TÌNH YÊU NÀO CHO EM

(Ga 6:51-58)

 

 

Nhân dịp Italy kỷ niệm 30 năm công nhận quyền phá thai, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã đón tiếp Phong Trào Italy phò sự sống. ÐTC khẳng định : “Thực tế chúng ta phải nhìn nhận ngày nay bảo vệ sự sống con người thật là khó khăn, vì đã dần dần phát sinh một não trạng coi thường sự sống con người và giao phó sự sống đó cho cá nhân toàn quyền định đoạt.” Thế nhưng việc phá thai “không những không giải quyết các vấn đề đang làm cho nhiều phụ nữ và gia đình đau buồn, nhưng còn khơi sâu một vết thương khác trong xã hội chúng ta. Cần phải làm chứng một cách cụ thể rằng việc tôn trọng sự sống là hình thức công bình và phải được áp dụng trước tiên. Ðối với những người có đức tin, điều này trở thành một mệnh lệnh không thể trì hoãn […] Chỉ Thiên Chúa mới là Chủ sự sống. Người hiểu biết, yêu thương, đòi hỏi và hướng dẫn từng người […] và mỗi người đều từ trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa mà ra. ”[1] 

Giữa lúc xã hội coi thường mạng sống con người, chúng ta lại được chính Chúa Giêsu Thánh Thể mạc khải giá trị cao cả của sự sống. Sư sống cao cả đến nỗi Chúa đã phải hy sinh chính mạng sống và còn để lại Mình Máu Chúa hiện diện sống động giữa chúng ta. Lễ Mình Máu Thánh Chúa là cơ hội lớn nhất cho chúng ta tìm hiểu giá trị sự sống và vai trò Giáo hội trong việc bảo vệ sự sống ấy.

 

BÍ TÍCH TRUYỀN SINH

 

Sau khi nuôi sống hàng ngàn dân, Chúa Giêsu muốn mọi người thấy phép lạ đó như một lời mời gọi con người vượt qua của ăn vật chất mà tìm kiếm lương thực thiêng liêng nơi Thiên Chúa. Chúa Giêsu ban tặng “thịt tôi cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Sự sống quả là một tặng phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa !

“Những gì Chúa Giêsu nói (trong đêm lập Bí Tích Thánh Thể) không phải là lời nói suông, nhưng là một biến cố, một biến cố nằm giữa trung tâm lịch sử thế giới và cuộc sống mỗi người chúng ta.”[2] Chúa hiện diện thực sự và thường trực để bảo vệ giá trị cao cả của sự sống con người. Dù đã hạ mình làm thân bèo bọt mỏng mảnh của kiếp người, Chúa còn hạ mình thấp hơn nữa trong tấm bánh và giọt rượu để hóa thân làm người lần nữa trong các tín hữu. Ðể thực hiện được biến cố vĩ đại này, Chúa đã phải huy động tất cả sức mạnh Thần Khí để thực sự biến đổi bánh rượu, mà không tiêu hủy chúng.

Bởi đó, Thánh Thể là trung tâm phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Thể nói cho biết Thiên Chúa là ai trong cuộc đời chúng ta. Thánh Thể cũng mạc khải về bản chất con người và trách nhiệm chúng ta trong cuộc sống chung với tha nhân.

Thánh Thể cũng là trung tâm của niềm tin. Thánh Thể đề cao việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Ðức Giêsu đến cứu sống chúng ta. Thánh Thể tán dương việc Thiên Chúa để cho thân thể Chúa Giêsu bị bẻ ra và máu Người đổ ra cho chúng ta. Thánh Thể nhắc lại việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi Thần Khí đã làm cho Ðức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết để chúng ta có thể chia sẻ quyền năng và thừa hưởng sự sống vĩnh cửu như lời Chúa đã hứa.

Thánh Thể mạc khải  chúng ta được kêu gọi hành động hơn là chỉ rước Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Thể làm sáng tỏ sự thật chúng ta là – phải là – Mình Máu Chúa Kitô hy sinh cho nhau. Thánh Thể cho thấy rõ chúng ta được kêu gọi để  trở thành tấm bánh bẻ ra và chén máu đổ ra cho tha nhân, hy sinh cuộc đời để theo đuổi công lý, hòa bình, hòa giải, hòa hợp, tự do, sự sống và tình yêu. Khi công bố cái chết của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta phải quyết chí hy sinh cả cuộc đời, tài năng và nỗ lực tiếp nối công cuộc cứu độ của Chúa. Chúng ta được mời gọi chứng tỏ cho mọi người thấy chân giá trị của Bí Tích Thánh Thể khi tuân hành mệnh lệnh Chúa Giêsu bảo chúng ta “làm việc này để nhớ đến” Người. Không phải chỉ cử hành Thánh Thể vào ngày thứ nhất trong tuần, nhưng còn cung cấp, nuôi dưỡng và tha thứ cho nhau để trở thành Thánh Thể cho nhau mỗi ngày trong tuần nữa.

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô loan báo cho cộng đoàn Côrintô biết Thánh Thể là nguồn suối và là trung tâm của đời sống. Họ là một trong thân thể Chúa Kitô. Nếu biết đề cao chân lý này, họ nắm vững chìa khóa để nối các khác biệt lại với nhau.Thánh Phaolô làm việc cực nhọc để quy tụ một cộng đoàn đã bị xâu xé vì các lực lượng xa lạ với Thiên Chúa.

Trước công đồng Vatican II, lòng tôn sùng Thánh Thể chủ yếu tập trung vào “sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Phần lớn lòng đạo đức hệ tại những lần thăm viếng, chầu, rước kiệu Thánh Thể và làm “giờ thánh,” nơi Chúa Giêsu “đang chờ đợi, kêu gọi và đón chào những ai đến viếng thăm Ngài.”[3]

Từ công đồng Vatican II, có một sự hiểu biết sâu xa hơn về lòng tôn sùng Bí Tích Thánh Thể gắn liền với Thánh Thể trong Thánh Lễ. Giáo dân hiểu sâu xa hơn về Thánh Lễ với Hội Thánh như nhiệm thể Chúa Kitô. Thánh Thể tạo tác nên Hội Thánh, chứ Hội Thánh không tạo tác nên Thánh Thể. Quả thế, trong đêm bị trao nộp, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người” (Mc 14:22-24) quy tụ trong Nước Thiên Chúa. Máu người vô tội đã đổ ra cho tội nhân được tái sinh làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội. Thánh Thể đem lại cho chúng ta sự sống mới và tăng cường sức mạnh cho Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội.

 

SỰ SỐNG : MỘT GIÁ TRỊ CAO CẢ

 

Mỗi Thánh Lễ là một cuộc thánh hiến trọn vẹn của Chúa Kitô cho sự sống nhân loại, vì Chúa hiện diện đích thực, thường tại và hành động để thăng hoa cuộc sống và đổ tràn niềm vui từ cuộc sống vĩnh cửu cho muôn dân. ÐHY Alfonso López-Trujillo nói : “Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Sự Sống.  ‘Ta là Bánh Hằng Sống.  Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.’(x. Ga 6:47-58)[4] Máu Giao Ước của Người có sức mạnh cứu độ muôn người. Chúa đã phải chết để giành lại sự sống cho con người.

Sự sống thực sự là một giá trị vô cùng cao cả. Thực vậy, “trong Ðức Kitô, chính Thiên Chúa đã được mạc khải là Cha và là Ðấng ban sự sống. Cũng trong Ðức Kitô, con người đón nhận mọi sự như tặng phẩm từ tay Thiên Chúa một cách khiêm tốn và tự do. Họ thực sự chiếm hữu vạn vật khi nhận biết và cảm nghiệm rằng mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa.”[5] Thiên Chúa là nền tảng và lý do hiện hữu của vạn vật. “Không có Tạo Hóa, tạo vật sẽ biến tan.”[6]

Nơi Thánh Thể, chúng ta gặp thấy Ðấng tạo thành vạn vật (x. Ga 1:3). Ðỉnh cao trong công cuộc tạo dựng chính là sự sống con người. Bởi thế, Người đã không ngần ngại hy sinh mạng sống để dành lại tất cả cho con người. Ðến ngày tận thế, “Chúa Kitô sẽ trình lên Chúa Cha Vương quốc sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công lý, tình yêu và hòa bình.”[7]  Nhưng làm sao có thể có một Vương quốc lý tưởng như thế, nếu Chúa không tiếp tục hiện diện và hoạt động nơi trần gian ? Ðó là lý do tại sao Người lập Bí Tích Thánh Thể. Không có Thánh Thể, Giáo Hội không thể có sức sống để hoàn thành sứ mệnh cứu độ nhân loại.

Giáo hội hiện diện trên mặt đất như một nhắc nhở con người nhớ tới trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Lý do vì “giống Thiên Chúa tận yếu tính và sự sống, con người có liên hệ với Thiên Chúa một cách sâu xa nhất. Con người là một nhân vị được Thiên Chúa tạo dựng để sống trong tương quan với Người. Chỉ khi sống trong tương quan và hướng về Thiên Chúa, con người mới tìm thấy sự sống đích thực.”[8] Chính trên nền tảng đó, con người mới hiểu tại sao mình có trách nhiệm với sự sống của mình và người khác. Thật vậy, “tương quan với Thiên Chúa đòi phải coi sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm.”[9] Khi mất ý thức và xác tín đó, con người khinh thường và hủy diệt sự sống tha nhân và xúc phạm đến Thiên Chúa .

Ngày nay, tội ác tràn ngập trong xã hội đến mức đã ăn sâu vào truyền thống và các cơ chế. Thực tế đó là những tội xã hội. “Tội xã hội là mọi tội chống lại công lý đòi phải có trong tương quan giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đoàn, và giữa cộng đoàn với cá nhân nữa. Mọi hành động chống lại quyền con người, bắt đầu là quyền sống, gồm cả sự sống trong bào thai, chống lại sự toàn vẹn thân xác của cá nhân, hay chống lại sự tự do của tha nhân, đều được gọi là tội xã hội.”[10] Tham gia vào các tội xã hội đó có nhiều cách khác nhau và mức độ vi phạm cũng không giống nhau. Trong phạm vi gia đình, tội phá thai dẫn đầu. Ngoài xã hội, tồi tệ và quái đản nhất là tội diệt chủng và đàn áp tự do tôn giáo.

Thực ra, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, con người đều được kêu gọi và có bổn phận phục vụ, chứ không phải hủy diệt sự sống.[11] ÐGH Gioan Phaolô II từng nói : “Quyền sống là quyền trẻ em phát triển trong lòng mẹ từ lúc mới thụ thai; quyền sống trong một gia đình hiệp nhất và môi trường đạo đức để có thể tăng trưởng nhân cách.”[12] Nhưng hình như cả gia đình và xã hội cấu kết với nhau để phá hủy sự sống từ trong phôi thai. Phá thai “là một tội ác khủng khiếp và đặc biệt làm xáo trộn trầm trọng trật tự luân lý. Ðó không phải là một quyền, nhưng là một hiện tượng đau buồn góp phần nghiêm trọng vào việc gieo rắc não trạng chống lại sự sống, và cho thấy một mối đe dọa nguy hiểm chống lại một cuộc sống chung của xã hội trong công bình và dân chủ.”[13]

Làm sao có thể chữa trị não trạng chống lại sự sống đó, nếu không nhờ tới Thánh Thể ? Quả thực,“Bí Tích Thánh Thể dạy các gia đình và thúc đẩy họ bảo vệ sự sống.”[14] Nếu biết quy tụ bên Thánh Thể, gia đình sẽ hăng say bảo vệ cũng như tôn trọng sự sống vì khám phá ra Thánh Thể là nguồn mạch và thành trì bảo vệ sự sống. Ðó là lý do tại sao ÐHY Alfonso López-Trujillo khẳng quyết : “Hy tế Thánh Thể là chính hành động của Đức Kitô tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống cho chúng ta.  Mỗi khi họp nhau để tham dự Hy lễ này, chúng ta mừng sự sống chiến thắng sự chết, và như thế cũng chiến thắng phong trào phá thai. Phong trào phò sự sống không phải hoạt động cho chiến thắng mà hoạt động từ chiến thắng.  Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói ở Denver năm 1993, “Đừng sợ.  Kết quả của cuộc chiến phò sự sống đã được định đoạt.”  Công việc của chúng ta là áp dụng chiến thắng đã được thiết lập vào mọi phương diện của xã hội chúng ta.  Cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của công việc ấy.”[15]

Thực tế, phong trào phò sự sống gặp rất nhiều khó khăn, có lẽ vì chúng ta còn thiếu đức tin vào Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch sự sống ?

 

 

LÒNG MẸ HAY PHÁP TRƯỜNG ?

 

Không có điều gì chống lại con người cho bằng hủy diệt sự sống con người ngay từ trong lòng mẹ. Lòng mẹ trở thành pháp trường. Nhìn vào tình hình phá thai trên thế giới hôm nay, chúng ta phải bàng hoàng kinh sợ.

Trên toàn thế giới hàng năm có tới 42 triệu trẻ em bị giết trong bụng mẹ. Trung bình một ngày khoảng 115.000 vụ phá thai. Hầu hết các vụ phá thai xảy ra ở các nước nghèo (83%). Nơi các nước phát triển chỉ đạt tỷ lệ 17%. Thế nhưng riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm cũng có khoảng 1.370.000 vụ phá thai (1996). Từ năm 1973 đến 2002, Hoa Kỳ có 42 triệu vụ phá thai hợp pháp.

Tại Việt Nam càng ngày càng có nhiều phụ nữ tìm cách phá thai, vì phá thai được nhà nước coi như sách lược hàng đầu để kiểm soát sinh sản. Bởi thế, Giáo Hội càng phải cam go chiến đấu với não trạng chống sự sống đang thịnh hành tại Việt Nam.

Tỷ lệ phá thai tại Việt Nam cao nhất thế giới. Công khai có 83 vụ phá thai trong 1000 người mang thai. Nếu tính cả việc phá thai lén lút, con số lên tới khoảng 2 triệu trong một năm vụ phá thai, tỷ lệ 111 phần ngàn. Năm 1996 có 1.520.000 vụ phá thai.[16] Con số phá thai công khai có khuynh hướng tăng cao trong vòng hai thập niên qua. Tỉ lệ phá thai cao nhất từ năm 1976 và 1987, khi số phá thai công khai tăng gấp 10 lần, từ 70.281 đến 811.176 vụ (Goodkind, 1996). Theo thống kê mới nhất, có 1/3 những phụ nữ mang thai đã phá thai.[17]

Còn phụ nữ Việt Nam tại Hải ngoại thì sao ? Chưa có một thống kê chính xác và khoa học về vấn đề này. Nhưng “hiện nay tại Orange County, thủ phủ người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, có ít nhất 2 chương trình phá thai miễn phí được quảng cáo trên báo chí Việt ngữ. Và tính trung bình chỉ 1 trung tâm thôi con số những phụ nữ Việt Nam đến để phá thai có khoảng chừng 500 vụ mỗi tháng.”[18] Theo một bác sỹ sản phụ khoa hành nghề lâu năm tại Bệnh Viện Fountain Valley, nơi có nhiều sản phụ Việt Nam nhất Orange County, California, “người Việt Nam phá thai nhiều hơn đẻ.”[19] Trước sự thật ấy, ai còn dám hãnh diện về văn hóa dân tộc nữa không ?

Ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc sát nhân từ trong lòng mẹ, nếu không phải là chính người mẹ ? Còn đâu hình ảnh “lòng mẹ bao la như biển Thái bình”? Truyền thống đạo đức gia đình tới đâu ?

Nhìn vào số phá thai trên thế giới, có lẽ nhiều người càng bi quan hơn khi thấy 35,4% phụ nữ là Tin Lành, 31,3% là Công Giáo. Nói chung phụ nữ phá thai theo Kitô giáo chiếm gần 70%. Trong khi đó, các phụ nữ không có đạo chiếm 23,7% mà thôi.[20] Những sự kiện đó cho thấy giáo dân còn ít dấn thân theo Chúa Kitô tới mức nào.

Tới đây, cần tìm hiểu tại sao phụ nữ phá thai. Chỉ có 1% phá thai vì bị hãm hiếp hay loạn luân, 6% vì vấn đề sức khỏe của mẹ hay con, và 93% vì những lý do xã hội (nghĩa là có con ngoài ý muốn hay không thuận tiện).[21] Nói chung phụ nữ đưa ra ít nhất 3 lý do phá thai : 3/4  nói có con làm cản trở công việc, học hành hay những trách nhiệm khác. Khoảng 2/3  nói không thể nuôi con. Và 1/2 nói không muốn làm mẹ neo đơn hay đang có vấn đề với chồng hoặc bạn tình.[22] Nói tóm, phụ nữ phá thai chỉ vì không muốn hy sinh. Tính ích kỷ đã chiếm trọn con người và ảnh hưởng tới quyết định của họ.

Phải chăng đặt vấn đề như thế đã lỗi thời ? Ðây là câu trả lời của ÐGH Bênêđictô XVI : “Trên phương diện luân lý, đánh giá của Giáo Hội về vấn đề ly dị và phá thai là phân minh và thấu đáo: đó là tội nặng, vi phạm phẩm giá con người, kéo theo sự bất công sâu sắc trong quan hệ con người và xã hội, xúc phạm đến Thiên Chúa, Ðấng đảm bảo cho kết ước vợ chồng và Đấng tác thành sự sống.”[23] Nếu ý thức được việc phá thai nặng nề và nguy hại như thế, chắc chắn sẽ không còn ai dám phá thai nữa. Khốn nỗi dù biết là tội nặng, nhiều Kitô hữu vẫn phá thai, bất chấp tiếng nói lương tâm. Chắc chắn chẳng phụ nữ nào vui sướng phải đi đến quyết định phá thai. Thật vậy, theo ÐGH, “ly dị và phá thai là những chọn lựa (…) trong những tình thế khó khăn và nguy kịch. Ðó là nguồn mạch sinh ra đau đớn sâu thẳm nơi những người phải đưa ra quyết định đó. Nó tác động đến những nạn nhân vô tội: đứa trẻ bị giết trong lòng mẹ khi chúng chưa chào đời, trẻ em bị ảnh hưởng bởi ly dị.”[24]

Trước tình hình phá thai trên thế giới, Giáo Hội có thể làm được gì để chữa những vết thương trong tâm hồn phụ nữ và cứu những trẻ em vô tội ? ÐGH cam đoan :“Giáo Hội có bổn phận gần gũi, yêu thương và khéo léo đối với những người như vậy.”[25] Giáo Hội đây là ai, nếu không phải là các Kitô hữu ? Bởi vậy, tình trạng phá thai cũng nhắc Kitô hữu ý thức trách nhiệm dấn thân vào phong trào phò sự sống của Giáo Hội.

Hiện nay, có thể tìm thấy một mẫu dấn thân như thế nơi anh Tống Phước Phúc, một nhà thầu Công giáo sống ở Nha Trang. Ngày 13.07.2004, anh thuyết phục một cô gái từ bỏ ý định phá thai chỉ vì cô muốn giữ thể diện gia đình. Thế là anh đã cứu được một mạng người. Trong mấy năm trời, tổng cộng anh đã cứu sống 60 trẻ em thoát cảnh phá thai. Mặc dù găp nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, anh vẫn luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Hàng ngày anh đi lễ tại nhà thờ chánh tòa Nha Trang lúc 5:00 sáng.[26] Thánh Thể trở thành sức mạnh cho anh vượt qua tất cả trở ngại. Sở dĩ trở thành anh hùng cứu sống nhiều sinh mạng trẻ thơ, vì anh đã tìm được nguồn mạch tình yêu nơi Chúa Giêsu Thánh Thể. 

Khi chú giải Kinh thánh về Bí tích Thánh thể, tác giả Hurault viết : “Lịch sử không thể dừng lại. Không phải chỉ có tiến bộ kỹ thuật đẩy ta về phía trước, mà thật ra là những đòi hỏi công lý – phát sinh từ cái chết của một người vô tội (và Thiên Chúa là Ðấng Vô Tội) – không ngừng bắt ta phải  xét lại trật tự hiện hành. Cái chết của Chúa Kitô không cho phép chúng ta được yên ổn, không được nghỉ ngơi.”[27] Trong Thánh Lễ hàng ngày, Chúa Giêsu vẫn hy sinh để đẩy mạnh công cuộc tạo dựng nền văn hóa sự sống cho nhân loại.

Tóm lại, Thánh Thể đã đem lại sức sống cho nhân loại. Càng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, tâm hồn càng tràn đầy nhựa sống và niềm hy vọng. Hơn khi nào, gia đình cần phải đến với Thánh Thể để học hỏi cách sống hạnh phúc và bảo vệ sự sống cho mình và tha nhân.

 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa để chúng con có đủ sức mạnh chống lại  nền văn hóa  sự chết và làm cho nhân loại phục sinh trong tình yêu Chúa. Amen.

 

đỗ lực 25.05.2008

 

 

 

 

 

 

 



[3] Trích từ một lời nguyện.

[5] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 46.

[6] Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054.

[7] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 57.

[8] ibid., 109.

[9] Giáo Lý Công Giáo, 2258.

[10] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 118.

[11] x. Vatican II, Gaudium et Spes, 50-51 : AAS 58 (1966), 1070-1072.

[12] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 155.

[13] ibid., 233.

[15] ibid.

[19] ibid.

[21] ibid.

[23] La Croix 05/04/08. Trích lại từ VietCatholic News (Thứ Bảy 05/04/2008 10:20)

[24] Ibid.

[25] Ibid.

[27] Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, Kinh Thánh Tân Ước : Lời Chúa Cho Mọi Người 2005: 745


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà