SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN XXII TN NĂM C

 

1.    Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi. Không riêng gì người đương thời với Đức Giêsu có khuynh hướng này, mà ở mọi nơi mọi thời, trong mọi lãnh vực chúng ta đều thấy sự tranh dành để có được chỗ nhất. Và đó là đầu mối của không biết bao thảm họa cho nhân loại. Ngay trong phạm vi nhỏ hẹp của một gia đình, sự tranh dành cũng là cuộc chiến không khoan nhượng ngay ở tuổi ấu thơ. Cho nên phải kết luận đây là khuynh hướng phổ cập, mà nếu muốn gọi đích danh, thì phải nói đó là KHUYNH HƯỚNG KIÊU NGẠO. Một khuynh hướng đã nẩy sinh trong lòng nguyên tổ ở địa đàng khi họ muốn trở nên “BẰNG THIÊN CHÚA”. Đã có những giai đoạn người ta thấy điều đó ngay trong lòng Giáo Hội, khi bằng mọi thủ đoạn và thế lực, người ta chiếm lấy cho được những vị trí quan trọng trong guồng máy Giáo Hội. Và đó là những thời điểm tệ hại nhất của Giáo Hội, thậm chí một lúc có tới 2 Giáo Hoàng.

2.    phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Trong cung cách của “ĐẤNG CỨU ĐỘ”, Đức Giêsu lại chọn cho mình con đường “HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG” từ lúc nhập thể cho đến khi lên trời. Có lẽ chúng ta chỉ thấy được 2 trường hợp khác biệt : đó là lúc Chúa đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ, và những lời kết án luật sỹ biệt phái giả hình là mang dáng dấp tỏ uy quyền của Người. Nhưng ngay cả 2 trường hợp đó, chúng ta thấy điều nổi bật hơn trong cung cách của Người : đó là để bảo vệ NHÀ CẦU NGUYỆN CỦA CHA và để đề cao lỐi sỐng công minh chính trỰc. Lựa chọn khiêm nhường, Đức Giêsu đi vào truyền thống của Thánh Kinh như bài đọc sách Huấn Ca đã viết “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa” hay “Càng làm lớn con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa, vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả…” Ngày nay xem ra số người muốn làm công việc sửa sai cho Giáo Hội là khá đông. Họ nhân danh là những TIẾN SỸ phê bình, chỉ trích, vạch trần những điều họ coi là mờ ám…nhưng mục đích chỉ là để Giáo Hội phải tích cực xây dựng một xã hội trần thế theo quan điểm chính trị của họ, chứ không vì NHÀ CẦU NGUYỆN CỦA CHA, càng không để đề cao “LỐI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC” là tôn vinh Thiên Chúa. Họ muốn thay thế điều họ cho là KIÊU NGẠO trong GIÁO HỘI không phải bằng sự tự hủy khiêm nhường của Đức Giêsu, nhưng là bằng SỰ KIÊU NGẠO CÒN TỆ HẠI HƠN CỦA CHÍNH HỌ.

3.    Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben. Tác giả thư Do Thái nhắc nhở chúng ta là chúng ta đang tiến đến Giao Ước Mới, chứ không phải là Giao Ước cũ. Giao Ước cũ được tiêu biểu bởi quyền uy, bởi lửa cháy, bởi gió lốc, bởi mây mù bão táp…khiến con người sợ hãi “xin tha đừng nói với họ lời nào nữa”. Còn Giao Ước mới được tiêu biểu bởi chính Đấng Trung Gian là Đức Giêsu, một Giêsu “đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục”, một Giêsu “đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế”. Giao Ước mới sẽ thay đổi tận căn nhân loại tội lỗi cho họ nên con Thiên Chúa, Giao Ước mới sẽ làm tiêu hủy mọi ách thống trị của tội lỗi nơi nhân thế, không phải bằng những cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng bằng HIẾN TẾ MÌNH VÀ MÁU ĐỨC GIÊSU : con đường của HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG, nói đúng hơn đó là CON ĐƯỜNG CỦA TÌNH YÊU THẦN LINH.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc