ĐƯỜNG VÀO CÕI SỐNG

(Ga 11:1-45)

 

 

Trước “việc gia tăng bạo loạn và sự nghèo đói đang ảnh hưởng tới rất đông quần chúng và khiến cho nhiều người di cư sang các nước khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân và gia đình,” ÐGH Bênêđictô đã thúc đẩy các giám mục Guatemala “tiếp tục sứ mạng Phúc âm hóa của Giáo Hội với nghị lực canh tân trong bối cảnh các phong trào văn hóa hiện đại và việc toàn cầu hóa. Việc Phúc âm hóa các nền văn hóa là công việc ưu tiên bảo đảm lời Thiên Chúa đạt đến từng người và một khi đã thâm nhập vào tâm trí, Lời Chúa trở nên ánh sáng soi dẫn và thành nước thanh tẩy các nền văn hóa đó với sứ điệp Tin Mừng đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.”[1]

Lời Chúa sẽ đem lại sức sống và ánh sáng cho mọi nền văn hóa và các dân tộc. Lời Chúa quả thực là sức vạn năng của Thiên Chúa. Có thể kiểm chứng điều đó trong biến cố Chúa làm cho Ladarô sống lại, đem niềm vui chan hòa cho nhà Bêtania, củng cố niềm tin của Martha và Maria cũng như đem lại niềm tin cho nhiều người.

 

 

ÐỨC TIN LÀ TẤT CẢ

 

Trong giờ phút nguy kịch, hai chị em Martha và Maria đã lo lắng biết chừng nào trước cơn hấp hối của người em là Ladarô ! Chúa Giêsu biết rõ ông đang ở bờ vực tử thần. Chúa cũng biết hai chị em đang nóng lòng mong chờ Chúa đến an ủi họ. Hơn ai hết, Chúa biết rõ mình có thể cứu Ladarô, nhưng Chúa vẫn thấy không cần phải vội vã theo lòng mong đợi của người đời. Thế là trong cơn đau khổ của gia đình thân thiết nhất, Chúa đã không có mặt.

Cùng một sự kiện, nhưng đã có hai cái nhìn khác nhau. Cái chết của Ladarô là một đại họa cho gia đình Bêtania. Nhưng Chúa Giêsu lại thấy đó là một tin mừng : "Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin.” (Ga 11:14-15) Tại sao Chúa lại có cái nhìn lạ lùng vậy ? Cũng như người mù bẩm sinh được sáng mắt không phải để nhìn cảnh vật bên ngoài, Ladarô sống lại không phải để kéo dài cuộc sống mấy chục năm nữa. Nhưng họ tìm lại được ánh sáng và sự sống để nhìn sâu vào tâm hồn mà khám phá cả một nguồn hồng ân vô cùng lớn lao, đó là đức tin. Ðức tin giúp họ nhìn vượt trên mọi biên giới trần gian.

Muốn Ladarô thoát ra khỏi vùng tử khí, cần có một đức tin như Martha và Maria. Lúc đầu Martha than phiền vì Chúa chậm trễ, mà Ladarô phải chết. Nhưng khi Chúa bắt đầu nói, họ đã lấy lại được niềm tin. Lời Chúa đã chạm tới tận tâm hồn họ. Hai chị em không còn tuyệt vọng và sợ hãi nữa. Cả hai đều tự do và cởi mở hơn để có thể đón nhận sự thật là Chúa Kitô, nguồn sự sống. Họ di chuyển từ nơi ít sự sống đến nơi chan hòa sự sống. Nói khác, họ đã hoàn toàn biến cải để bước vào mầu nhiệm sự sống ngang qua cái chết. Thánh Phaolô diễn tả tiến trình biến cải này khi mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Giêsu đến trần gian để ban sự sống. Thật vậy, “nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.” (Rm 8:10-11)

Cả hai chị em Martha và Maria đều thức tỉnh trước công cuộc quá sức lớn lao Chúa đã làm cho gia đình. Thánh Linh đã hoạt động. Chúa Giêsu xuống thế để trần gian ý thức Người là Ðấng đầy sự sống và quyền năng. Người hoàn toàn muốn ban sự sống cho mọi người. Người cũng muốn họ hiểu rằng Thánh Linh đang ngự trong mọi người và đang đánh thức họ, làm cho họ mạnh mẽ và có khả năng dấn thân hơn vào những công cuộc tranh đấu giành lại sự sống và quyền làm người.

Khi làm cho Ladarô sống lại, Chúa muốn cho mọi người thấy giá trị cao cả  của sự sống cũng như hạnh phúc con người. Nếu Chúa đến kịp lúc Ladarô hấp hối để tránh cho Ladarô khỏi chôn táng trong mồ bốn ngày, gia đình Bêtania không thể cảm được tất cả sức mạnh siêu việt của Lời Chúa. Lời Chúa không phải chỉ là những lời giảng dạy, nhưng đích thực là quyền năng Thiên Chúa ban sự sống. Chỉ cần một Lời Chúa kêu gọi Ladarô, sự sống đã trở lại và trả lại mọi sự cho mọi người.

Martha và Maria đã mời Chúa Giêsu đi vào cõi đau khổ của họ để thấy sự mất mát lớn lao do cái chết của Ladarô. Chúa Giêsu muốn tỏ cho Martha và Maria, và cả chúng ta nữa, thấy vinh quang Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Kết quả, khi “được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.” (Ga 11:45)

Chỉ cần tin, người ta sẽ thấy tất cả sức mạnh biến đổi của Lời Chúa. Thực vậy, ông Abraham đã “trở nên công chính nhờ lòng tin.” (Rm 4:13) Ông đã trở nên tổ phụ và được Chúa kết ước. Từ đó, cuộc sống ông hoàn toàn thay đổi và đã đạt được tất cả những điều mơ ước ! Trước khi khiến Ladarô bước ra khỏi mồ, Chúa Giêsu đã kiểm tra lại đức tin của Martha :"Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?" (Ga 11:25-26) Cô đã mau mắn đáp : "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." (Ga 11:27) Nếu không có đức tin, hai chị em và dân làng đã không thể có được niềm vui nhìn Ladarô sống lại.

Ðúng như Chúa nói, đức tin đã chuyển núi dời non, đã đem Ladarô từ cõi chết về cõi sống. Ðức tin còn qui tụ muôn người quanh Ðức Kitô. Ðức tin còn làm cho con người nên công chính. Nhờ đó họ có thể phá vỡ các hình thức bạo lực trong các cơ chế bất công và đem lại sự hiệp nhất nhân loại. Nhờ đức tin, Kitô hữu có sứ mệnh quy tụ muôn dân quanh  Chúa Kitô. Sứ mệnh đó không thể được hoàn thành nếu họ không nhờ Lời Chúa.

 

NHƯ MỘT BIỂU TƯỢNG

 

Lời Chúa mãnh liệt biết chừng nào ! Khi nghe Chúa phán "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ! " Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn.” (Ga 11:43-44)  Từ một cái xác không hồn, Ladarô bước vào cõi sống ! Nếu sau khi thoát khỏi cảnh tối tăm và giam hãm trong mồ, Ladarô không thấy được giá trị lớn lao của tự do cũng như hai chị em Martha và Maria không canh tân lòng tin, thì việc phục sinh ông trở nên vô nghĩa và vô giá trị. Bởi đó, tự do con người phải dẫn tới tự do con cái Chúa mới đạt đến ý nghĩa và giá trị sung mãn. Lời Chúa là sức mạnh giải thoát.

Hình ảnh Ladarô mang nhiều ý nghĩa biểu tượng đối với chúng ta, những người chưa chết, nhưng hình như cũng đang bị chôn vùi trong những lối sống và cơ chế cứng ngắc. Chúng ta vô phương tự giải thoát. Nếu “cá nhân muốn sống tự do, phải có những điều kiện kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hóa. Nhưng quá nhiều khi người ta không đếm xỉa hay phá đổ các hoàn cảnh đó.  Khi lìa bỏ luật sống tinh thần, con người làm tổn thương tự do của mình, tự giam hãm, cắt đứt mối liên hệ thân tình với người lân cận và chống đối chân lý của Chúa.”[2] Ðúng là những tầng địa ngục giam hãm con người. Làm gì còn tự do, công lý và hạnh phúc những nơi tăm tối đó !

Làm sao ra khỏi cảnh tù ngục đó, nếu trước tiên không có ánh sáng ? Hỏa ngục nào cũng tràn ngập bất công và tước đoạt con người đến tận xương tủy. Bởi vậy, “đẩy xa những bất công là thăng tiến tự do và phẩm giá con người. Tuy nhiên, việc phải làm đầu tiên là kêu gọi cá nhân xử dụng những khả năng thiêng liêng và tinh thần cũng như thường xuyên phải hoán cải nội tâm, nếu muốn thực hiện những cải cách kinh tế và xã hội nhằm phục vụ con người.”[3] Nếu không hoán cải nội tâm, tất cả mọi công trình đều mất sức sống. Nhưng mọi cuộc hoán cải đều bắt nguồn từ đức tin.

          Niềm tin trở thành sức mạnh phục hồi những gì đã chết dưới sức nặng tội lỗi, nhất là tội bất công. “Trước những hình thức bóc lột và bất công xã hội hiện tại, nhiều người đã cảm nhận cách sâu xa nhu cầu triệt để canh tân cá nhân và xã hội để bảo đảm cho một cuộc sống công bình, liên đới, lương thiện và cởi mở. Chắc chắn có cả một con đường dài và đầy chông gai trước mặt. Về ‘vấn đề xã hội,’ chúng ta không được hy vọng một cách ngây ngô. Chúng ta không được cứu bởi một biểu thức, nhưng bởi một Nhân vị và Người bảo đảm với chúng ta : Thày ở cùng anh em ! Bởi đó, vấn đề không phải là khám phá một ‘chương trình mới.’ Chương trình đã có sẵn rồi. Ðó là kế hoạch trong Tin Mừng và Truyền thống sống động.”[4]

          Ngày nay, không một học thuyết nào có thể đưa ra giải pháp toàn bộ cho mọi vấn nạn xã hội. Lần đầu tiên, nhân loại cảm thấy gần gũi nhau như một gia đình. Nhưng cũng lần đầu tiên những điều căn bản nhất lại trở thành vấn đề bao trùm toàn thể nhân loại. Những giá trị lớn lao nhất như nhân quyền và tự do bị trù dập khắp nơi, chỉ vì những quyền lợi thấp kém nhất. Người ta cố tạo ra một quan điểm lệch lạc về nhân quyền để che dấu những mưu đồ và tham vọng đê hèn.

          Giữa lúc nhân loại đang dẫy chết vì thất vọng trước những lời hứa hẹn của các học thuyết không tưởng, Chúa Kitô lên tiếng xác quyết : “Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Người hiện diện để phục sinh tất cả bằng sức mạnh Thánh Linh và Lời Chúa. “Cuối cùng, trung tâm điểm là chính Chúa Kitô. Cần phải hiểu biết, yêu mến và noi gương Người để trong Người, chúng ta sống đời sống Ba Ngôi, và với Người, chúng ta biến cải lịch sử cho đến khi hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc.”[5]

 

          SỨC MẠNH PHỤC SINH TRONG GIÁO HỘI

 

          Biến cải lịch sử đó là sứ mệnh Chúa giao cho Giáo hội trên trần thế. Bằng cách nào, nếu không phải bằng Lời Chúa ? Chính Chúa đã muốn Giáo hội tiếp tục dùng Lời Chúa phục sinh nhân loại. Bởi thế, trước khi về trời, Chúa không quên ra lệnh cho Giáo hội phải rao giảng Lời Chúa cho muôn dân (x. Mt 28:20). Ðó là một trách nhiệm, nhưng cũng là một vinh dự của Giáo Hội.

          Hơn nữa, rao truyền Lời Chúa còn là một sứ mệnh cao cả của Giáo hội. Cao cả vì khi rao giảng Lời Chúa, Giáo hội có thể phục sinh nhân loại đang bị chôn vùi trong những cơ chế cồng kềnh và bất công. Nếu Giáo hội cũng là một cơ chế nặng nề, làm sao Giáo hội có thể chu toàn sứ mệnh phúc âm hóa thế giới ? Nếu Giáo hội cũng đầy dẫy bất công, làm sao có thể làm chứng và xây dựng Nước Thiên Chúa ? Nếu chỉ giản lược công việc của Chúa vào các lễ nghi, bí tích và guồng máy cai trị nội bộ, làm sao Giáo hội có thể làm cho Lời Chúa đến với muôn dân và thấm nhập vào con tim và cuộc sống con người cũng như xã hội ?

Ðã đến lúc, mọi người cần nhớ rằng “vì sứ mệnh bao trùm toàn thể thực tại con người và vì ý thức mình ‘thực sự gắn liền với nhân loại và lịch sử của họ,’ nên Giáo hội có quyền đòi cho mình quyền đưa ra những phán quyết về thực tại con người, bất cứ khi nào Giáo hội được yêu cầu bênh vực những quyền căn bản của con người hay việc cứu rỗi các linh hồn.”[6] Không thể đứng ngoài nhìn vào cuộc sống con người, nhưng như Con Chiên Thiên Chúa, Giáo hội phải gánh lấy tội trần gian để tất cả được phục sinh trong Chúa Kitô. Như thế, Giáo hội mới có thể hoàn thành sứ mệnh Chúa đã trao phó cho mình trong xã hội hôm nay.

         

          Tóm lại, nhờ Martha tin tuyệt đối vào quyền năng Chúa, Ladarô đã trở lại cuộc sống làm người. Chứng kiến tận mắt phép lạ lớn lao đó, nhiều người đã tin Chúa Giêsu. Lời Chúa quả thực là sức mạnh đã giúp Ladarô trỗi dậy. Lời Chúa cũng sẽ giúp nhân loại tìm được lối thoát cho mọi bế tắc hôm nay, nếu họ tin vào Chúa.

 

          Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh đến mở đường  vào cõi sống cho chúng con. Giữa bao nhiêu những bế tắc cuộc sống  hôm nay, xin cho chúng con luôn tin tưởng Chúa Kitô là lối thoát duy nhất cho toàn thể nhân loại.   Amen.

 

          đỗ lực, 09.03.2008

 



[1] http://www.zenit.org/article-21985?l=english

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 137.

[3] ibid.

[4] ibid., 577.

[5] ibid.

[6] ibid., 426.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà