(Lời Chúa thứ 3 tuần 30 TN)

Nước Đó Giống Như Tấm Men Mà Người Đàn Bà Kia Lấy Bỏ Vào Ba Đấu Bột, Cho Tới Khi Tất Cả Khối Đều Dậy Men

 

Để hiểu được hình ảnh Tấm Men trong bài Tin Mừng chúng ta có thể thấy trong thư thánh Phaolô hôm nay một trường hợp rất điển hình. Xã hội thời thánh Phaolô là xã hội trọng nam khinh nữ, và trong đời sống gia đình quyền của người chồng, người cha hầu như là độc đoán thậm chí có quyền sinh sát vợ con nữa. Nhưng thay vì kêu gọi hay dẫn đầu những cuộc biểu tình hay xuống đường, thay vì những buổi “thắp nến cầu nguyện”, thánh Phaolô mời gọi tín hữu hãy sống mầu nhiệm yêu thương của Chúa Giêsu đối với hiền thê của mình là Hội Thánh. Mầu nhiệm ấy lại xoay quanh hai chữ VÂNG PHỤC. Không chỉ có người vợ vâng phục chồng, con cái vâng phục cha mẹ, mà nền tảng của sự vâng phục ấy chính là SỰ VÂNG PHỤC CỦA CHÍNH ĐỨC KITÔ. Sự vâng phục của Tình Yêu : vì yêu thương Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thánh Giá. Như thế gia đình, hay Xã Hội Giáo nhờ đức Vâng Phục đã thay đổi tận căn cái trật tự của Gia Đình cũng như của Xã Hội trong trật tự của Tình Yêu.

Trong cái trật tự mới này người chồng hay người cha thay vì áp đặt những ý muốn của mình trên vợ con, họ sẽ tận sức để làm cho vợ con trở nên ngững con người thành toàn trong Đức Kitô “Vinh Quang, Không Vết Nhơ, Không Nhăn Nheo, Hay Phải Điều Gì Khác Tương Tự, Nhưng Thánh Thiện Và Vẹn Tuyền”, điều ấy đòi người chồng và người cha phải “Phó Mình” vì vợ con.

Cũng trong cái trật tự mới này người vợ, người con sẽ vâng phục chồng, cha mình nhưng là sự vâng phục của tình yêu : chấp nhận để được thánh hóa bởi tình yêu.

Một gia đình như thế sẽ là lời chứng có khả năng thay đổi xã hội chung quanh họ nhờ sức mạnh của chính Tình Yêu Thiên Chúa nơi họ. Và đó là con đường phát triển của Tin Mừng để làm nên một cuộc canh tân và đổi mới xã hội. Nó hoàn toàn độc đáo và riêng biệt khác với mọi chủ trương và đường lối cách mạng của thế gian.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc