HÃY VÙNG LÊN !

(Ga 20:1-9)

 

Mầu nhiệm sự ác lộng hành khắp nơi. Dưới sức mạnh kinh hồn đó, làm sao con người có thể vượt thoát ? Hơn nửa thế kỷ qua, sự ác đã mượn cánh tay “Bắc Kinh 'cai trị bằng khủng bố' và 'diệt chủng văn hóa'”[1] Tây Tạng. Nhưng “bất chấp áp lực đến từ phía công an, khoảng từ 300 đến 400 nhà sư Tây Tạng cũng đã rời tu viện tiếp tục cuộc tuần hành phản đối chính quyền Trung Quốc.”[2]  Hàng chục ngàn người dân đã nhập đoàn với đoàn tăng lữ. Kết quả “ít nhất 80 người biểu tình bị thiệt mạng.”[3]

Vượt qua nỗi sợ, dân Tây Tạng vùng lên tranh đấu và mở đường cho quê hương vào kỷ nguyên độc lập và tự do. Nỗi thống khổ của dân tộc Tây Tạng tiêu biểu cho số phận nhân loại suốt mấy ngàn năm dưới ách thống trị của Satan. Nếu Chúa Giêsu không can đảm đương đầu với tử thần, chắc chắn nhân loại không bao giờ có thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của mầu nhiệm sự ác. Hơn nữa, Chúa đã phá tan âm phủ để phục sinh và dẫn đưa mỗi người chúng ta vào cuộc sống mới.

 

CHIẾN THẮNG THẦN CHẾT

 

Chúng ta không chối bỏ sự dữ hay làm ngơ trước những khốn cùng của nhân loại. Vì tin Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta không đầu hàng trước quyền lực sự dữ. Người phục sinh để chiến thắng thần chết, minh oan cho những ai đau khổ, đưa lại sự sống mới. Ðó là sứ điệp Phục sinh của mầu nhiệm vượt qua. Phải trải qua cái chết, Chúa mới trở thành Chiên Vượt Qua đem lại sự sống đích thực cho nhân loại.

Chúa Cha đã sai Chúa Con đến trần gian để mời gọi mọi người xây dựng Nước Trời. Ðây là một công trình đòi mọi người phải thay đổi hoàn toàn : “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cr 5:7-8) Lòng gian tà và độc ác hiện nguyên hình trong những cơ chế bất công lan rộng khắp nơi. Chính Chúa đã đối mặt với những sức mạnh ghê hồn đó. Không những không bị thứ men cũ đó lây nhiễm, Chúa còn vượt qua nỗi sợ và đem lại sự sống mới cho nhân loại.

Trong Tân Ước, men là biểu tượng sự mục nát. Sự thối nát bắt nguồn từ sự sợ hãi của chúng ta. Dân chúng không dám đối diện với sự thật, vì họ bị đe dọa. Họ dấu giếm sự thật. Sự thối nát có thể ở trong các cơ chế như Giáo hội, gia đình, chính trường hay bất cứ loại cơ chế nào. Một khi dân chúng ngoảnh mặt với chân lý, họ sẽ chùn bước trước thực tế và  bắt đầu nói dối, lừa đảo, giấu diếm. Ðó là cách khiến mọi sự nhiễm độc. Theo thánh Phaolô, Chúa kêu gọi chúng ta bước vào cuộc sống mới với Chúa Phục sinh, thoát khỏi men cũ. Ðó là một lối sống phi thường, vượt qua nỗi sợ, nhất là cái chết.

Chúa Giêsu phục sinh để đem lại sự sống mới, đó là Nước Thiên Chúa. Nơi đây chỉ những ai có “lòng tinh tuyền và chân thật” mới có thể sống. Như thế, Phục sinh đã chiếu vào trần gian ánh sáng chân lý, công lý và bình an.

 

MÃNH LỰC TÀ THẦN Ở ÐÂU ?

 

Nhưng trong vương quốc Satan vẫn đầy dẫy những con người “gian tà và độc ác.” Lòng họ đầy ghen tương, đố kỵ và tranh chấp. Mọi hình thức bạo động có thể được dùng để đàn áp dân oan. Trong hệ thống xã hội đạo đời thời Chúa Giêsu, ai không chu toàn bổn phận đều bị tử hình. Nếu luật bắt ném đá, cộng đoàn không một chút cảm thông. Ðể phản đối luật lệ phi nhân này, Chúa Giêsu đã tìm cách cứu sống một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chỉ cần một câu hỏi ngắn gọn, Chúa Giêsu đã làm cho mọi người giật mình về tình trạng xấu xa trong tâm hồn mình. Tội lỗi đã làm họ lùi bước …

Nhưng khi chính mình bị sa vào tay kẻ gian ác, Người đã không tìm cách kháng cự. Khi làm như thế, Chúa Giêsu đã trưng ra cho mọi người thấy bộ mặt thật của những con người gian ác. Nói khác, Người đã để cho sự ác phơi bày bản chất đích thực của nó. Nếu có bản cáo trạng nào tố cáo các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu, thì đó phải là việc họ đã giết Ðấng Thiên Sai.

Chúa không dùng cùng một thủ đoạn của sự ác để chiến đấu hay tiêu diệt nó. Nhưng Người chỉ hành động để chiếu sáng. Chúa Giêsu mở ra trước lương tâm và ý thức con người tất cả những gì đang xảy ra trong thực tế. Chúa Giêsu đã cố gắng dạy chúng ta một điều tốt đẹp, kỳ diệu và mạnh mẽ nhất, đó là một lối sống mới giữa một thế giới đầy ắp sự dữ. Người muốn chúng ta học cách đối xử với sự ác mà không làm cho thế giới tăng thêm sự ác, đó là sự tha thứ.

Chúng ta được kêu gọi để hiểu biết tâm điểm trong lời Chúa giảng dạy là  sự tha thứ. Tha thứ là hy sinh mạng sống để đánh thức mọi người trước thực tế và sự thật. Tha thứ cho tha nhân là không tham dự vào men Pharisêu, tức là sự ghen tương, đố kỵ, công kích và phá hoại, những dấu chứng một tâm hồn kiêu ngạo. Càng kiêu ngạo càng không thấy được sự thật và càng tự nhốt trong chính mình. Mọi gian ác đều bắt nguồn từ sự kiêu ngạo. Bởi vậy, muốn phá sự gian ác, phải vượt qua lòng tự kiêu.

Nhưng lấy sức mạnh nơi đâu để có thể vượt qua chính mình ? Sau khi phục sinh,  Chúa Giêsu chiếu sáng niềm hy vọng cho con người đang ngụp lặn trong vực thẳm tội lỗi. Người đã tiêu diệt thần chết và tội lỗi trên thập giá (x. Rm 5:18-21; 1 Cr 15:56-57). Niềm hy vọng nơi Chúa phục sinh là tất cả sức mạnh của con người. Khi phục sinh, Chúa Giêsu “tỏa sáng tràn ngập và làm cho hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa nơi con người nên hoàn hảo.”[4] Nhờ đó, con người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của sự ác để tới bến bờ tự do.

Chính nhờ Ðức Kitô phục sinh, “Thiên Chúa cho con người thực sự có khả năng thắng vượt điều ác và đạt tới điều thiện. Chúa ‘đã trả giá đắt’ (1 Cr 6:20) mà cứu chuộc nhân loại. Nhờ đó, niềm hy vọng trào dâng, mặc dù tội lỗi ghi đậm nét trong lịch sử nhân loại. Lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm thế giới không còn tự khép kín, nhưng mở ra đón nhận Nước Thiên Chúa, vì Chúa Kitô đã liên kết với mỗi người cách nào đó, và vì Chúa Thánh Thần hành động tích cực để ‘phủ đầy mặt đất.’ (Kn 1:7)”[5] Làm sao tà thần còn giữ nguyên mãnh lực trước sức mạnh đó của Thiên Chúa ?

 

CHIẾN THẮNG VỀ TAY AI ?

 

Dĩ nhiên, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt giữa thiện ác. Khi suy gẫm về chặng đường Thánh giá ở Colossêô Roma, ÐHY Joseph Zen, giám mục Hồng Kông viết :  “Vì bị giết chết, nên chỉ một mình Con Chiên Thiên Chúa mới có thể loại bỏ dấu ấn của ‘mầu nhiệm sự ác.’ Nhiều nơi trên thế giới, Hôn thê Ðức Kitô đang trải qua giờ phút bách hại trong tối tăm ...

Bên ngoài, Philatô có vẻ đầy quyền lực. Ông ta ở một vị thế có quyền sinh sát đối với Chúa Giêsu. Ông ta thích diễu cợt khi nhắc đến danh hiệu ‘Vua dân Do thái,’ nhưng sự thật ông ta yếu đuối, đáng thương và hoàn toàn lệ thuộc. Ông ta sợ Hoàng đế Tibêriô, sợ quần chúng, sợ các thượng tế, trong khi tận thâm tâm ông khinh miệt họ. Ông trao Chúa Giêsu cho quân lính đóng đinh, mặc dù biết Người vô tội.

Nỗ lực mà không cứu được Chúa Giêsu, kết cục ông đã phó mặc cho tên đồ tể nguy hiểm. Việc rửa tay của ông chẳng có ích gì, khi đổ máu người vô tội. Philatô là hình ảnh của những ai xử dụng quyền bính như một vũ lực đàn áp, bất kể công lý.”[6]

Philatô đúng là tiêu biểu cho những con người đang nắm quyền ở Trung quốc và Việt Nam. Bao giờ họ mới có thể học thuộc bài học của Liên xô năm xưa ? Những gì đang xảy ra tại Trung quốc hiện nay cũng đã từng diễn ra tại Liên xô ngày xưa. Mầm mống phân hóa đã bắt đầu trỗi dậy. Không có gì nguy hiểm bằng xung đột văn hóa, tôn giáo, chủng tộc. Chỉ nhà nước chuyên chính vô sản dám đối đầu với các lực lượng ấy.

Cuộc xung đột văn hóa và tôn giáo đang xảy ra tại Trung quốc. Trước cuộc Trung quốc đàn áp Tây tạng hiện nay, bà Dân biểu Nancy Polisi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, phát biểu : “Nhân danh cá nhân tôi, tôi có thể nói, nếu những người yêu chuông tự do khắp thế giới không lên tiếng chống lại Trung quốc đàn áp Tây Tạng, chúng ta đã đánh mất thẩm quyền tinh thần nhân danh nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tình thế tại Tây Tạng là một thách đố đối với lương tâm thế giới. Thế giới cần biết những gì đang xảy ra.”[7] Tiếng nói lương tâm đã gióng lên. Những kẻ chà đạp lương tâm có nghe thấy gì không ?

Mới đây, trong cuộc hành hương Assisi, sau khi quỳ cầu nguyện trước mộ thánh Phanxicô,  ông Gorbachev, cựu tổng bí thư cộng sản, đã tường thuật lại cuộc gặp gỡ lịch sử đó như sau: “Bức Màn Sắt không thể sụp đổ, nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thật vậy, tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rất thú vị, mặc dù có lẽ rất cảm động. Ngài bảo thẳng với tôi là ngài ghét cay ghét đắng cái chủ nghĩa cộng sản. Ngài cũng mạnh mẽ phê phán chủ nghĩa tư bản rừng rú. Ngài nói với tôi: ‘Tôi không phục vụ chính trị đảng phái, tôi phục vụ Thiên Chúa.’”[8]

Chắc chắn không thể phủ nhận sức mạnh lòng tin nơi ông Gorbachev trong việc giật sập chế độ cộng sản tại Liên xô và Ðông Âu. Ông thổ lộ với linh mục Miroslavo Anuskevic, trong tờ La Stampa: “Ông ta đã nói rất nhiều về nước Nga và tính chất quan trọng của việc chuyển sang nền dân chủ không chỉ cho nước Nga mà còn cho toàn thế giới. Ông lấy làm tiếc là nước Nga một nước có lịch sử và một truyền thống tinh thần vĩ đại đã phải trải qua một thời kỳ cộng sản quá lâu dài.”[9] Nhìn lại những thời gian tăm tối khi thần ác đang hoành hành trên quê hương, chắc chắn thấy những nọc độc nguy hại của cộng sản, ông mới thở dài và nuối tiếc như vậy. Nếu không bị cộng sản thống trị trong một thời gian dài như thế, chắc chắn quê hương ông đã tiến xa về mọi mặt rồi và dân tộc của ông đã không phải trả giá quá mắc mỏ và phi lý như vậy !

Cuối thế kỷ 20, niềm tin Kitô giáo đã hạ bệ kinh thành ác thần tại Liên xô và các nước Ðông Âu. Thế kỷ này, có lẽ Phật giáo sẽ tạo nên lịch sử tương tự bên Á châu ?

 

Tóm lại, sống dưới chế độ bất công, Chúa Giêsu đã trở thành nạn nhân bi thương nhất để cứu độ toàn thể nhân loại. Nhưng Người đã phục sinh để mở lối cho mỗi người chúng ta vào cuộc sống hạnh phúc và chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa. Người đã bẻ tan gông cùm của lực lượng thần ác. Nhờ đó mọi người được hoàn toàn tự do làm người và làm con cái Chúa.

 

Lạy Chúa, xin Chúa thương đến dân tộc Tây Tạng hôm nay. Xin Chúa chiếu soi ánh sáng phục sinh của Con Chúa vào những nơi  đang đau khổ vì bất công hận thù. Amen.

 

đỗ lực

23.03.2008

 

 



[4] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 121.

[5] ibid., 578.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà