“SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI”

 

Những bài Kinh Thánh Thánh Lễ này đặt ra cho chúng ta sự hiểu biết cần có về tương quan XÁC-HỒN, tương quan “thế gian-Nước Trời” trong đời sống Đức Tin.

Chúng ta đọc được trong bài sách Khải Huyền sự đối diện giữa “Người Nữ” và “Con Rồng”, một sự đối diện như là một “đối đầu”. Người nữ sắp sinh con kêu la và đau đớn nhưng vì Bà mặc áo mặt trời “công chính”, vì Bà mang trên đầu mình vinh quang của “mười hai” chi tộc Israel nên sau khi sinh nở, Bà được vào nơi Thiên Chúa dành sẵn cho mình. Và cho dù con rồng có sức mạnh khủng khiếp vẫn không thể nuốt trửng người con sinh ra, vì người con ấy được mang về cùng Thiên Chúa. Trong cách nhìn ấy của Kinh Thánh, cuộc đời của kẻ tin ở trần gian này dù cũng mang nhiều quằn quại đau thương cả xác lẫn hồn, nhưng nếu họ mặc lấy “sự công chính” và thân phận của Dân Thiên Chúa, chắc chắn họ cũng đến nơi Thiên Chúa dành cho những kẻ trông cậy Người: một nơi của “cứu độ, quyền năng và vương quyền”.

Những sự kiện gần đây xẩy ra cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta có thể thấy phần nào tính chất của sự “đối diện” hay “đối đầu” ấy giữa Xác-Hồn, Thế gian-Nước Trời”. Chỉ cần nhìn sự kiện Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đi nước ngoài nghỉ dưỡng chữa bệnh và việc Ngài trở về Châu Sơn mấy ngày qua, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được điều đó. Sự kiện người đi mà nhiều người trong quan điểm thế gian cho là sự ra đi tức tưởi, sự ra đi như bị lưu đầy, sự ra đi do những toan tính đen tối của nhóm này nhóm kia…thậm chí của cả Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam…trong khi chính Người đã ra đi chỉ là vì lợi ích của Dân Chúa, cũng như lợi ích cho bản thân (chữa bệnh), và chẳng có toan tính sắp đặt nào, vì hôm nay Người đã về trong khỏe mạnh và bình an, về nơi để tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội, cho quê hương. Đi và Về của Người chỉ nhằm cho sự “cứu độ, quyền năng và vương quyền Thiên Chúa” được bày tỏ cho mọi người.

Chúng ta cũng đọc được trong thư gởi tín hữu Corintô của Thánh Phaolô sự xác tín rằng “mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô”, với điều kiện họ thuộc về Người để cùng Người “bắt mọi sự quy phục dưới chân Người”. Trong cách nhìn này thì cái tương quan xác-hồn, thế gian-Nước Trời được trình bày một cách rất thẳng thắn và kiên quyết : Xác và Thế gian phải phục vụ cho Hồn và cho Nước Trời. Và Hồn cũng như Nước Trời ở đây không nằm trên bình diện xác hay thế gian mà là ĐỨC GIÊSU KITÔ.

Trong cách nhìn này, Đức Maria đúng là hình ảnh và là Mẹ của những kẻ tin : Xác và cái thế gian của Mẹ chỉ là “phận hèn tớ nữ của Đức Giêsu Kitô.” Chân lý, công lý, quyền làm người của Mẹ, từ cái nhỏ bé như một lời chào thăm của Mẹ tất cả đều quy hướng về Đức Kitô, cho Đức Kitô  được nhận biết và tôn vinh… Và ở đây Đức Kitô là chính lòng thương xót của Thiên Chúa trải qua mọi thời đại. Nên sự phục vụ của Mẹ là phục vụ cho lòng thương xót ấy. Người ta không thể tìm thấy nơi Đức Maria những tiếng la hét đòi công lý, nhưng chỉ thấy tất cả là lời Tạ Ơn và Ngợi khen. Người ta không thấy nơi Đức Maria sự tách biệt và loại trừ các tội nhân kể cả kẻ thù giết Con mình, nhưng chỉ thấy những giọt lệ khẩn nài xin lòng thương xót và tha thứ cho người có tội. Nhưng không phải là giọt lệ của kẻ nhu nhược hay khiếp sợ thế gian, mà là giọt lệ của người nữ đầy lòng tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Vì thế hôm nay Mẹ đã được đem về trời cả xác-hồn vì toàn vẹn con người và hữu thể Mẹ đã quy phục Đức Giêsu Đấng đã mở cửa trời cho Mẹ và cho tất cả những ai thuộc về Người như Mẹ.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc