“CHẲNG AI ĐỔ RƯỢU MỚI VÀO BÌNH DA CŨ”

(Lời Chúa thứ 6 tuần 22 TN)

 

Việc ăn chay và cầu nguyện không chỉ là riêng của môn đồ Gioan, hay biệt phái, mà chúng ta gặp thấy trong tất cả mọi tôn giáo từ cổ chí kim. Nhưng ở mỗi trường hợp hay tôn giáo việc ăn chay cầu nguyện có những ý nghĩa riêng biệt khác nhau. Trong bài Tin Mừng này, dường như Chúa Giêsu muốn đưa vào việc ăn chay và cầu nguyện một ý nghĩa mới khi trả lời những người biệt phái “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”. Câu trả lời cho thấy việc ăn chay có liên hệ mật thiết với sự hiện diện của Tân Lang, tức là Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ.

Lẽ ra như lời Chúa khẳng định “mọi lề luật (trong đó có luật ăn chay và cầu nguyện) và sách các tiên tri đều nói về Con Người”, thì việc ăn chay và cầu nguyện của thời Cựu Ước phải hướng về và chuẩn bị cho ngày Con Người đến. Nhưng người biệt phái đã đánh mất cái ý nghĩa thiêng liêng ấy, họ biến việc ăn chay và cầu nguyện thành những nghi lễ hình thức và vô bổ. Và đó là cái bầu da cũ mà Chúa muốn nói đến.

Còn các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ ăn chay và cầu nguyện với mục đích thanh tẩy tâm hồn để chờ đón Chúa lại đến để hoàn thành Nước Thiên Chúa. Điều đó mặc cho việc ăn chay và cầu nguyện những hình thái mới : bố thí, sống công bình, yêu thương và phục vụ, là những bầu da mới để đựng rượu mới là “NHIỆM THỂ CỦA ĐỨC KITÔ”.

Ngày nay nhiều khi Giáo Hội cũng bị chỉ trích vì “không giữ những luân thường đạo lý” mà ngay cả lương dân cũng tôn trọng. Thực ra, Giáo Hội luôn trung tín với “luân thường đạo lý trong Nhiệm Thể của Đức Kitô” là những điều vượt lên trên cái “thế gian cũ”, “cái luân thường” làm cho Đức Giêsu được lớn lên trong mọi tâm hồn. Một Đức Giêsu đã tự hủy mình, mang lấy thân phận tôi đòi, để phục vụ và tha thứ, để trở nên tấm bánh bị bẻ ra cho mọi người.

Lm. Giuse Bảo Lộc