SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MV NĂM A

“Hãy Ăn Năn Thống Hối, Vì Nước Trời Gần Đến”

 

Lời kêu gọi của Thánh Gioan Tiền Hô cũng là lời kêu gọi của chính Chúa Giêsu và của Hội Thánh mỗi khi thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Căn cứ vào những gì Thánh Gioan nói sau đó trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể hiểu nội dung hàm chứa trong lời kêu gọi ấy :

1.     Kêu gọi dọn và sửa đường cho Chúa đến. Lời mời gọi này buộc chúng ta phải trở về với thưở khai nguyên : Thiên Chúa vẫn thường xuống đi dạo trong vườn và chuyện trò với nguyên tổ, ban cho họ những huấn lệnh để định hướng cuộc sống thường ngày của họ. Nhưng khi nguyên tổ phạm tội, họ bị đuổi ra khỏi địa đàng, và Thiên Chúa không còn đến với họ. Chính tội lỗi đã cắt đứt tương quan với Thiên Chúa. Và chỉ những con người như Noe, Abraham, Đavid… những con người biết quay lưng lại với tội lỗi mới có thể gặp được Thiên Chúa. Như thế, dọn đường cho Chúa đến chính là một nỗ lực dứt khoát với tội lỗi.

Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 có thể nói cũng tập trung vào nỗ lực làm thế nào để Giáo Hội Việt Nam “phải canh tân chính mình với những nhận định về thực trạng của mọi thành phần Dân Chúa, để đề xuất những định hướng cho việc giáo dục và đào tạo các thành viên của mình hầu có thể đáp ứng với “sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu: “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14),

2.     Kêu gọi để Chúa Thánh Thần tác động. Tiên tri Isaia đã nói về Đấng Cứu Độ : “Trên Bông Hoa Ấy, Thần Linh Của Thiên Chúa Sẽ Ngự Xuống”, Ngài sẽ xét xử bằng tất cả sự “khôn ngoan, thông suốt, hiểu biết, sức mạnh, đạo đức, và kính sợ” của Thánh Thần. Thánh Gioan Tiền Hô cũng khẳng định “Đấng Ấy Sẽ Rửa Các Ngươi Trong Chúa Thánh Thần Và Lửa”. Trong Sứ Điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 có đưa ra một nhận định về xã hội mà Giáo Hội đang hiện diện : “Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết.” Và điều đó ảnh hưởng không ít tới ngay lối sống của chính Giáo Hội. Vì thế Đại Hội mời gọi  Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình” [6], nên hơn ai hết, người công giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội [7], nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.” Đó chính là nếp sống theo tác động của Chúa Thánh Thần là “Đấng Ban Sự Sống” và “Tình Thương”. Và đó cũng là điều mà thánh Phaolô mời gọi khi viết “Anh Em Hãy Tiếp Rước Nhau Như Chính Chúa Giêsu Đã Tiếp Nhận Anh Em, Để Làm Rạng Danh Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đón nhận chúng ta trong Thánh Thần, để đổ vào lòng chúng ta sự thánh thiện, tình yêu của Thánh Thần, hầu giúp chúng ta kiến tạo một vương quốc yêu thương và an bình như tiên tri Isaia loan báo.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc