ÐÂY BÀI CA NGÀN  TRÙNG !...

(Mt 5:1-12a)

 

Chưa bao giờ Hà Nội đẹp bằng mùa đông năm nay! “Càng về đêm lời kinh càng tha thiết. Sân Toà Khâm Sứ trời vẫn lạnh và lửa vẫn hồng. Mấy đống lửa phía sau khu vực đọc kinh bắt đầu thơm mùi khoai lang nướng. Không khí vui như ngày hội lớn. Thật là kém may mắn nếu bạn không ở Hà Nội lúc này. Thật là hạnh phúc khi bạn được hiện diện ở đây trong đêm nay với những con người tràn đầy tình yêu, ý chí sắt son, trong một niềm tin như ánh sáng đang bốc lên soi vào đêm thâu tăm tối.”[1]

Cùng với bài “Kinh Hòa Bình,” ngàn người như một đều cất cao tiếng hát “Ðây Bài Ca Ngàn Trùng.” Mùa đông Hà Nội bỗng ấm hẳn lên, vì lòng người sôi trào dòng máu các anh hùng tử đạo Việt Nam, những người đã “bị bách hại vì sống công chính.” (Mt 5:10) Tiếng hát phát xuất từ những con người “xây dựng hoà bình” (Mt 5:9) giữa một xã hội đã lung lay tận nền tảng vì không còn công lý. Lòng họ gan dạ vô cùng, vì họ tin vào lời Chúa hứa trong Tám Mối Phúc Thật.

 

HẠNH PHÚC THẬT

 

Ai sẽ thay đổi thế giới? Phải chăng những người làm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế ...? Không! Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cho thấy chỉ có những người nghèo, sầu khổ, hiền lành, đói khát sự công chính, từ bi, tâm hồn trong sạch hoặc xây dựng hòa bình mới có thể biến đổi thế giới. Họ có thể đang bị bách hại, nhưng thực sự họ đang thay đổi và làm rung chuyển thế giới.

Họ làm gì để thay đổi thế giới? Sống theo những tiêu chuẩn xả kỷ của Tin Mừng, họ bị động lực tình yêu lôi cuốn. Họ không theo những tiêu chuẩn xoay quanh cái tôi của xã hội ích kỷ chỉ biết chạy theo những tiện nghi hay lợi lộc cá nhân. Họ là những người khiêm tốn và nong nả tìm kiếm công lý.

Thiên Chúa đã đảo lộn các tiêu chuẩn sống trần gian. Bài Giảng Trên Núi phác thảo một lối sống bị nhiều người coi là điên rồ. Nhưng chỉ có những tâm hồn chân thực mới nhận thấy Tám Mối Phúc là những mẫu mực tình yêu tích cực,  tình yêu họ đã tỏ ra cho người yêu của mình. Thách đố của những mối phúc này là lời mời gọi chúng ta tỏ tình yêu cho những người đang đi qua đời ta. Khi sống theo đường lối đó chúng ta thực sự thay đổi cục diện thế giới.

Bài Giảng Trên Núi quả thực là một bài giảng vĩ đại nhất. Một trong những lý do làm cho bài giảng tuyệt vời vì Chúa Giêsu rất kính trọng thính giả. Người không giải thích hay chi tiết dài dòng. Ðơn giản Người nói cho họ một vài chân lý quan trọng hiển nhiên. Chúa Giêsu đã lên núi công bố Tám Mối Phúc cho mọi người, y như ông Môsê xưa đã đem Mười Ðiều Răn từ trên núi xuống cho toàn dân. Nhưng khác biệt chính là nội dung bài giảng. Ðiều đó cho thấy cách thức Chúa chọn để tiếp xúc với dân Người.

Kitô hữu không được gọi để tuân thủ một mớ lề luật, nhưng để sống một đời sống mới. Trong Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một tập hình ảnh hoàn toàn mới lạ. Nơi Tám Mối Phúc chúng ta thấy những giá trị trần gian này bị lật nhào. Tám Mối Phúc diễn tả cái nhìn đặc biệt của Thiên Chúa vào thế gian. Tám Mối Phúc là một cơ hội rất tốt để nhìn sâu vào thực tại vạn vật.

Thiên Chúa tự mạc khải từ từ qua nhiều đời. Nhưng nay chúng ta biết Người mạc khải hoàn toàn nơi Chúa Giêsu, Con Chúa.  Tám Mối Phúc diễn tả về cuộc sống của Chúa Giêsu, Con Chúa Cha đã muốn sống vơi tinh thần nghèo khó. Người hiền lành và khiêm nhường. Người đã khóc vì đau khổ và cảm thông. Người thương xót kẻ tội lỗi, và can đảm làm chứng cho chân lý. Người tạo lập hòa bình bằng máu đổ ra trên thập giá. Người đã chịu bách hại vì sự công chính Nước Trời đến nỗi hy sinh hoàn toàn.

Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ Tám Mối Phúc với Chúa. Người biết sự khó khăn và cái giá phải trả khi chia sẻ như thế. Nhưng Người luôn ở bên ta trên con đường thăm thẳm đi tới hạnh phúc đầy gian lao này. Tám Mối Phúc loan báo một tương lai trái ngược với hoàn cảnh hiện tại của các môn đệ. Vì chưng những giá trị Tin Mừng của tinh thần nghèo khó, hiền lành, từ bi, hòa bình và can đảm trong cuộc thử thách vì Chúa Kitô là một chiều hướng mở vào một thế giới khác, một thế giới chúng ta đang hướng tới, một thế giới chính Thiên Chúa sẽ là – và đã là – Ðấng an ủi, thương xót và thương yêu những ai lấy Tin Mừng làm luật sống. Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc và tình yêu vô biên. Có thể tóm Tám Mối Phúc vào một câu : “Phúc cho ai yêu thương chân thành!”

Tình yêu luôn thúc đẩy con người dấn thân cụ thể vào con đường tiến tới hạnh phúc. Sự hiền lành trong Tám Mối Phúc là từ chối bạo động và khinh dể người khác. Hiền lành là tiếp đón tha nhân, nhưng không nhu nhược, thành kiến hay ghen tương. Xây dựng hòa bình đòi hỏi quyết chí thực hiện  sự hòa giải theo cách của Chúa Con : “Thày ban cho anh em bình an của Thày.”(Ga 14:27) Người xây dựng hòa bình giống như Thiên Chúa. Bách hại vì danh Chúa Giêsu là “chịu đựng” ... Nhưng, thực tế,  tìm kiếm công lý là dấn thân “điều chỉnh” cuộc sống theo Tin Mừng, mặc dù bị ngộ nhận, chế diễu ... Phải can đảm và phấn đấu mới có thể sống và làm chứng mình là Kitô hữu. Là Kitô hữu có nghĩa là sống theo Tám Mối Phúc Thật.

 

SỨC MẠNH CÔNG LÝ

 

Tám Mối Phúc Thật không những là một thách đố, nhưng còn đem lại niềm hy vọng và sức sống cho Kitô hữu. Mấy ngày qua, chúng ta đã thấy rõ những chứng từ sống động ấy nơi các Kitô hữu thuộc Giáo Phận Hà Nội. Họ là những con người can đảm ! Dưới bóng Thánh Giá và Mẹ Sầu Bi, dù hiếu hòa bất bạo động, con tim họ sôi sục đi tìm công lý. Bởi thế, họ sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa theo gương tiền nhân.

Chưa bao giờ thấy Hà Nội đẹp như hôm nay ! Hà Nội nổi lên không như một nơi tập trung quyền lực nhà nước, nhưng là thủ đô của niềm tin. Sức mạnh niềm tin đó bắt nguồn từ Thiên Chúa, nguồn sống duy nhất nơi Chúa Giêsu Kitô. Bởi đó, dù bị bạo quyền đe loi, họ không run sợ. Nhờ sự gan dạ đó, giáo phận Hà Nội đang lớn lên và trở thành khuôn mẫu cho cả GHVN.

 

Họ đã trải qua những thách đố trong Tám Mối Phúc Thật. Bởi thế, họ sẽ thấy tất cả chiều kích và phẩm vị Kitô lớn lên trong con người và Giáo hội. Phẩm vị ấy không phải là một thứ ân huệ của nhà nước. Thực vậy, “mọi người đều có chung một phẩm vị như các tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.”[2] Như vậy nguồn gốc nhân quyền không khác biệt nơi mỗi quốc gia, chủng tộc. Ðã làm người, ai cũng có nhân quyền. Muốn có trật tự và bình an, phải trả lại quyền đó cho con người ! Thật vậy, “hòa bình là trật tự của đời sống chung dựa trên công lý.”[3] Không thể có hai thứ công lý. Cũng như sự thật, công lý chỉ có một. Nếu có hai thứ công lý, chắc chắn phải có hai thứ hòa bình khác nhau, vì hòa bình xây dựng trên công lý.

Nếu chỉ có một thứ công lý, thì cũng chỉ có một thứ nhân quyền.  Nhưng theo ông Lê Công Phụng, Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ,“nhân quyền của Mỹ khác với nhân quyền của người Việt Nam.”[4] Chẳng lẽ có hai loại người trên trái đất này ? Thực ra, sở dĩ nhân quyền của người Việt Nam khác, vì dưới chế độ “xin cho,” nhân quyền là một ân huệ. Nhân quyền không phải là ân huệ của nhà nước, nhưng của Thiên Chúa. Tự bản chất, nhân quyền đã mâu thuẫn với chế độ ấy rồi. Sống trong chế độ chuyên chế, mọi thứ quyền đều biến mất. Trong chế độ dân chủ, nhân quyền thực sự là quyền con người.

Mọi tín hữu đều xác tín rằng : “Phẩm vị mỗi người trước Nhan Chúa là nền tảng nhân vị trước tha nhân. Hơn nữa, đây là nền tảng cuối cùng của quyền bình đẳng và tình huynh đệ giữa mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa hay giai cấp.”[5] Vì không nhìn thấy nền tảng đó, nên nhà nước tự biến mình thành ông chủ ban phát mọi ân huệ. Khi không tin Thiên Chúa, nhà nước tự coi mình là nguồn gốc mọi quyền con người. Thực ra, con người sinh ra nhà nước, chứ nhà nước không sinh ra con người. Hơn nữa, ngay cả việc tồn tại và phát triển của nhà nước cũng do con người quyết định. Người dân đã phải nai lưng đóng thuế, bộ máy cai trị mới có thể hoạt động. Nhưng nếu không phục vụ hạnh phúc con người, nhà nước tồn tại để làm gì ? Dân tộc đang bị phản bội.

Trong Nước Thiên Chúa, mặc dù bị thử thách và đòi hỏi gắt gao, con người không bao giờ bị phản bội. Quan tâm lớn nhất của Thiên Chúa là làm sao cho con người hạnh phúc. Chính vì muốn con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã vẽ ra cho một con đường vừa hấp dẫn vừa đầy chông gai, đó là Tám Mối Phúc Thật.

 

TRÊN ÐƯỜNG TÌM CÔNG LÝ

 

Trên đường tìm công lý, trong suốt những ngày tháng đầu năm 2008, chắc chắn giáo dân Hà Nội đã cảm nghiệm được tất cả giá trị cao cả và đích thực của Tám Mối Phúc Thật. Họ đã phải trả giá rất mắc để giành lại công lý. Không những phải chịu những áp lực lớn lao từ phía chính quyền, họ còn phải đối đầu với những vu cáo, lăng nhục từ những cơ quan truyền thông “đi theo lề bên phải” của nhà nước nữa.

Trước những cơn hỏa mù đó, Giáo hội nỗ lực tìm lối thoát. Bên cạnh những buổi cầu nguyện sốt sắng và gan dạ ngày đêm ngay trong Tòa Khâm Sứ cũ, còn có những cố gắng đối thoại để tìm sự thật cho công lý.  Ðó là con đường do Tòa Thánh Vatican thúc đẩy. Thực vậy, ĐHY Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican, mới viết cho Đức TGM Hà Nội : “Nhân danh Đức Thánh Cha, người thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xẩy ra, tôi xin Đức Cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự chung và giúp tình hình trở lại bình thường. Nhờ đó, trong bầu khí lắng dịu hơn, việc đối thoại với các cấp Chính Quyền sẽ được nối lại, để tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này.”[6]

Liệu có thể tìm thấy công lý qua cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và nhà nước không ? Nhớ lại mấy ngày trước đây, một mẩu đối thoại thú vị được ghi nhận như sau : “Ngày 29.1, nhân việc phái đoàn TGM Hà nội đến chúc Tết UBND, Bà Phó Chủ tịch UBND đã ngỏ lời mong muốn ngài Tổng Giám mục hãy vận động, thuyết phục giáo dân bình tĩnh chấm dứt những hành vi quá khích, sống phúc âm trong lòng dân tộc, cùng với chính quyền giải quyết những khúc mắc, trên cơ sở phát huy dân chủ, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng pháp luật

Đức Tổng Giám Mục đáp lời rằng phải tôn trọng trật tự kỷ cương nhưng khi con nó khóc thì cha mẹ cũng phải xem đến. Hơn nữa, đối thoại phải bắt đầu bằng việc tôn trọng sự thật, chấm dứt vu cáo và xuyên tạc Toà Giám Mục. Đối thọai phải dựa trên căn bản thực tế và pháp lý. Không nên mệnh lệnh cửa quyền, duy ý chí. Phải biết lắng nghe nhau chứ không phải chỉ có một bên nói. Không thể nào quy trách nhiệm cho một bên, chỉ có nhìn phía mình mà không nhìn phía bên kia thì không thể đối thọai được.

Khi Bà Phó Chủ tịch đề cập đến chuyện đổi mới, Đức Tổng Giám Mục cũng nói: phải đổi mới và đối mới bên ngoài thôi thì chưa được, quan trọng hơn là phải đổi mới con người từ bên trong, từ trong cái đầu, trong tư tưởng.”[7]

Trong cuộc trao đổi trên, rõ ràng mỗi người theo một hướng. Chưa bao giờ thấy cuộc đối thoại thực sự giữa nhà nước và dân chúng cả. Ngay cả trong cuộc biểu tình của dân oan ở Sài gòn có Thượng Tọa Thích Quảng Ðộ, dân oan cũng chỉ được nhà nước đối thoại bằng dùi cui, vòi rồng và xe bít bùng mà thôi. Dù sao trong cuộc trao đổi trên, có thể TGM Ngô Quang Kiệt đã gieo vào đầu những người nắm quyền ở Hà Nội một chút ánh sáng để có thể ra khỏi đường hầm hôm nay.

Phải chăng nhờ cuộc đối thoại ấy, “các viên chức chính phủ Việt Nam có lẽ đã đồng ý trao trả các văn phòng của Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội cho GHCG. Ngay sau khi ÐHY Tarcisio Bertone thúc giục người Công giáo Hà Nội tránh đối đầu với cảnh sát, chính phủ Việt Nam đã nhượng bộ. Dù chính phủ và tổng giáo phận Hà Nội chưa ký một thỏa ước nào, nhưng các viên chức chính phủ nói với thông tấn xã AsiaNews rằng một bản thỏa ước cuối cùng sẽ được công bố trong vòng ‘ít ngày.”[8]

Giữa lúc hoang mang chưa biết thực hư ra sao, giáo dân Hà Nội đã nhận ngay một lá thư của TGM Hà Nội như sau :

“Hơn bốn mươi ngày qua chúng ta đã sống một lễ Hiện Xuống mới. Mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên tâm cầu nguyện và hăng hái rao giảng Tin mừng hòa bình, bất chấp những khó khăn gian khổ, tạo nên một bầu khí hiệp thông rộng lớn không chỉ trong tổng giáo phận mà còn khắp nơi trên thế giới.

... Hãy cầu nguyện liên lỉ. Hãy cầu nguyện kiên trì. Hãy cầu nguyện tha thiết. Và hãy tin rằng tôi luôn ở bên anh chị em và mọi người ở mọi nơi cũng luôn ở bên chúng ta. Qua bức thư hiệp thông của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, anh chị em cũng biết rằng Đức Thánh Cha Bênêđichtô và Tòa Thánh luôn ở bên chúng ta. Và kết quả cuối cùng sẽ tốt đẹp như lòng chúng ta mong ước.”[9] Nếu đúng thế, đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam cho mọi người thấy họ giữ đúng lời hứa.

 

Tóm lại, tin vào Chúa Giêsu Kitô, giáo dân Hà Nội đã tìm sức mạnh đứng vững giữa cơn thử thách. Họ tin vào lời hứa của Chúa trong Tám Mối Phúc Thật như cha ông tử đạo xưa. Bởi thế, họ không sợ bị bách hại vì lẽ công chính. Dù phải thức suốt đêm cầu nguyện ngoài trời giá lạnh, lòng họ vẫn ấm lên tình yêu Thiên Chúa và anh em. Lời kinh đã không rơi vào hư vô. Niềm tin đã thành sự thật, đúng như Chúa hứa. Tạ ơn Chúa !

 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con thấy tất cả sức mạnh của niềm tin. Xin cho cả GHVN biết noi gương Giáo Phận Hà Nội can đảm tranh đấu cho công lý hầu cho Nước Chúa mau hiển trị. Amen.

 

đỗ lực 03.02.2008

 

 



[1] http://www.vietcatholic.net/News/Html/51744.htm

[2] x. Giáo Lý Công Giáo, 1934

[3] Thánh Thomas Aquinas

[4] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/01/080125_vietuslecongphung.shtml

[5] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 144.

[6] http://www.cwnews.com/news/viewstory.cfm?recnum=56326

[7] http://www.vietcatholic.net/News/Html/51785.htm

[8] http://www.cwnews.com/news/viewstory.cfm?recnum=56342

[9] http://www.thanhlinh.net/thuvientailieu/viewtopic.php?t=1351


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà