SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVIII TN NĂM C

 

"Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” Qua câu hỏi này của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đoán chắc là tất cả 10 người đều đã lành sạch, nhưng chỉ có một người ngoại là quay trở về tạ ơn’. Câu chuyện làm chúng ta liên tưởng đến câu chuyện trong sách các vua thời tiên tri Êlisê : chỉ có Naaman người Syria được chữa lành bệnh phong cùi, trong khi ở Israel lúc ấy cũng có nhiều người bị chứng nan y này. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói rõ như thế. Và vấn đề mà Chúa Giêsu muốn đặt ra đó là lòng tin phải đưa người ta đến lễ tạ ơn. Nói đúng hơn lòng tin phải được tuyên xưng bằng hành vi tạ ơn Thiên Chúa. Bởi vì sự chữa lành là một ân huệ Thiên Chúa ban cho. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ, lễ tạ ơn này phải bao hàm sự nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất như Ông Naaman đã khẳng định :“ từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Chúng ta không phải là không nhìn nhận mình đã được lãnh nhận biết bao ơn lành Chúa ban, nhưng sự nhìn nhận ấy chưa đủ xác tín đến độ chúng ta hầu như chưa có lễ tạ ơn, và nếu có thì chũng chỉ là một hành vi rất tượng trưng, nó không đưa chúng ta đến sự nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất mà hầu như chúng ta cũng chỉ coi Chúa là một trong nhiều ân nhân của chúng ta. :  chúng ta còn rất khác với Naaman vì người này đã tuyên xưng "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”. Một niềm tin tuyệt đối và duy nhất không sẻ chia.

Thánh Phaolô đã phải đấu tranh rất nhiều để Tin Mừng Người rao giảng “Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất” được gìn giữ nguyên vẹn, vì không chỉ luật sỹ, biệt phái, tư tế hay những người Do Thái không nhìn nhận, mà ngay cả trong các tín hữu cũng đã có những người bị lung lay không còn tin mạnh mẽ vào Tin Mừng ấy, mà chiều theo những lời rao giảng mang nhiều sắc thái thế tục. Lời trong thư gởi môn đệ Timôthê, nói lên tình trạng đau buồn đó, vì nhiều tín hữu không còn tin Đức Giêsu đã sống lại, có nghĩa là họ không còn tin Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Họ bắt đầu đi tìm một chúa, một đấng cứu độ khác. Nhưng tin vào Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất thì tất yếu phải “cùng chết với Người” phải “kiên tâm chịu đựng” như chính thánh Tông Đồ “Vì Tin Mừng đó mà … phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác”. Nói cách khác niềm tin phải kèm theo việc tuyên xưng cách tuyệt đối vào Đức Kitô.

Từ niềm tin ấy, thái độ của kẻ tin phải có đối với thế gian là như thánh Tông đồ dám cam chịu mọi sự để làm cho mọi người “được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô” bởi vì chính Chúa Giêsu luôn đáp lại lời kêu cầu của mọi kẻ khốn cùng, bằng thi thố lòng thương xót cứu chữa, nhưng đồng thời qua đó Ngài mở ra cho họ con đường nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa. Và cũng chỉ vì quan điểm và cách sống như thế mà Ngài đã bị thế gian lên án tử hình. Nhưng khi từ trong kẻ chết sống lại, Ngài đã khẳng định đấy chính là cuộc sống hoàn hảo của niềm tin.

Đấy chính là điều phân biệt thế nào là niềm tin chân thực, với những thứ mê tín hay giả tạo. Kẻ tin đồng thời cũng là kẻ phải lòng chạnh thương anh chị em của mình bằng lòng bác ái chân thành để mở ra cho họ con đường nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.

Thực tế, chúng ta đã nghe biết anh chị em chúng ta ở các tỉnh phía bắc Miền Trung vừa phải chịu cơn lũ lụt khủng khiếp. Chúng ta tin vào Chúa ư. Hãy theo Chúa bày tỏ lòng chạnh thương cứu giúp anh chị em ấy, để họ cũng có thể tin và tôn vinh Thiên Chúa. Không thực thi bác ái lúc này, chúng ta đã chối bỏ Thiên Chúa là Tình Yêu.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc