SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 17 TN NĂM C

 

ĐỨC CHÚA phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết." Chúng ta đang sống trong năm thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, một năm mà từ Đức Giáo Hoàng Bênêđichtô 16 đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đều mời gọi Giáo Hội Việt Nam SÁM HỐI như là tiền đề để tiến vào tương lai tốt đẹp thì Lời sách Sáng Thế trên đây khẳng định đó là một thái độ cần thiết vì chính Thiên Chúa cũng luôn đòi hỏi như thế không chỉ riêng cho Sôđôma và Gômôra mà cho hết mọi nơi mọi thời.

Trong cử hành sám hối ngày khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện Đức Cha chủ sự đã thay mặt GHVN lên tiếng sám hối cách chân thành và đầy cảm xúc. Tuy nhiên sự sám hối mà Thiên Chúa chờ đợi không chỉ là “lời xin lỗi” dù trang trọng và tha thiết, nhưng toàn văn câu chuyện Sách Sáng Thế nhấn mạnh đến “NGƯỜI CÔNG CHÍNH” như là yếu tố thiết yếu mang lại sự tha thứ. Abraham đi từ con số 50, rồi 45, rồi 40, rồi 30 rồi 20 thậm chí chỉ có 10 người công chính ở đó để cầu xin sự tha thứ, và đều được Thiên Chúa chuẩn nhận. Nhưng sự thật vẫn không có được, và 2 thành đều đã bị tàn phá.

Vậy thế nào là NGƯỜI CÔNG CHÍNH. Theo Thánh Kinh thì đó là người sống nhờ TIN VÀO SỰ TRUNG THÀNH CỦA THIÊN CHÚA VỚI ĐỨC ĐẠI NGHĨA của Ngài. Nói cách khác, người công chính nhận biết sự yếu hèn tội lỗi của mình nhưng họ phó thác đời mình cho sự tha thứ yêu thương bền vững của Thiên Chúa, để tình yêu ấy biến đổi.

Đó là sự khác biệt hoàn toàn với những tiếng nói gay gắt phê bình và muốn thay đổi thậm chí ngay cả những cơ cấu thượng tầng của GHVN bằng cách phải loại trừ, phải cô lập những nhân vật mà họ cho là sai trái bằng mọi thủ đoạn.

Giáo Hội phải sám hối, vì ôm trong lòng mình những tội nhân, nhưng không phải là tiêu diệt họ, nhưng là dẫn họ vào ĐỨC ĐẠI NGHĨA của Thiên Chúa. Bằng cách khiêm tốn nhưng nhiệt thành loan báo và làm chứng cho TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Ở đây Đức Đại Nghĩa của Thiên Chúa đoan chắc “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm. Điếu này khơi dậy và khích lệ cho Giáo Hội kiên trì trong đường hướng mục vụ của mình để tìm kiếm và đào tạo nên những người công chính dù chỉ được một thiểu số nhằm cứu vớt mọi người.

 

“Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.” Qua lời này Thánh Phalô đã chỉ rõ định hướng mục vụ của Giáo Hội : là giúp người ta được cùng sống với Đức Kitô. Chắc chắn rằng ngày hôm nay Đức Kitô đang gắn bó với những con người nghèo khổ nhất cả về tinh thần lẫn thể xác, nhưng cũng như xưa, Chúa không cầm đầu họ để đi làm cách mạng chính trị hay xã hội, nhưng Ngài cùng họ tiến đến Ngai Tòa lòng thương xót của Cha trên trời trên Thánh Giá. Để như thánh Phaolô viết “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.”

 

Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? " Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cách sung mãn từ Chúa Giêsu trên Thập Giá, thánh Gioan đã chứng kiến Nước và Máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người. Nhưng  Giáo Hội chỉ có thể nhận được Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần sau một thời gian dài cầu nguyện có sự hiện diện của Mẹ Maria, Đấng được xưng tụng là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần đã biến đổi các môn đệ cách toàn diện, để họ đi khắp tận cùng trái đất loan báo mầu nhiệm yêu thương của Chúa. Qua nỗ lực của các môn đệ đem ơn Thánh Thần đến, mà thế giới quyền lực hung bạo đã lùi xa nhường chỗ cho một thế giới huynh đệ, làm nên nền văn minh rực rỡ. Trong khi bản thân các thế hệ môn đệ vẫn kế tục phải bước lên Thánh Giá.

Trong suy nghĩ đó, mỗi khi bóng Thánh Giá lấp phủ trên Giáo Hội, thì những môn đệ chân chính vẫn giữ được tinh thần bao dung, can đảm, hiền hòa và bình an để sung sướng lãnh nhận, vì biết rằng chính nhờ chịu đóng đanh, mà thế giới được biến đổi nên thế giới văn minh của tình thương. Giáo Hội không phản kháng, Giáo Hội không hận thù, Giáo Hội không gạt bỏ, nhưng Giáo Hội khiêm tốn loan báo ơn tha thứ. Sự im lặng của Giáo Hội trước mọi bất công và thù hận chính là sự cầu nguyện cùng với Mẹ Maria để Thánh Thần được trao ban. Giáo Hội tin rằng không phải là những sự vùng lên của ý chí đấu tranh chống phá nghịch cảnh, nhưng nhưng tin chỉ có Thánh Thần mới trả lại sự công bình và an hòa cho người nghèo khổ. Chính vì thế các vị chủ chăn của Giáo Hội kiên quyết dùng một nếp sống CẦU NGUYỆN CÙNG NHỮNG HY SINH để săn sóc đoàn chiên.

Người thế gian không bao giờ hiểu được chân lý đó, nên họ phê phán Giáo Hội là nhu nhược, là thỏa hiệp, là sợ hãi, là tham quyền cố vị để mặc đàn chiên bị đánh tan tác.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu độ trần gian

 

Lm. Giuse Bảo Lộc