SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 29 TN NĂM C.

Lời  Chúa hôm nay nói nhiều đến sự cần thiết và hiệu quả của LỜI CẦU NGUYỆN.

Cần thiết là vì đời sống con người dù là cá nhân hay cộng đoàn luôn có những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của bản thân, mà phải có sự “khoan giãn” thương xót và trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy thực tế đó trong câu chuyện Cựu Ước cũng như trong bài Tin Mừng. Câu chuyện Cựu Ước sẽ thế nào nếu Môsê không cầu nguyện, và nếu ông không được Aaron và Hur đỡ nâng 2 tay ông lên : vì mỗi khi ông chùn tay xuống thì quân Amalec lại thắng thế.

Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là cũng đã có rất nhiều sự cầu nguyện trong những hoàn cảnh mà con người hầu như là bất lực : chúng ta có thể kể ra đây những cuộc cầu nguyện thật cảm động ở đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội và nhiều nơi như Thái Hà, Đồng Chiêm, Loan Lý, Tam Tòa, Cồn Dầu… trong những năm tháng qua, thế nhưng sự việc xem ra lại trở nên tồi tệ hơn. Phải chăng cầu nguyện là không đủ, mà phải kết hợp với sự can đảm lên tiếng mạnh mẽ để tố giác những bất công…? Đó cũng là yêu cầu của nhiều người đã lên tiếng phê bình, thậm chí là chỉ trích sự im lặng của HĐGMVN, và lên án sự im lặng đó như là THỎA HIỆP, thậm chí ĐỒNG LÕA với những thế lực tối tăm để được an thân trong những ngai tòa của mình.

Câu trả lời là không phải thế.

Phải cầu nguyện, nhưng hãy xem Môsê cầu nguyện : Ông lên núi cao ở đó chỉ có Ông và 2 phụ tá, Ông giang tay lên… tất cả cho thấy một sự tìm kiếm Thiên Chúa và chỉ một mình Người. Ông cầu nguyện vì sứ mệnh Ông nhận nơi Chúa là dẫn dắt dân về hứa địa và giờ đây sứ mệnh đó không thể thực hiện được do những trở lực trước mắt. Ông cầu nguyện để xin Chúa thực hiện điều Người muốn cho ông và qua ông. Đúng như sau này Chúa Giê Su dạy môn đệ cầu nguyện “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Sự cầu nguyện như thế đòi hỏi Ông phải tách mình ra khỏi thế gian lên núi thanh vắng để được nhận biết và xác tín hơn vào ý Chúa. Và đó chính là điều Chúa Giêsu đã phải thốt lên “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Cũng vì thế Chúa bảo môn đệ “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh”.

Hiệu quả của lời cầu nguyện tùy thuộc vào lòng tin tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng ta nương tựa và trú ẩn. Chính Chúa đã nói “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.” Thật là phản Tin Mừng khi cầu nguyện là để đòi công lý ở trần gian, đòi những thay đổi về cơ chế, về luật lệ, về đất đai… Đức Giêsu cầu nguyện rất nhiều nhưng không có lời cầu nguyện nào của Người nhằm thay đổi trật tự xã hội đương thời, Thánh Phaolô trong tất cả các thư của ngài, cũng không thấy lời chỉ dạy nào phải cầu nguyện để thay đổi cơ cấu, tổ chức xã hội. Và nếu có lên tiếng thì lời rao giảng của các Ngài cũng chỉ nhằm hoán cải lòng trí các tín hữu để họ biết xây dựng một cộng đoàn yêu thương như là lời mời gọi và chứng tá của trật tự mới trong Đức Kitô. Thánh Tông Đồ khuyên người môn đệ “Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Với những suy nghĩ cùng với Lời Chúa trên, giờ đây chúng ta đi vào lời cầu nguyện long trọng và khẩn thiết nhất của Chúa Giêsu : đó là hiến lễ Thánh Thể. Chúng ta thấy được sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, tìm thể hiện Ý Cha, đồng thời cũng là lời cầu nguyện chỉ nhằm hiến thánh môn đệ, đưa họ vào nỗ lực xây dựng một xã hội an bình hiệp nhất và yêu thương.

Lm. Giuse Bào Lộc