THÊNH THANG

(Ga 10:1-10)

 

 

Ngày 15.04.2008 ÐGH Bênêđictô XVI sẽ tông du Hoa kỳ. Nhân dịp này , giám mục Thomas Wenski, chủ tịch Ủy ban về Chính Sách Quốc tế của các giám mục Hoa Kỳ, nhận định : “ÐGH không phải là một chính trị gia, nhưng là Giám Mục Roma và là mục tử của Giáo Hội Công giáo toàn cầu. ÐGH Bênêđictô XVI sẽ xuất hiện trước Liên Hiệp Quốc như một nhà lãnh đạo tôn giáo, một nhà lãnh đạo tinh thần – và là một nhà lãnh đạo duy nhất am hiểu tình hình. Người sẽ nói với các người Công giáo cũng như ngỏ lời với Liên Hiệp Quốc và thế giới.”[1] Giám mục Wenski hy vọng “ÐGH cũng sẽ thách đố các nhà lãnh đạo chính trị thế giới nữa. Nhiều bất an trên thế giới chính trị hôm nay bắt nguồn từ việc tách biệt niềm tin khỏi lý trí và mất niềm tin trong hoạt động lý trí. Như ÐGH Gioan Phaolô II, Người sẽ dựa trên đức tin để bênh vực lý trí. Làm thế, chắc chắn ÐGH sẽ lại giới thiệu luật luân lý phổ quát cho các nhà lãnh đạo thế giới.”[2] 

Trong chuyến tông du của ÐGH Bênêđictô XVI, các vị lãnh đạo thế giới sẽ là đối tượng quan trọng nhất của ÐGH . Vấn đề nổi cộm nhất là vấn đề an ninh thế giới, phần lớn do việc không tôn trọng nhân quyền. Dầu vậy, ÐGH cũng thấy đây là cơ hội lớn để nói lên niềm hy vọng. “Thật vậy, thế giới đang cần niềm hy vọng nhiều hơn bao giờ : hy vọng hòa bình, công lý, và tự do. Nhưng hy vọng này có thể không bao giờ được lấp đầy nếu không vâng theo luật Thiên Chúa do Ðức Kitô đẩy tới mức toàn hảo trong giới luật yêu thương. Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho bạn, và  đừng làm những gì bạn không muốn người khác làm cho bạn. “Luật vàng” này đã có trong Kinh Thánh, nhưng có giá trị cho mọi dân tộc, kể cả những người vô tín ngưỡng. Ðó là luật được viết trong tâm hồn con người. Tất cả chúng ta đều đồng ý như thế, để khi trình bày những vấn đề khác, chúng ta có thể làm một cách tích cực và xây dựng cho toàn thể cộng đồng nhân loại.”[3]

Phải chăng đây là cơ hội lớn cho chúng ta suy nghĩ về chiều hướng mục vụ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay ?

 

TIÊU CHUẨN

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nêu bật hai hình ảnh trái ngược : mục tử và kẻ trộm. Ðâu là tiêu chuẩn để có thể nhận ra khuôn mặt của hai hạng người đó ?

Tùy thái độ đối với đoàn chiên, hai hạng người đó sẽ lộ nguyên hình. Tự bản chất, tên trộm bao giờ cũng rình mò xâm phạm đến của cải và tính mạng người khác. Họ không biết luật công bình là gì. Bất chấp luật pháp, “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ.” (Ga 10:10) Họ không biết tôn trọng của cải, mạng sống và những giá trị tinh thần cũng như vật chất. Tất cả đều phải hy sinh cho cái lợi bản thân và phe đảng họ. Thật là một bất công khủng khiếp !

Trái lại, không những tôn trọng công lý, mục tử đích thực còn hy sinh bản thân vì người khác. Họ hy sinh tất cả cho hạnh phúc tha nhân. Có nhìn thấy mục tử chăn chiên trên đồi Palestine, mới thấy  họ hy sinh cho đoàn chiên tới mức nào. Họ mất ngủ, mệt mỏi đứng dựa trên gậy, theo dõi từng động thái của đàn chiên. Tối đến, sau khi lùa đàn chiên vào chuồng, họ nằm chắn ngang bực cửa để bảo vệ đoàn chiên khỏi thú dữ. Mục tử như một chiếc cửa mở ra cho chiên ra vào và che chở đoàn chiên khỏi thú dữ sát hại. Có được bảo vệ an toàn như thế, đoàn chiên mới “sống và sống dồi dào.” (Ga 10:10) Mục tử không còn nghĩ tới bản thân. Họ quên mình để bảo về sự sống cho đoàn chiên. Không những tôn trọng sinh mạng con chiên, họ còn lo phát triển đoàn chiên. Ðó là nét nổi bật của một mục tử đích thực. Sở dĩ mục tử có thể hy sinh tất cả cho đoàn chiên, vì họ rất gần gũi con chiên. Quả thực, khi vào trong chuồng chiên, họ có thể “gọi tên từng con,” (Ga 10:3) khi chúng quây quần chung quanh. Cảnh sinh hoạt rất thân mật.

Dù lúc ở trong chuồng hay khi ra ngoài, đoàn chiên luôn an tâm vững lòng vì người mục tử luôn sẵn sàng đối phó với mọi thách đố để bảo vệ con chiên.  Khi dẫn chiên ra ngoài kiếm ăn, ông “đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng” (Ga 10:4) của ông. Trái lại, bọn trộm cướp không bao giờ được hưởng hạnh phúc đó. Chúng hoàn toàn xa lạ với đoàn chiên. Làm sao chiên có thể nghe theo chúng ? Chương 9 trong Tin Mừng Gioan đưa ra một ví dụ cụ thể : mặc dù những nhà lãnh đạo Do thái dùng đủ mọi kỹ thuật thuyết phục, nhưng anh mù vẫn khẳng khái trả lời không tố cáo Chúa. Cuối cùng, anh đã bị trục xuất ra khỏi hội đường. Nói chung, những nhà lãnh đạo Do thái đương thời không chú tâm tới đàn chiên. Họ chỉ muốn thỏa mãn tham vọng quyền lực.

Làm sao tiếng nói mục tử có thể vang động trong con chiên ? Ðây là lúc bắt đầu phân biện được tiếng gọi của Thiên Chúa. Nếu mục tử không sinh hoạt thân mật với con chiên, làm sao chiên có thể nhận ra tiếng ông mà đi theo ? Do đó thời giờ theo sát và quan tâm đến đoàn chiên thật quan trọng. Nếu không, dù là mục tử, tiếng nói cũng chẳng lọt tai con chiên. Tiếng nói Vị Mục Tử Nhân Lành đụng tới miền sâu thẳm nhất trong con chiên. 

Vai trò mục tử vô cùng quan trọng trong lịch sử Israel đến nỗi Kinh thánh tôn xưng Giavê là Mục Tử quy tụ đoàn chiên tản mác từ muôn dân nước. Ngôn sứ Êdêkien tiên báo Vị Thiên Sai sẽ đến và gọi Người là một Mục tử (Ed 34:23). “Ngược với tên trộm, Người ban ngay sự sống cách phong phú, dồi dào và toàn vẹn. Ngay bây giờ sự sống vĩnh cửu bắt đầu. Sự sống trong Chúa Kitô ở trên một mức độ cao hơn, vì tràn ngập tình yêu, ơn tha thứ và được định hướng.”[4] Con người sẽ sống hạnh phúc, bình an, tự do, vượt xa những gì người Do thái vẫn mơ tưởng.

 

VAI TRÒ LÃNH ÐẠO HÔM NAY

 

Mục tử là người lãnh đạo dân Chúa. Vai trò lãnh đạo một phần quyết định thành bại của cộng đoàn. Vậy muốn lãnh đạo thành công, mục tử phải có những đức tính gì ? Như Chúa Giêsu đã dạy, mục tử phải liều thân trong mọi trường hợp. Lúc ở trong nhà hay khi ra ngoài, họ luôn hiên ngang liều mạng vì đoàn chiên. Nếu là người đang lãnh đạo dân Chúa, họ dám có những thay đổi tích cực. Họ khuyến khích các thành viên tìm ra những giải pháp mới, xem xét những phương cách thực hiện chỉ tiêu và dự liệu thay đổi. Người lãnh đạo giỏi không sợ thay đổi. Họ biết những lợi điểm thành công vượt quá những thất bại có thể gặp thấy trên đường.

Sở dĩ  thành công vì mục tử biết lắng nghe “con chiên.” Thời đại thông tin và đối thoại hôm nay luôn đòi thông tin hai chiều, chứ không thể bắt con chiên nghe tiếng mục tử mà thôi. Mục tử tài giỏi luôn lắng nghe mọi ý kiến. Ông không bác bỏ những ý kiến mới lạ. Làm sao có thể đối thoại kết quả ? Giáo hội dạy “các tín hữu nên ‘cố gắng đối thoại chân thành trong tinh thần yêu thương nhau và trên hết phải quan tâm tới lợi ích chung.”[5] Không có lòng bác ái và chỉ nhắm tư lợi, không thể nào đối thoại với nhau.

Một trong những điểm nổi bật nhất của mục tử là lòng say mê mục vụ. Trên bình diện công lý, đây là một bằng chứng lòng nhiệt thành của họ đối với giới trẻ, các nạn nhân, công lý, công bình và bình đẳng. Cái nhìn hay ý hướng của họ về công lý lôi kéo người khác đến với Chúa Kitô. Ðó là việc rao giảng Tin Mừng thực sự. Thật vậy, Không thể rao giảng Tin Mừng, nếu không cổ động sự tiến bộ thực sự của con người về công lý và hòa bình. Lý do vì “không có gì liên quan tới cộng đồng nhân loại lại xa lạ với việc rao giảng Tin Mừng – như những hoàn cảnh và vấn đề công lý, tự do, phát triển, tương quan giữa các dân tộc, hòa bình. Có một liên hệ sâu xa giữa việc Phúc Âm hóa và thăng tiến con người.”[6]

Giữa cộng đồng đầy những vấn đề như thế, việc Phúc âm hóa có thành công hay không cũng tùy thuộc một phần vào thái độ của mục tử. Họ phải là những người lạc quan, tin tưởng vào những việc khả thi và không để những trở ngại hôm nay hay những thất bại hôm qua trói tay. Trái lại, những kinh nghiệm đó càng thúc đẩy họ hành động hơn nữa. Một mục tử bi quan chỉ tìm bắt lỗi những người dưới quyền. Chính vì thế, họ không thể hành động hữu hiệu cho công cuộc xây dựng Nước Chúa. Chúa muốn “khi nhìn vào thiên nhiên, thời tiết và con người, các môn đệ của Chúa đầy lòng tin tưởng phó thác như trẻ em, vì biết rằng họ không bao giờ bị Cha quan phòng bỏ rơi (x. Lc 11:11-13). Thay vì bị lệ thuộc vào vạn vật, người môn dệ Chúa Giêsu phải biết làm cách nào xử dụng chúng để chia sẻ và gây dựng tình huynh đệ (x. Lc 16:9-13).”[7]

Khi hành động, mục tử có thể chia sẻ kiến thức, quyền lực và cần tín nhiệm người khác. “nếu thực thi quyền bính với những đức tính, như kiên nhẫn, cần kiệm, chừng mực, bác ái, nỗ lực chia sẻ, giới hữu trách sẽ biến quyền lực thành phương tiện phục vụ, một thẩm quyền do những người có khả năng thực thi, nhắm công ích như mục tiêu của công việc, chứ không nhắm gây thanh thế hay tư lợi.”[8] Một mục tử làm việc hiệu quả không quan tâm xem công việc mình có được ai truy nhận hay không. Trái lại, ông cố gắng nhận biết thành quả của người khác và nhấn mạnh đến thành công của nhóm hơn của những cá nhân đặc biệt. Có như thế mới có thể tạo được bầu khí hứng khởi cho mọi người làm việc cho lợi ích chung là hạnh phúc con người.

 

NHÂN LOẠI ÐI VỀ ÐÂU

 

Chính vì muốn cho nhân loại sống hạnh phúc hơn, ÐGH Bênêđictô XVI muốn nối tiếp bước chân mục vụ của các vị tiền nhiệm tông du Hoa Kỳ trong tuần lễ từ ngày 15 đến 20 tháng 04 năm 2008. Trong cuộc tông du này, ÐGH sẽ viếng thăm LHQ sáng thứ Sáu, 18 tháng 4, nhân dịp kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. ÐGH sẽ đọc diễn từ trước một cử tọa khoảng 3000 thính giả, đại diện của 192 quốc gia thành viên LHQ. Cha Lombardi cho biết: “Người ta trông đợi bài diễn văn sẽ đặt trọng tâm vào các quyền của con người, về căn bản, sự hiệp nhất và tính chất không thể chia cắt [của các quyền này]. Đó là những chủ đề rất gần gũi trái tim của Đức thánh cha Bênêđictô XVI.”[9] Có nhân quyền, con người mới sống hạnh phúc.

Nhưng những người lãnh đạo trong các nước cộng sản có muốn con người hạnh phúc không ? Nếu có tại sao họ vẫn bóp méo hay chà đạp nhân quyền ? Vấn đề nhân quyền trong các nước đó vẫn gây nhức nhối cho nhân loại rất nhiều. Một tháng sau khi Tây Tạng bị quân đội Trung Hoa đàn áp đẫm máu, chủ đề nhân quyền nổi cộm trong dịp cây đuốc Thế Vận đi vòng quanh thế giới. “Cách đây bảy năm, khi Ủy Ban Olympic Quốc Tế quyết định trao cho Bắc Kinh vinh dự tổ chức cuộc tranh tài thể thao lớn nhất thế giới, chính các thành viên thuộc Ủy Ban Vận Ðộng do Bắc Kinh thành lập đã đưa ra lời cam kết, đảm bảo thế giới sẽ nhìn thấy một nước Trung Hoa hài hòa hơn, nhân quyền được tôn trọng hơn, đáp ứng những đòi hỏi mà cộng đồng quốc tế trông đợi.”[10] Trung Hoa muốn khoe với cả thế giới về thành tích nhân quyền. Nếu họ đã nỗ lực tạo lập thành tích đó, tại sao ngọn đuốc thế vận đi đến đâu bị phản đối tới đó ? Người ta không phản đối ngọn đuốc Thế vận hội hay dân tộc Trung Hoa, nhưng chống lại nhà cầm quyền cộng sản Trung Hoa đang chà đạp nhân quyền.

Chính quyền và những người lãnh đạo đảng cộng sản Trung hoa chắc chắn không vui khi nhìn thấy những cảnh tượng “những tấm biểu ngữ thật lớn được treo ngay trên nóc Tháp Eiffel ở Paris, ở cầu Golden Gate tại San Francisco, mang những hàng chữ đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thực thi nhân quyền, ngưng ngay cuộc đàn áp và phải trả lại độc lập cho người dân Tây Tạng. Chưa bao giờ chương trình rước ngọn đuốc thiêng Thế Vận Hội lại gặp khó khăn đến thế. Ở Luân Ðôn và Paris, có những người trong đoàn biểu tình tìm cách cướp và dập tắt ngọn đuốc trên tay người được vinh dự cầm ngọn đuốc chạy trên đường phố. Trước con số hàng chục ngàn người chống đối ở San Francisco, Ban Tổ Chức đã phải dời cuộc rước đuốc đến một địa điểm không thông báo trước cho dân chúng biết, đồng thời cắt ngắn chương trình.”[11] Ngọn đuốc bị cô lập và phải trốn chui trốn nhủi, chỉ vì nhân quyền chưa được tôn trọng tại Trung hoa.

Tóm lại, nhìn vào hai lớp người lãnh đạo trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, chúng ta mới thấy rõ tiêu chuẩn phân biệt mục tử đích thật của Chúa. Mục tử đích thực luôn hy sinh cho hạnh phúc con người. Còn những người lãnh đạo chuyên lạm dụng quyền bính để ăn cướp, giết chóc và phá hoại đều là những tên trộm cướp. Làm sao nhân loại có thể sống hạnh phúc và bình an giữa những tên trộm cướp như thế ?!

 

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho những lãnh đạo Giáo hội trên khắp thế giới. Xin Chúa ban cho các nhà lãnh đạo thế giới biết tôn trọng nhân quyền hầu mọi người được sống và sống dồi dào. Amen.

 

đỗ lực

13.04.2008

 

 

 

 



[1] http://www.zenit.org/article-22237?l=english

[2] Ibid.

[3] http://www.zenit.org/article-22232?l=english

[4] Life Application Study Bible, Zondervan, 1991:1897.

[5] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 574.

[6] Ibid., 66.

[7] Ibid., 453.

[8] Ibid., 410.

[9] http://www.vietcatholic.net/News/Html/53865.htm

[10] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/04/11/IssueOfTheWeek-Olympic_Torch_Relay_NKhanh/  

[11] Ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà