TRÊN ÐỈNH NON CAO

(Mt 17:1-9)

 

Cách đây bốn chục năm, Mục sư Martin Luther King Jr. đã đọc bài diễn văn cuối cùng trước khi bị ám sát (4.4.1968). Ông nói hùng hồn về cuộc tranh đấu bất bạo động để giành công lý cho người Mỹ gốc Phi Châu, nhất là cho những người lao động bị bóc lột tại Memphis, Hoa Kỳ. Cuối bài diễn văn, ông nói mình đang đi “tới đỉnh núi” và nói tiên tri : “Tôi đã thấy đất hứa. Có lẽ tôi sẽ không tới đó với các bạn,” nhưng dầu sao “mắt tôi đã thấy vinh quang ngày Chúa đến.”[1] Chúng ta có thể thấy gương mặt của Môsê nơi Martin Luther King Jr. không ? Tại sao ông có thể lên tới đỉnh núi để quả quyết về tương lai của đồng bào mình như vậy ?

Chắc chắn lời nói và thái độ khẳng quyết ấy phải phát xuất từ một tấm lòng. Chính Martin Luther King Jr. quả quyết : « Tôi biết rằng sau cùng tình yêu là câu trả lời duy nhất cho những vấn đề của nhân loại. Tôi sẽ đi nói về tình yêu khắp nơi. Tôi đã quyết định yêu. Nếu đang tìm kiếm điều tối ưu, thiết tưởng bạn có thể tìm thấy qua tình yêu. Ai có tình yêu là nắm được điểm then chốt thấu hiểu ý nghĩa của thực tại cuối cùng. »[2] Từ trên đỉnh núi, đúng hơn, đỉnh cao của tâm hồn, «ông bắt đầu suy nghĩ về thực tại Gandhi cho là sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu và chân lý như một phương tiện biến đổi xã hội. » Ông nói rõ : « Khi cuộc phản kháng bắt đầu, trong ý thức hay vô thức, tâm trí tôi hướng về Bài Giảng Trên Núi và phương pháp phản kháng bất bạo động của Gandhi. »[3]

Từ đầu kỷ nguyên thứ nhất, Chúa Giêsu đã thấy trước sức mạnh tình yêu. Nhưng nếu nói trong một khung cảnh bình thường, có lẽ con người sẽ không thể nhận ra tất cả sức mạnh đó. Bằng chứng khi Chúa Giêsu nói về đau khổ và cái chết sắp tới ở Giêrusalem như một đòi hỏi của tình yêu cứu độ, ông Phêrô đã cực lực phản đối (x. Mt 16:22). Bởi đó, Chúa Giêsu đã đưa ông cùng với hai ông khác lên núi biến hình, không phải để các ông lóa mắt, nhưng để trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời về tình yêu giữa  Chúa Giêsu và Chúa Cha, đồng thời biết tại sao phải chấp nhận vác khổ giá theo Người.

 

ÐƯỜNG LÊN NÚI CHÚA

 

Càng gần ngày khổ nạn, các môn đệ càng được Chúa loan báo những tin không vui về số phận Thày trò. Cơn thất vọng càng lộ rõ trên nét mặt các môn đệ. Trong điều kiện bình thường, có lẽ Chúa đã không thuyết phục được các môn đệ chấp nhận đường lối Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa muốn cho các ông một cơ hội và hoàn cảnh khác để thấy những đòi hỏi của Thiên Chúa trong sứ mệnh cứu độ trần gian.

Ðể thực hiện mục đích đó, Chúa dẫn các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao, xa cuộc sống tầm thường hàng ngày. Trên vị trí cao xa đó, nếu cứ nhìn xuống, các ông cũng chẳng thấy gì hơn và cũng chẳng có gì thay đổi. Ngay cả khi nhìn vào Chúa trong bộ dạng bình thường, chưa chắc các ông đã đổi được tâm trạng. Bởi vậy, Chúa mới biến hình hay hiển dung. Khung cảnh đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi này. Quả thế, nếu không có hai ông Môsê và Êlia đứng cạnh Chúa, chắc chắn cơn hỏa mù chưa biến tan khỏi tâm trí các ông. Từ nay, các ông sẽ thay đổi hẳn cái nhìn về con người và sứ mệnh của Chúa.

Chúa biến hình để các tông đồ biến tính mới có thể lắng nghe và thấu hiểu những gì Chúa Cha nói về Chúa Con. Một khi tâm hồn đã nhìn đúng sự thật, con người phải biến đổi. Cũng như Chúa Giêsu đã “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,” (Pl 2:7) để chia sẻ và thông cảm hoàn toàn với thân phận con người, các môn đệ cũng phải “cải biến con người bằng cách đổi mới tâm thần,”(Rm 12:2) và “mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô,”(Rm 13:14) mới có thể hiểu thấu ý định Thiên Chúa. Chúa Cha muốn “Đức Giêsu bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.”(Rm 4:25) Nói khác, Thiên Chúa muốn công lý phải được thiết lập trên trái đất khi Chúa Giêsu đến công bố Nước Trời.

Khi đã được biến cải hoàn toàn, các môn đệ mới có thể lắng nghe sự thật do Chúa Cha khẳng định :  "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 17:5) Bản chất và địa vị Thày đã được xác định. Hơn nữa, mối tương quan thâm sâu và bền chặt giữa Chúa Cha và Chúa Con đã hiển lộ. Chúa Giêsu là Con yêu dấu không những khi mạc khải Thiên Chúa từ bi và đầy lòng yêu thương trong Bài Giảng Trên Núi và lúc chữa lành để loan báo Thiên Chúa chiến thắng ác thần, nhưng cả khi Người bước vào mầu nhiệm đau khổ nữa. Khi vào trong mầu nhiệm này, Người đã tạo được sức mạnh công chính hóa toàn thể nhân loại. Quả thực, “bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra.”(Rm 5:9)

Ðó là lý do tại sao Chúa Cha tuyên bố với các môn đệ Chúa Giêsu : “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (Mt 17:5) Nếu thực sự vâng nghe lời Người, các môn đệ cũng phải chuẩn bị nên giống Chúa Kitô trong sứ mạng giải thoát và công chính hóa nhân loại. Sứ mạng cao cả đó chỉ được thực hiện nơi cây khổ giá đang đón chờ Thày tại Giêrusalem và các môn đệ khắp nơi trên mặt đất.

Có thể nào, sau khi đã chứng kiến tất cả khung cảnh thần hiển, với cuộc biến hình của Chúa Giêsu giữa hai nhân vật Cựu ước, các môn đệ không nghe lời Chúa Giêsu được chăng ? Từ trên núi xuống, Chúa sẽ nói với các ông điều gì, nêu không phải là : “Hãy theo Thày !”(Lc 5:27) Theo Thày đi đâu ? Thày lên Giêrusalem để chết thê thảm trên thập giá. Chúa đã mạc khải cho các ông biết đó là cái giá phải trả cho Nước Trời, cho công lý trên trần gian. Suốt cuộc đời truyền giáo sau này, các môn đệ đã chứng tỏ cho Thày biết họ đã lắng nghe tiếng Chúa Cha và theo Thày tới mức nào.

Chính vì biết lắng nghe Lời Chúa như thế, các ông đã thấu hiểu ý nghĩa của việc Chúa biến hình : “Khi ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi vào đêm trường thất vọng, tâm hồn con người tìm thấy sức mạnh nơi Thiên Chúa, sức mạnh biến đổi cái chết thành chiến thắng và đem lại ơn cứu chuộc cho thế gian.”[4] Ánh sáng tượng trưng cho sự công chính hay công lý Chúa đem đến trái đất. Nếu không có ánh sáng chiếu soi, thế gian vẫn chìm đắm mãi trong bóng đêm tội lỗi bất công. Bởi đó, khi được chan hòa ánh sáng, người môn đệ không thể ngồi yên nhìn bóng tối hoành hành trên mặt đất.

 

NHẬP CUỘC

 

Khi Chúa biến hình, “dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17:2) Sau đó, “chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông.” (Mt 17:5) Cả Thày Trò đều chan hòa trong ánh sáng tình yêu Thiên Chúa. Trong ánh sáng, các ông mới cảm nghiệm được tình yêu nồng nàn và sâu đậm giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðồng thời, họ mới thấu hiểu nguyên tắc liên kết giữa Ba Ngôi. Nguyên tắc đó cũng làm cho con người có thể sống trong nguồn ánh sáng tình yêu. Sở dĩ Chúa Giêsu có thể sống mãi trong tình yêu Chúa Cha, vì như Chúa quả quyết:“Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14:31)

Môn đệ không thể hơn Thày. Phải “vâng nghe lời Người,” họ mới có thể hiệp nhất với Thày trong nguồn sáng tình yêu. Quả vậy, “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14:20-21)  

Chính trong nguồn sáng tình yêu, môn đệ Chúa Kitô khám phá “những nguyên tắc và giá trị có thể duy trì một xã hội xứng đáng với nhân vị. Trong số các nguyên tắc ấy, tính liên đới bao gồm mọi nguyên tắc khác một cách nào đó. Liên đới là ‘một trong những nguyên tắc nền tảng theo quan điểm Kitô giáo về tổ chức xã hội và chính trị.’

Tình yêu ưu việt tỏa sáng trên nguyên tắc này. Tình yêu là dấu hiệu trổi vượt của các môn đệ Chúa Kitô (x. Ga 13:35) Chúa Giêsu dạy rằng ‘luật căn bản hoàn thiện con người và biến cải thế giới là giới răn mới về tình yêu.’ (x. Mt 22:40; Ga 15:12; Cl 3:14; Gc 2:8) Hành vi nhân linh hoàn toàn là của con người khi phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Chân lý này cũng áp dụng trong lãnh vực xã hội. Các Kitô hữu phải là những chứng nhân xác tín sâu xa về điều này, và trong đời sống, họ phải cho mọi người thấy tình yêu là sức mạnh độc nhất (x. 1 Cr 12:31-14:1) có thể đưa tới sự hoàn thiện cá nhân và xã hội, cho xã hội tiến tới điều thiện hảo. ”[5]

Khi đi vào tương quan tình yêu cực độ của Chúa Cha, Chúa Giêsu biến hình.  Chính trong tình yêu, các ông hiểu được cái giá phải trả cho vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại. Bởi thế, ông Phêrô không còn lên tiếng phản đối và can ngăn Thày nữa, mặc dù có nghe hai ông Môsê và Êlia “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9:31) Sức mạnh tình yêu không những biến đổi con người, mà cả vũ trụ, vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8)

“Tóm lại, chính mầu nhiệm Thiên Chúa, Tình Yêu Ba Ngôi, là nền tảng cho ý nghĩa và giá trị nhân vị, tương quan xã hội, hoạt động của con người trên thế giới, vì nhân loại đã đón nhận mạc khải tình yêu và chia sẻ mầu nhiệm đó nhờ Chúa Kitô trong Thần Khí của Người.”[6]  Chỉ con mắt đức tin mới có thể nhìn ra được thực tại sâu xa đó. Nếu không có đức tin, không thể cảm nghiệm và vận dụng được sức mạnh tình yêu.

Hơn bao giờ, thế giới đang đói khát tình yêu, vì “việc biến cải thế giới cũng là một đòi hỏi cơ bản của thời đại ngày nay. Ðể đáp ứng nhu cầu này, Quyền Giáo huấn của Giáo Hội muốn cống hiến những giải đáp, rút ra từ những dấu chỉ thời đại. Trước hết, Giáo hội cho thấy, dưới cái nhìn Thiên Chúa, tình yêu giữa con người với nhau là dụng cụ giúp thay đổi mãnh liệt nhất trên bình diện cá nhân cũng như xã hội.”[7] Nếu không có tình yêu Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng không thể biến hình, các môn đệ cũng không thể thay đổi, và thế gian vẫn mãi chìm trong đêm tối. Nhưng trong ánh sáng hiển dung, ông Môsê đứng cạnh như chứng minh “Chúa Giêsu là Môsê mới, đưa dân Thiên Chúa vươt qua thế giới nô lệ này mà đi vào đất hứa.”[8] Ông Êlia như nói với các môn đệ rằng Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ vĩ đại sẽ tranh đấu cho công lý để xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Người đã chết vì sứ mệnh cao cả đó.

Bước theo Chúa Kitô, người môn đệ không có lựa chọn nào khác ngoài sứ mệnh đó. Muốn cải biến xã hội, họ phải làm cho “tình yêu hiện diện và thấm nhuần vào mọi tương quan xã hội. Ðiều này đúng đối với những ai đang chịu trách nhiệm mưu ích cho các dân tộc. Họ phải nhiệt thành ấp ủ trong lòng và khơi dậy nơi tha nhân tình bác ái là bà chủ và nữ hoàng các nhân đức.”[9] Không có lòng bác ái, con người không biết quan tâm tới tha nhân và sống như một hòn đảo đơn độc ngoài biển cả mênh mông. Giữa cuộc đời đầy sóng bão hôm nay, làm sao hòn đảo đó có thể tồn tại ? Bởi vậy, chỉ khi nào biết liên kết với nhau trong tình bác ái, nhân loại mới đủ sức tồn tại và phát triển.

 

TẤM GƯƠNG VĨ ÐẠI

 

Tới nay, không ai có thể quên được Mẹ Têrêsa Calcutta, một con người nhỏ bé nhưng đầy lòng bác ái. Khi phục vụ những người bị xã hội bỏ rơi, Mẹ đã cho mọi người thấy “một chứng từ sống động về tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa.”[10] Tháng 9 năm 1946, trên đường đi tĩnh tâm, Mẹ đã được Thiên Chúa kêu gọi “phục vụ Chúa giữa những người nghèo khổ nhất trong các người nghèo.”[11] Trước cảnh người nghèo bị đọa đầy trong kiếp sống lầm than, “Mẹ đã đáp lại tiếng Chúa Giêsu kêu gọi : ‘Hãy đến làm ánh sáng của Thày.’ Mẹ Têrêsa đã để lại một để lại một chứng từ về niềm tin không suy suyển, niềm hy vọng vượt mức và lòng bác ái phi thường.”[12]

Tinh thần Mẹ đã lôi cuốn nhiều người bước theo. Ngày nay có trên 5,000 tu sĩ nam nữ và các thiện nguyện viên đang điều khiển khoảng 500 trung tâm trên khắp thế giới, nuôi ăn 500,000 gia đình và giúp 90,000 người cùi mỗi năm.[13] Năm Mẹ qua đời 1997, Dòng Truyền Giáo Bác Ái của Mẹ thực hiện 610 sứ vụ tại 123 quốc gia, bao gồm các nhà tế bần và chỗ ở cho các bệnh nhân HIV/AIDS, các người bệnh phong cùi và ho lao, nhà bếp nấu cháo cho người nghèo, các chương trình cố vấn cho gia đình và trẻ em, các cô nhi viện, và trường học.[14]

                           

Chỉ cần một tâm hồn tràn ngập tình yêu Chúa, biết bao cuộc đời sẽ được biến đổi. Tình yêu có sức vạn năng. Ðứng trước đại dương nghèo đói, Mẹ Têrêsa quả quyết : “Người nghèo không cần sự đồng cảm và lòng thương hại của chúng ta. Người nghèo cần tình yêu và lòng trắc ẩn của chúng ta.”[15] Chỉ có tình yêu mới có thể đem lại giá trị lớn lao nhất cho người nghèo. Ai đã hiệp nhất với Chúa trong tình yêu, không thể không thấy Thiên Chúa nơi người nghèo. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải tôn trọng nhân phẩm của người nghèo. Có  nhìn nhận như thế, mới có đủ khả năng phục vụ  người nghèo.

Sở dĩ Mẹ Têrêsa có thể làm được những việc vĩ đại, vì Mẹ ý thức “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để yêu và được yêu. Bắt đầu cầu nguyện là biết Người yêu tôi, tôi được tạo dựng để làm những việc vĩ đại”[16] trong tình yêu. Ðúng hơn, “chúng ta không thể làm những việc vĩ đại, nhưng có thể làm những việc nhỏ mọn với một tình yêu vĩ đại.”[17] Khi được thực hiện trong tình yêu, dù việc nhỏ mọn nhất cũng thành vĩ đại.

Thế nhưng thế giới mấy ai làm được những điều vĩ đại như thế ? Sở dĩ nhiều vấn đề không bao giờ đượcgiải quyết, vì theo Mẹ, “ngày nay thế giới không có bệnh nào trầm trọng hơn bệnh thiếu tình yêu.”[18] Tình yêu là  khởi điểm và tận điểm của mọi vấn đề. Con đường tình yêu là con đường hiệp nhất với Thiên Chúa ngay trong cuộc sống. Thật vậy, “khi biến cải tình yêu đó sang hành vi tình yêu sống động, chúng ta giao tiếp với chính Thiên Chúa, với Chúa Giêsu.”[19] Với những ai có niềm tin, tình yêu từ muôn ngả dẫn về Thiên Chúa.Từ Thiên Chúa, Mẹ Têrêsa đã đến với người nghèo. Từ người nghèo, Mẹ cũng tìm thấy nẻo đường về với Thiên Chúa. Thật tuyệt vời !

Có thể tóm tắt về con người và cuộc đời Mẹ Têrêsa theo lời tự thuật sau đây : “Về huyết thống, tôi là người Anbani. Về quốc tịch, tôi là người Ấn độ. Về đức tin, tôi là nữ tu Công giáo. Về ơn gọi, tôi thuộc về thế giới. Về  trái tim, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu.” Dù thân hình nhỏ nhắn, nhưng niềm tin sắt đá, Mẹ Têrêsa Calcutta đã được Chúa ủy thác loan báo tình yêu nồng cháy Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhất là cho những người nghèo nhất trong các người nghèo. “Thiên Chúa vẫn còn yêu thế gian và Người gởi bạn và tôi làm cho mọi người thấy Người yêu thương và cảm thông với người nghèo.” Mẹ là một linh hồn đầy ánh sáng Chúa Kitô, cháy lửa yêu mến Chúa và nhiệt tình muốn “làm cho Chúa nguôi cơn khát tình yêu và các linh hồn.”[20]

Tóm lại, từ trên núi biến hình, các môn đệ Chúa Kitô đã lao thẳng vào cuộc đời và đã hy sinh tất cả cho công cuộc cứu độ nhân thế. Cũng thế, Mẹ Têrêsa và Martin Luther King Jr. đã lên tới đỉnh cao tâm hồn để nghe thấy tiếng gọi và chìm ngập trong ánh sáng tình yêu của Chúa. Họ đã tìm được niềm vui khi dâng hiến cả cuộc đời cho những người cùng khổ trong xã hội. Tất cả những nạn nhân của những cơ chế bất công đều phấn khởi trước sức mạnh giải thoát của tình yêu phát ra từ những tâm hồn quả cảm đó.

 

Lạy Chúa, xin dẫn chúng con lên núi để thấu hiểu tất cả bản chất và sức mạnh tình yêu. Nhờ đó, chúng con có thể tìm lý do mọi  đau khổ và kiên trì tranh đấu cho công lý trên quê hương và khắp nơi trên thế giới.  Amen.

 

đỗ lực 17.02.2008

 



[1] http://www.mlkonline.net/promised.html

[2] http://en.wikiquote.org/wiki/Martin_Luther_King,_Jr.#Speech_on_Vietnam_.281967.29

[3] http://sol.com.au/kor/15_01.htm

[4] Raher, K., The Great Church Year.

[5] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 580.

[6] Ibid., 54.

[7] ibid., 55.

[8] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:325.

[9] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 581.

[10] http://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20031019_madre-teresa_en.html

[11] http://home.comcast.net/~motherteresasite/mother.html

[12] http://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20031019_madre-teresa_en.html

[13] http://home.comcast.net/~motherteresasite/mother.html

[14] http://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20031019_madre-teresa_en.html

[15] http://home.comcast.net/~motherteresasite/mother.html 

[16] Ibid.

[17] Ibid.

[18] Ibid.

[19] Ibid.

[20] http://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20031019_madre-teresa_en.html