SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 16 NĂM C TN

“MARTHA RƯỚC NGƯỜI VÀO NHÀ MÌNH”

 

Lời Chúa hôm nay đều xoay quanh chủ đề PHỤC VỤ.

1.    “Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy”. Đó là Abraham, con người hiếu khách với tất cả sự khiêm tốn khó gặp nơi nhân thế: "Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây.5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây! " Và sau khi được khách chấp nhận, ông nói với vợ làm bánh, bản thân ông đi bắt bê giao cho đầy tớ nấu và ông đứng hầu cho khách ăn uống. Qủa thực ông rất chu đáo và đầy lòng kính trọng đối với khách. Ông phục vụ đến từng chi tiết để khách được cảm thấy như ở nhà mình. Chắc chắn chúng ta phải học nơi ông mẫu mực tiếp đón khách đến nhà.

2.    “Martha bận rộn với việc thết đãi khách”. Martha đã rước Người vào nhà và chị tất bật phục vụ. Chị rất quý mến và kính trọng khách coi như người thân trong gia đình, nên sau này khi Lazarô em của chị lâm bệnh nặng, chị cũng cho người báo tin cho Chúa. Chắc chắn sự tiếp đón của chị chan chứa tình cảm đối với khách. Và điều đó cũng là gương mẫu cho chúng ta. Xem ra Chúa Giêsu còn muốn chị phải dấn thân hơn nữa cho SỰ PHỤC VỤ MỚI : PHỤC VỤ LỜI. Vì thế Chúa mới nói với chị "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

3.    “tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa”. Phần tốt nhất mà Maria em của Martha đã chọn chính là nghe Lời Chúa. Theo Thánh Phaolô thì đó là mầu nhiệm được giữ kín từ bao thế hệ, và nay Chúa Giêsu đã tỏ ra cho dân Thánh. Chắc chắn Lời Chúa không chỉ để nghe, mà Lời còn phải được loan báo để “nhờ đó mọi người được nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô”. Sự Phục Vụ Lời là một ân huệ của Thiên Chúa, chứ không thể tự mình chiếm đoạt. Và sự phục vụ này còn vất vả hơn nhiều so với việc phục vụ tiếp đón và đãi khách. Thánh Phaolô không ngần ngại nói thẳng ra rằng đó là “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”. Sự phục vụ Lời đòi hỏi phải “đem tất cả sự khôn ngoan mà dạy dỗ”. Và lịch sử Giáo Hội đã khẳng định, tất cả những ai Phục Vụ Lời đều chịu nhiều gian nan thử thách, cùng với sự bắt bớ và cả sự chết, nhưng đồng thời cũng là vinh quang và hạnh phúc.

4.    Ngày nay việc Phục Vụ Lời vẫn là một nhu cầu cấp bách ở mọi nơi. Ngay cả những nơi đã có hằng ngàn năm bén rễ trong căn tính Kitô giáo cũng cần phải được tái rao giảng Tin Mừng. Và ngay ở thời đại này vẫn có nhiều sứ giảng Tin Mừng bị giết, bị hành hạ, bị xỉ nhục và lăng mạ. Thậm chí có cả những tập đoàn thế lực trần gian liên kết với nhau để chống lại tiếng nói của Tin Mừng. Nhưng như thánh Phaolô xác tín và khẳng định “Đức Kitô là niềm hy vọng vinh quang.” Vì thế người Kitô được kêu gọi hãy can đảm và kiên trì Phục Vụ Lời Hằng Sống.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc