SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXI TN NĂM C

 

1.    “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ” đây là diễn từ cánh chung của Isaia, một lời tiên báo về vinh quang cho Thành Thánh Giêrusalem, mặc dù hầu như Israel đã phản bội Giao Ước, chạy theo thần tượng dân ngoại, nhưng số sót được tuyển chọn đã ra đi khắp bốn bể để rao giảng Danh Chúa, và quy tụ mọi dân nước về dâng của lễ cho Thiên Chúa tại Giêrusalem. Họ tiến về thành đô như trong ngày đại lễ. Cái nhìn cánh chung ấy đang được hình thành trong Giáo Hội hôm nay khi mà bước chân của các sứ giả Tin Mừng đã đến với mọi dân nước, và làm cho họ trở thành con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên cái nhìn lạc quan này cũng không cho phép Giáo Hội quên đi lời cảnh báo của Isaia trước đó rằng “Kẻ sát tế bò cũng là kẻ sát nhân, người hiến tế chiên cũng là người giết chó, kẻ dâng lễ phẩm lại là kẻ dâng máu heo, người dâng hương kính Đức Chúa lại là người thờ ngẫu tượng. Như thế, chúng đã chọn lấy đường lối cho mình,lòng chúng chỉ ưa thích những điều ghê tởm.” Lời cảnh báo đòi hỏi Giáo Hội luôn phải tỉnh thức và đón nhận điều thư Do Thái viết :

2.     “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy…”Thực vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, Thiên Chúa luôn sửa dạy dân Người qua từng biến cố. Những biến cố có thể đem lại những “nỗi buồn khổ”, khiến “những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời” : biết bao cảnh máu đổ, đầu rơi…, nhưng tất cả đều phát xuất từ lòng Cha nhân hậu, muốn con cái mình được hưởng “hoa quả bình an công chính”. Và lịch sử đã khẳng định điều đó, Giáo Hội luôn đứng vững và chỗi dậy sau mỗi giai đoạn tràn ngập nước mắt và khổ đau. Và đấy cũng là kinh nghiệm của mọi thánh nhân : các ngài đều phải đi qua những đêm dài tối tăm để đứng lên trong đức tin kiêu hùng. Ngày hôm nay, chính trong năm hồng phúc 2010 với NĂM THÁNH được đón nhận với tất cả sự nhiệt thành và yêu mến, Giáo Hội VN cũng đang phải trải qua nỗi cơ nhục của một giai đoạn được Chúa sửa dạy. Chúa đang dùng ngay cả những con người thô tục nhất nhổ ngang mặt Giáo Hội (cách riêng hàng Giáo Phẩm) những gì là biếm nhục và ô uế của cõi tục, để đòi hỏi Giáo Hội VN sống bền chí trong niềm tin vào tình yêu của Chúa. Con đường sửa dạy của Chúa nói theo bài Tin Mừng, đó là con đường tiến về Giêrusalem của chính Đức Giêsu.

3.     “Ngài rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem” Hành trình về Giêrusalem trong Tin Mừng Luca là hành trình đi vào sự khổ nạn và cái chết trên Thánh Giá. Đó là “con đường hẹp” mà Chúa Giêsu khẳng định khuyến dụ “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Trên con đường này chính Chúa Giêsu đã bị tố cáo, bỏ vạ cáo gian; chính Chúa bị khạc nhổ vào mặt; chính Chúa bị biếm nhục với mão gai, gậy trúc…và chính Chúa bị kết án tử hình. Nhưng cũng chính qua con đường này chính Chúa đi vào sự sống lại vinh quang. Chắc chắn rằng Chúa Giêsu là “người con đẹp lòng Cha mọi đàng”, nhưng Thiên Chúa đã dùng con đường hẹp này không phải để sửa dạy CON MỘT mình, nhưng là sửa dạy Giáo Hội, thanh luyện và cho Giáo Hội trở thành NHIỆM THỂ VINH QUANG của CON. Cũng như Chúa Giêsu, Giáo Hội, cách riêng hàng Giáo Phẩm, phải đi vào con đường hẹp này, như chính Chúa nói “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!

 

Lm. Giuse Bảo Lộc