải bao giờ cũng tìm được lối thoát. Các nhà chiêm tinh không ngờ đã gặp một con cáo già. Nhờ được báo mộng, họ mới thấy tất cả bộ mặt thật của nó. Họ đã không trở lại gặp và làm theo lòng dạ nham hiểm của con người tàn ác đó. Nhờ thế, Hài Nhi Giêsu vẫn còn sống. Cuối cùng, kẻ sát nhân phải chết, mặc dù đã tìm mọi cách để giết Hài Nhi. Những kẻ muốn tước đoạt mạng sống con người, cuối cùng cũng chẳng giữ đươc gì cho mình.

Nhìn vào quê hương hôm nay, chúng ta cũng thấy một  cảnh tương tự. Hêrôđê vẫn còn đó. Những chiêm tinh gia có lẽ không biết đến mưu thâm chước độc của Hêrôđê! Tất cả âm mưu chỉ nhằm củng cố ngai vàng. Nếu họ theo đường cũ trở lại gặp Hêrôđê, việc gì sẽ xảy ra? Biết bao nhà chiêm tinh thời đại đã theo đường mòn để giúp Hêrôđê thực hiện mưu đồ bán Chúa và giết Chúa. Bởi đó, mới có cảnh ngăn cấm con người thờ phượng Thiên Chúa nơi các miền cao nguyên.

Ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, chính quyền ngang nhiên chiếm dụng Tòa Khâm Sứ, biểu tượng của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam. Khu Tòa Khâm Sứ là tài sản của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị chiếm dụng một cách bất công gần nửa thế kỉ. Đức TGM Ngô Quang Kiệt vạch trần sự thật : “Từ nhiều năm nay, Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính quyền các cấp xin giao lại Tòa Khâm sứ để Giáo hội có đủ phương tiện cần thiết cho những họat động tôn giáo tối thiểu. Đề nghị chính đáng của tôn giáo chưa được đáp ứng, trong khi đó Quận Hòan Kiếm lại dùng Tòa Khâm sứ để kinh doanh buôn bán. Trước đây đã bán phở, nay lại mở ngân hàng. Và ngày 13-12-2007 vừa qua thêm kinh doanh giữ xe với quang cảnh thật hỗn độn.”[6]

Rõ ràng biểu tượng Tòa Thánh đã bị những kẻ vô thần biến thành nơi dung tục. Thử hỏi công lý ở đâu? Niềm tin có được tôn trọng trong một chế độ vẫn rêu rao về tự do tôn giáo?

Tức nước vỡ bờ. Thời gian không thể kéo dài lâu hơn. “Ngày 20.12.2007, khoảng 5,000 người vừa đi vừa hát lời Kinh Hòa Bình tiến ra khu đất Tòa Khâm Sứ cạnh Tòa giám mục. Hôm nay thì tượng Đức Mẹ Sầu Bi đã được rước ra đặt trước Tòa Khâm Sứ.”[7] Ðó là điểm son của GHVN cuối năm 2007. Hà Nội đúng là thủ đô của lòng tin Việt Nam.

Tại sao giáo dân Giáo phận Hà Nội dám biểu dương sức mạnh lớn như thế? Đức TGM Ngô Quang Kiệt giải thích : “Sự trưởng thành đích thực của người giáo dân Hà Nội nói riêng, qua đó, hàng giáo dân Công giáo VN nói chung, là ở chỗ đó là những con nguời giáo dân có ý thức và trách nhiệm cao. Ý thức về lòng yêu chuộng công lý và bênh vực công lý; ý thức về quyền lợi chung, quan tâm đến ích chung của Giáo Hội…Tập thể giáo dân Hà Nội như thế còn là một tập thể của ý thức công lý và dân chủ, nhân quyền. Những năm tháng im lìm và chịu đựng của người dân VN đã qua rồi, đã đến lúc ánh sáng văn minh dân chủ, đến lúc ý thức tự do và trách nhiệm của một chủ thể đã đạt đến sự trưởng thành. Đối với người Kitô hữu, tất cả đó là bởi vì họ ý thức về phẩm giá của nhân vị con người, đựoc tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chính nơi cùng lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa mà « tiến trình dân chủ » đã hình thành: Sự duy nhất trong khác biệt.”[8]

Tóm lại, nhu cầu tôn giáo nằm sâu trong bản tính con người. Chỉ cần một ánh sao, các nhà chiêm tinh đã hiên ngang lên đường tìm đến thờ lạy Hài Nhi, bất chấp mọi gian nguy trên đường và sự nham hiểm của lòng người. Nhưng nếu không có lòng tin, dù sống ngay tại miền đất Chúa sinh ra, con người vẫn không thể hưởng được hồng ân do tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho ánh sáng bừng lên trong tâm hồn và cuộc đời chúng  con. Xin cho dân tộc con sớm hưởng quyền tự do tôn giáo để Nước Chúa ngày càng tốt đẹp hơn. Amen.

 

đỗ lực 06.01.2008

 

 



[1] http://www.vietcatholic.net/News/Html/50602.htm

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 422.

[3] ibid.

[4] ibid.

[5] ibid., 426.

[6] http://vietcatholic.net/News/Html/49931.htm

[7] Ibid.

[8] http://www.vietcatholic.net/News/Html/50628.htm