SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 TN NĂM C

 

Lời Chúa hôm nay tập trung vào đề tài lòng thương xót của Chúa, cách riêng đối với các tội nhân.

Ngay từ thời cựu ước, khi chiêm ngưỡng sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, tác giả sách khôn ngoan đã khẳng định “Vì Thế, Những Ai Sa Ngã, Chúa Sửa Dạy Từ Từ. Chúa Cảnh Cáo Họ, Nhắc Cho Họ Nhớ Họ Đã Phạm Tội Gì, Để Họ Bỏ Điều Ác Mà Tin Vào Chúa”. Xem ra đúng như nhận định của tác giả “Chúa Xót Thương Hết Mọi Người”. Đây chính là điều khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Con người chúng ta khi đứng trước những kẻ tội lỗi, những người làm điều ác, ít khi chúng ta muốn cho họ có một cơ may hoán cải, chúng ta muốn tận diệt đến tận gốc rễ. Và chúng ta thường phê phán những ai tỏ sự bao dung muốn đối thoại với họ là những kẻ đồng lõa, những người thỏa hiệp và đích thật là những kẻ hèn nhát phản bội công lý. Đó là điều chúng ta có thể đọc thấy trên mạng lưới thông tin toàn cầu hôm nay.

Nhưng tác giả sách khôn ngoan mạc khải cho chúng ta thấy “Vì Chúa Làm Được Hết Mọi Sự” nên Chúa mới thương xót và khoan giãn với mọi kẻ ác. Nhưng điều còn lớn lao hơn nơi Chúa chính là vì “Chúa Yêu Thương Mọi Loài Hiện Hữu”, vì chính Chúa đã tạo dựng nên chúng bởi tình yêu nên Người “Không Ghê Tởm Bất Cứ Loài Nào Chúa Đã Làm Ra” và vì Người “Là Đấng Yêu Sự Sống”.

Và tác giả sách khôn ngoan đã khám phá ra cách thế đối diện với người ác đó là tin tưởng vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa để CẦU NGUYỆN để “Sinh Khí Bất Diệt Của Ngài Ở Trong Muôn Loài Muôn Vật”.

Câu chuyện ông Giakêu trong Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đến trong thế gian là để hoàn tất điều đã mạc khải trong sách khôn ngoan khi Người khẳng định “Con Người Đến Để Tìm Và Cứu Những Gì Đã Mất”.

Nếu có thể nói mọi người đương thời với Chúa Giêsu đều coi Giakêu và các người thu thuế là quân gian ác, chạy theo ngoại bang để có cuộc sống giàu sang, và bóc lột đồng bào của mình. Vì theo chế độ thuế khóa của Roma lúc đó. Tiền thuế ở một địa phương được đem ra đấu thầu, người trúng thầu sẽ nộp cho Roma một khoản tiền theo hợp đồng thầu, và có toàn quyền định mức thuế thu lại trên dân. Nên thường mức thuế này rất cao. Nên đa số dân chúng ghét cay ghét đắng bọn tham quan ô lại này. Thế mà riêng Chúa Giêsu lại muốn trở nên thân thiết với Giakêu khi gọi ông “Này Ông Da-Kêu, Xuống Mau Đi, Vì Hôm Nay Tôi Phải Ở Lại Nhà Ông!” Lập tức Chúa Giêsu bị dân chúng phản đối. Nhưng Chúa Giêsu đã cho thấy sự lựa chọn của Người là CÔNG LÝ vì Giakêu đã bị cảm kích bởi lòng thương xót của Chúa, đã mau mắn hoán cải và tuyên bố “Thưa Ngài, Đây Phân Nửa Tài Sản Của Tôi, Tôi Cho Người Nghèo; Và Nếu Tôi Đã Chiếm Đoạt Của Ai Cái Gì, Tôi Xin Đền Gấp Bốn.” Trong thái độ của Chúa Giêsu còn có một điều đòi hỏi chúng ta phải khám phá và tìm hiểu khi Chúa nói đến một lý do cuối cùng cho sự lựa chọn của Chúa khi Người tuyên bố “Bởi Người Này Cũng Là Con Cháu Tổ Phụ Áp-ra-ham”. Điều đó có nghĩa gì nếu không phải là sự trung thành của Chúa với Giao Ước Ngài đã thiết lập với Abraham khi tuyển chọn dòng dõi Ông là Dân Riêng được Ngài yêu thương? Và như thế Chúa đòi hỏi chúng ta phải nhìn mỗi người dù họ là ai và như thế nào theo sự kêu gọi và tuyển chọn của Chúa trong Giao Ước mà Ngài thiết lập với Dân Chúa. Dân ấy ngày nay chính là Giáo Hội của Đức Kitô. Trong thong điệp Ecclesiam Suam Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã hình dung Giáo Hội của Chúa như là những vòng tròn đồng tâm, mà ngay cả những người vô thần cũng là một trong những vòng tròn ấy.

Tuy nhiên cũng như đa số những tín hữu của cộng đoàn Thessalonica của thánh Phaolô, chúng ta cũng đang bị nhấn chìm trong những hoàn cảnh quá nhiều bất công gây nên những tâm trạng chán sống, và muốn mau được Chúa đến để biện phân và phân xử cho chúng ta. Và nhiều người lợi dụng tâm trạng đó để tung ra những tin đồn : như sắp có 3 ngày 3 đêm tối tăm bao phủ trước ngày Chúa Quang Lâm : Tận Thế đến nơi rồi. Chúng ta đừng để mình bị phỉnh gạt. Bởi vì Ngày Chúa đến thì ngay cả các Thiên Thần cũng chẳng biết, vì ngày đó nằm trong ý định nhiệm mầu của mình Chúa Cha. Và vì thế Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải cố gắng để được vinh quang trong ngày đó. Muốn thế phải CẦU NGUYỆN “Xin Thiên Chúa Chúng Ta Làm Cho Anh Em Được Xứng Đáng Với Ơn Gọi”, và nhất là phải để Chúa Giêsu được tôn vinh nơi chúng ta. Và như thế chúng ta sẽ “Được Tôn Vinh Nơi Người, Chiếu Theo Ân Sủng Của Thiên Chúa Chúng Ta Và Của Chúa Giê-su Ki-tô.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc