SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

 

Bài sách CVCTĐ cho chúng ta một quang cảnh hoàn toàn trái nghịch với quang cảnh dưới chân tháp Babel xưa. Và xác định vai trò của Chúa Thánh Thần : là liên kết mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ nên một DÂN DUY NHẤT. Công Đồng Vaticanô 2 trong HCTLVGH số 7 viết “Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ”. Điều này được Thánh Phaolô diễn tả mạnh mẽ và cụ thể hơn Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Sứ vụ của Chúa Thánh Thần phù hợp với bản tính của Người là Tình Yêu của Cha và Con trong một bản thể duy nhất. Do đó không thể nói bất cứ điều gì là công trình của Chúa Thánh Thần nếu nó hàm ý sự loại trừ, sự phân rẽ, và bài bác.

Tuy nhiên theo bài Tin Mừng Chúa Thánh Thần theo đuổi mục đích hợp nhất bằng “tha thứ và cầm giữ” : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Nhưng đối tượng của việc tha thứ hay cầm giữ đó là tội lỗi, vốn là nguyên nhân sâu xa nhất của sự loại trừ, phân rẽ và bài bác. Một khi con người được giải thoát khỏi tội lỗi, con người mới có thể đi vào sự hợp nhất. Theo thánh Gioan thì Chúa Thánh Thần khi được sai đến “Ngài sẽ tố giác thế gian về tội lỗi…” Nhưng nếu thế gian vẫn cố chấp trong tội thì nó phải chết trong tội. Và ở đây, Chúa Giêsu đã trao quyền tha thứ và cầm giữ cho các Tông Đồ.

Trong những ngày tháng qua trên “mặt trận” truyền thông người ta vô tình hay hữu ý muốn dành lại cho cá nhân hay tập thể mình quyền tài phán này, nhắm tới sự phản kháng quyền tài phán của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh! Khi Tòa Thánh không đáp ứng mà còn can thiệp không cho Giáo Hội địa phương can dự vào những tranh chấp xã hội hay chính trị như người trần thế và theo cách thức của thế gian.

Trong một bài báo nọ, một ông Tiến Sỹ đã phân tích “một đầu, mà 2 mặt” : nói về Đức Giáo Hoàng vừa là đứng đầu Tòa Thánh, vừa là Quốc Trưởng của nước Vatican. Và vì không được học làm chính trị, nên Quốc Trưởng Vatican đã sai lầm và thất bại thảm thê trong vụ việc thay đổi nhân sự cho Tòa TGMHN. Và ông ta nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã khẳng định “nước ta không thuộc về thế gian này” để cho thấy việc thành lập nước Vatican là đi ngược lại ý Thiên Chúa, nên cần bãi bỏ đi. Ông Tiến Sỹ ấy đã có cái hiểu biết quá nông cạn về quốc gia Vatican. Thực sự “tuy chúng không thuộc về thế gian, nhưng còn ở lại trong thế gian” và Vatican chính là điểm bé nhỏ tối thiểu để chúng còn có thể ở lại trong thế gian, và chỉ cần có thế, không cần hệ thống chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội… vì sứ vụ của Đức Giáo Hoàng đã được Chúa Giêsu nói rất rõ “con hãy củng cố đức tin của anh em con” và “quyền tài phán” trên tội lỗi. Vatican có là vì thế gian chỉ muốn cho Giáo Hội có một mức tối thiểu những điều kiện để có được tự do trong sứ vụ riêng biệt thiêng liêng của nó. Và đúng như Đức Tổng Giuse khẳng định, việc thay đổi nhân sự ở tòa TGMHN “chỉ vì lợi ích của Giáo Hội và của chính TGP Hà Nội.”chứ không phải là vấn đề chính trị. Nếu tội lỗi và satan có muôn vàn cách len lỏi vào thế gian, và nó được sự tiếp tay của bao thế lực trần gian, thì ngược lại Giáo Hội chỉ có Một Thánh Thần đốt lên lửa hiệp nhất để tiêu hủy tội lỗi trong thế gian, kể ngay cả giữa lòng kẻ thù ghét Giáo Hội, thì mọi người của Giáo Hội chỉ là của Giáo Hội nếu luôn giữ được ngọn lửa hiệp nhất ấy như là tiếng nói uy quyền của quyền tài phán mà Chúa Thánh Thần tác động. Dù chỉ có một Thánh Thần, nhưng Giáo Hội tin rằng không có thế lực nào có thể tiêu diệt Giáo Hội ngay cả lúc Vatican chỉ là một cái hang toại đạo.

 

Lm Giuse Bảo Lộc.