(Lời Chúa thứ 7 tuần 29 TN)

"Thưa Ông, Xin Để Cho Nó Một Năm Nay Nữa, Tôi Sẽ Đào Đất Chung Quanh Và Bón Phân: May Ra Nó Có Quả Chăng, Bằng Không Năm Tới Ông Sẽ Chặt Nó Đi".

Vào thời Chúa Giêsu, người ta cũng đã thường loan truyền cho nhau những tin xấu như bài Tin Mừng cho thấy : tin về Philatô giết mấy người ngay nơi giết chiên hiến tế của Giêrusalem. Chắc họ có ý cho Chúa biết sự tàn bạo và bất công của chính quyền đô hộ. Và ngầm ý yêu cầu Chúa phải tỏ thái độ đối với bạo quyền để cứu dân. Để trả lại cho xã hội CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT. Đó cũng là điều một số người đang nhân danh TIN MỪNG yêu cầu Giáo Hội Việt Nam cách riêng HĐGMVN phải lên tiếng và tranh đấu cho CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT. Nhưng họ không còn chỉ là tường thuật, hay ngầm ý, mà đã gay gắt lên tiếng đòi hỏi Giáo Hội thậm chí còn phê bình, chỉ trích và lăng mạ các Giám Mục là cầu sự an thân và ngai tòa của mình.

Thế nhưng họ lại không đọc tiếp Tin Mừng để thấy Chúa Giêsu thay vì chiều theo ý họ, ngược lại đã đòi hỏi chính họ phải sám hối, phải hoán cải, nếu không cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Và đấy cũng chính là một chân lý trong toàn bộ Kinh Thánh. Mặc dù Dân Chúa xem ra luôn phải đối diện với những tai họa do những thế lực của tối tăm, của cường quyền ác bá, của những đế quốc bạo tàn, nhưng Kinh Thánh luôn quy kết nguyên nhân là do Dân Chúa tội lỗi và bỏ đàng công chính. Nên Kinh Thánh là một tiếng vang liên tục mời gọi, thúc bách, nhắc nhở Dân Chúa phải Sám Hối, và hầu như không một lời kêu gọi họ phải “đối đầu”, phải “tiêu diệt” phải “loại bỏ” kẻ thù, như là một số người đang nhân danh Tin Mừng đòi hỏi Giáo Hội.

Và nếu cần phải biết lúc này Giáo Hội Việt Nam phải làm gì thì xin đọc thư thánh Phaolô yêu cầu “mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa” đừng để mình bị “lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm” và nhất là phải “thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Đức Kitô là đầu.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc