MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH

(Mt 4:12-23)

 

Tuần vừa qua, www.thanhlinh.net tung ra Chiến Dịch Thắp Nến Cầu Nguyện Cho GHVN. Chỉ vài ngày đầu, số người hưởng ứng đã lên tới trên một ngàn. Thế mới biết đức tin và niềm hy vọng của dân Chúa hướng về GHVN lên cao tới mức nào! Hy vọng những ngọn nến vừa sưởi ấm lòng người tha hương, vừa đem lại ánh sáng công lý cho dân tộc! Bao giờ công lý xuất hiện, chắc chắn niềm vui và hạnh phúc sẽ đến với muôn người.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy cảnh tượng đó : “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Người như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Người đều bẻ gãy.”(Is 9:1.3)

Bóng tối chỉ thực sự lùi bước khi “Nước Trời đến gần.”(Mt 4:17) Ánh sáng chiếu lên niềm hy vọng cho muôn người. Thật vậy, Chúa Giêsu quả quyết : "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."(Ga 8:12) Vậy Chúa sẽ làm gì để đem ánh sáng công lý từ Nước Trời chiếu soi muôn dân? Chúng ta sẽ làm gì để đón nhận ánh sáng đó?

 

KHI ÁNH SÁNG BỪNG LÊN

 

Khi vào trần gian, Chúa Giêsu khai mạc Vương Quốc Thiên Chúa để giải thoát muôn dân khỏi vùng tăm tối tử thần. Từ đây, “sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.”(Kh 22:5) Người có sứ mệnh mạc khải tình thương cho loài người (Tv 80:4), “băng bó vết thương cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh,”(Is 30:26) giải thoát những người bị áp lực trong ngoài, ban cho họ sự sống, niềm vui và hòa bình.    

 

Nhân loại muôn đời đều cần đến sự giải thoát và hạnh phúc như thế. Ngoài Tin Mừng Nước Trời, không có một chủ thuyết nào có thể đem lại sự giải thoát toàn diện như vậy. Ðể thực thi sứ mệnh cao cả và phổ quát đó, Chúa Giêsu phải có kế hoạch và chương trình hành động. Nếu không nhìn kỹ vào chiều hướng lớn lao của công cuộc cứu độ, người ta dễ lầm tưởng Chúa Giêsu tìm cách cao chạy xa bay, sau khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê giết. Nhưng thực ra, Chúa đã nhắm một địa điểm để công bố ơn cứu độ cho muôn dân. Vì muốn Tin Mừng được loan truyền nhanh nhất và ảnh hưởng lớn nhất tới mọi người, Chúa phải chọn một thành phố buôn bán như Caphanaum mới có thể giảng cho đủ hạng người từ khắp nơi. Bởi vậy, Chúa đã phải di chuyển hai mươi mốt dặm từ quê nhà Nadarét đến Caphanaum tận miền Bắc.

Caphanaum đã trở thành địa bàn hay trung tâm mục vụ của Chúa Giêsu ở Galilê. Tại đây, Chúa đã loan báo sứ điệp trọng đại : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."(Mt 4:17) Nước Thiên Chúa bắt đầu khi Thiên Chúa đích thân bước vào lịch sử nhân loại như một con người. Hôm nay, Chúa Giêsu Kitô đang thống trị cõi lòng tín hữu. Nhưng Nước Thiên Chúa sẽ không thể hiện trọn vẹn cho tới khi trần gian bị luận phạt và tẩy uế khỏi mọi sự dữ và bất công. Ðức Kitô đến trần gian lần thứ nhất như một người tôi tớ. Người sẽ đến lần thứ hai như vị Vua và Thẩm phán để hiển trị khắp cõi trần gian.[1]

Ðộng lực thúc đẩy con người trở về với Thiên Chúa là chính Nước Thiên Chúa, nơi họ sẽ vui hưởng “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”(Rm 14:17) Ðó là những ân sủng Thiên Chúa, những hấp lực có giá trị tuyệt đối, đang lôi kéo con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Nhưng phải can đảm dấn thân, con người mới có thể đáp ứng những đòi hỏi gắt gao từ nguồn ân sủng đó. Còn ai liều mình ra khơi và làm quen với hiểm nguy trên biển cả bằng các ngư phủ? Chính vì thế, họ được tuyển chọn vào danh sách các môn đệ đầu tiên. Họ gần Nước Thiên Chúa nhất, vì họ dám dấn thân phục vụ và chấp nhận lời mời gọi của Chúa.

Dẫn đầu đoàn người ra đi vì Nước Trời là Chúa Giêsu. Người xông pha “đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”(Mt 4:23) Mọi bệnh hoạn tật nguyền đều là con đẻ của tội lỗi, nhất là tội bất công. Khi kêu gọi con người sám hối, Chúa muốn tiêu diệt tận gốc tất cả những đau khổ của trần gian, “vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống.”(Mt 15:19)  Không phải vô tình mà lời kêu gọi được vang lên tại “miền đất của dân ngoại,”(Mt 4:15) tới những người đang sống trong  bóng tối và chờ đợi mặt trời công chính mọc lên. Ðã đến lúc chính Thiên Chúa đích thân kêu gọi toàn thể nhân loại quay về và bước theo Người.

Theo Chúa Kitô là tham dự vào kế hoạch cứu độ của Người (x. 2 Tm 2:12). Lời kêu gọi đó có thể làm cho chúng ta run sợ, vì đòi hỏi phải từ bỏ chính mình (x. Mt 19:22). Nhưng theo Chúa Kitô là để hoàn thiện con người mình. Từ những người ngư phủ đơn sơ, các tông đồ đã trở thành những người chinh phục thiên hạ. Mầu nhiệm con người chỉ sáng tỏ khi họ chấp nhận bước theo Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Ðấng đã mở ra một con đường mới. Chúng ta có thể theo Con Chiên đi khắp nơi (Kh 14:4) như người đầy tớ bước theo, phục vụ và yêu mến Thày tại nơi Thày đang thống trị (x. Ga 12:26). Người thống trị bằng tình thương và công lý. Chính tình thương của Người sẽ làm cho người môn đệ chan hòa lượng từ bi. Công lý của Người khiến họ sống ngay thẳng và tranh đấu chống bất công tới cùng.

 

HÀNH ÐỘNG CHO NƯỚC THIÊN CHÚA

 

Căn cứ vào đâu những người tranh đấu cho công lý hay chính nghĩa có thể duy trì lập trường của mình tới cùng?  Nói khác, đâu là mẫu mực giúp con người xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc?  Chính Chúa Giêsu đã nêu cao lý tưởng  Nước Trời cho những ai đang nỗ lực xây dựng nước trần thế. Như thế không có nghĩa lẫn lộn đạo đời hay thiên lệch đề cao Giáo Hội.

Thực tế, ngay cả Giáo Hội cũng chỉ là người đầy tớ phục vụ Nước Thiên Chúa khi loan báo Tin mừng cứu độ và xây dựng những cộng đoàn Kitô.[2] Hiện tại, Giáo Hội không phải là Nước Thiên Chúa. Sứ mệnh của Giáo Hội là phục vụ, chứ không phải thay thế Nước Thiên Chúa. Không thấy rõ địa vị của Nước Thiên Chúa, nên một số người coi hoạt động của GHVN chỉ nhằm mưu lợi cho Vatican. Mục đích tối hậu của Nước Thiên Chúa là biến đổi toàn thể tạo thành, chứ không phải phục vụ cho những mục tiêu trần thế. Thế nên, khi phục vụ Nước Thiên Chúa, Giáo Hội nhằm đem lại công lý, tự do, hòa bình và sự tôn trọng nhân quyền. Ðó là những giá trị nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Không gắn bó với một cộng đoàn cụ thể, Nước Thiên Chúa không thể làm cho chương trình đó thành hiện thực.

Bởi đó, “Nước Thiên Chúa tạo nên Giáo Hội, hoạt động qua  Giáo Hội, và được Giáo Hội công bố trong thế giới. Không thể có Nước Thiên Chúa, nếu không có Giáo Hội – và không thể có Giáo Hội nếu không có Nước Thiên Chúa.”[3] Nước Thiên Chúa là một mẫu mực tuyệt đối cho Giáo Hội noi theo. Giáo Hội không bao giờ có thể đạt đến tình trạng tốt đẹp vô cùng đó. Vì nói cho cùng, Nước Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu Kitô. Ðó là một bảo đảm và là một động lực thúc đẩy Giáo Hội cố gắng không ngừng.

Giáo Hội không bao giờ chùn bước trước thách đố thời đại. Thực vậy, căn cứ trên mô hình Nước Thiên Chúa, Giáo Hội cam kết cải tạo trần gian, trong công lý và hòa bình. Ðể xây dựng Nước Thiên Chúa một cách quyết liệt, Giáo Hội phải hành động . Tự bản chất, hành động đó quan trọng và tác động mãnh liệt đến việc thiết lập Nước Chúa ở trần gian. Một khi biết tôn trọng trật tự khách quan của thực tại trần thế, được chân lý và tình yêu hướng dẫn, hành động đó sẽ trở thành một dụng cụ toàn vẹn kiến tạo công lý và hòa bình. Nhưng nên nhớ, hành động đó vẫn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa.[4]

 

ÐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC  

 

Hồng ân Thiên Chúa đang hoạt động mãnh liệt trên quê hương chúng ta. Khắp nơi  đều sôi sục một khát vọng công lý và hòa bình. Vô cùng cảm kích trước cảnh tượng giáo dân Hà Nội tông cửa sắt vào tận trong sân Tòa Khâm Sứ để dặt cây Thánh giá cao 4 mét ngay tại giữa tòa nhà. Hình ảnh đó có khác gì cảnh dân Paris phá ngục Bastilles mở đầu cuộc cách mạng 1789 tại Pháp?!

Ðây là bản tin mới nhận ngày 25.01.2008 : “HÀ NỘI -- Hôm nay tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, giáo dân cả địa phận về tham dự Lễ mừng ĐHY Phạm Đình Tụng, có cả ĐHY Phạm Minh Mẫn, các Đức Giám Mục và linh mục thuộc nhiều giáo phận về đồng tế thánh lễ, mỗi giáo xứ trong giáo phận có 10 đại biểu, cộng thêm giáo dân Hà Nội dự lễ cỡ chừng 3000 người. Cuộc lễ hết sức nghiêm trang và sốt sắng.

Trước thánh lễ như chúng tôi đã trình bầy (kèm theo hình ảnh) có chừng 2000 người đã đến hăng hái đến cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ.
           Sau thánh lễ chúng tôi vừa được tin là cả từng 100 linh mục và cả trên 2000 giáo dân cùng giáo dân lại kéo sang Tòa Khâm Sứ cầu nguyện nữa, mặc dù trời mưa rất to và Hà nội đang phải chịu đợt rét đậm nhất trong năm.”[5]  

“Buổi cầu nguyện vào sau trưa hôm nay trước Tòa Khâm Sứ hết sức là căng thẳng vì công an và bảo vệ đã đánh một số người trọng thương, ít nhất là 4 người trong đó có 3 phụ nữ phải đưa đi nhà thương cấp cứu. Trong những người bị công an đánh ở Tòa Khâm Sứ người tên là luật sư Lê Quốc Quân, một nhà từ lâu đã tranh đấu cho dân chủ tự do ở Việt nam. Một phụ nữ người Mường leo cổng nhảy vào bên trong để dâng hoa cho Đức Mẹ thì bị bảo vệ đánh chảy máu đầu.[6]  

Tất cả hình ảnh và bài tường thuật trên cho thấy Giáo Hội gian khổ biết bao mới có thể xây dựng Nước Chúa ở trần gian. Dù chỉ cầu nguyện cách ôn hòa, dân Chúa vẫn bị đối xử dã man, tàn bạo!

Nhưng không vì thế mà dân Chúa sờn lòng nản chí. Trái lại, họ càng can đảm làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu! Sở dĩ hùng khí dân Chúa dâng lên mãnh liệt như thế, vì Chúa đã cho họ một chủ chăn can đảm và khôn ngoan! Trước những hiểm nguy đang vây bọc chung quanh, TGM Ngô Quang Kiệt vẫn quả quyết :“Nếu có ai phải bị bắt vì cầu nguyện, bị đi tù, tôi sẽ đi thay họ vì tôi là người kêu gọi họ cầu nguyện”[7]

 

Tóm lại, khi đến trần gian, Chúa Giêsu đem nguồn sáng đến chiều soi những người còn ngồi trong  bóng tối sự chết. Người loan báo Nước Trời như một sức mạnh giải thoát toàn thể nhân loại khỏi những cơ chế bất công. Nhưng sức mạnh đó chỉ hoạt động khi con người biết sám hối. Giữa hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, ai là người cần phải sám hối nhiều nhất? Kẻ đàn áp hay dân oan?!

 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đang sai Thần Khí đến với GHVN thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho GHVN và cả dân tộc sớm thấy công lý, tự do, nhân quyền và hòa bình. Amen.

 

đỗ lực 27.01.2008

 



[1] Life Application Study Bible 1991:1645.

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 50.

[3] Ladd 1974, trích từ Dictionary of Fundamental of Theology 1995:593.

[4] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 58.

[5] http://www.vietcatholic.net/News/Html/51436.htm

[6] http://www.vietcatholic.net/News/Html/51436.htm

[7] J.B. Nguyễn Hữu Vinh http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=51489


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà