SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 23 TN NĂM C

 

“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn.” Lời sách Khôn Ngoan trên đây với những người từng trải đều có thể có cùng một suy nghĩ như thế. Thực vậy vào thời điểm 1954 hay 1975 đất nước chúng ta đã trải qua những biến cố lớn lao đến nỗi mọi người hầu như chỉ thấy một tương lai mịt mùng. Cách riêng với Giáo Hội Việt Nam, nơi thì hầu như bị xóa sổ, nơi thì phải bắt đầu từ con số không. Cộng vào đó là cái ngoại cảnh hầu như rất khắc nghiệt với tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, vướng mắc trong một lịch sử những hiểu lầm và đầy mâu thuẫn. Nhưng rồi Chúa của lịch sử đã thanh luyện Giáo Hội để hôm nay Giáo Hội vẫn có thể thi hành sứ vụ của mình. Tôi không nói đến góc độ về chủ thuyết, nhưng nói đến cái tương quan giữa con người với con người : sự tin tưởng của mọi người đối với những công cuộc giáo dục và bác ái của Giáo Hội là rất cao. Các trường học do linh mục, tu sỹ điều hành luôn quá tải, và được tin tưởng của ngay đa số người nhà nước. Sự phục vụ của các linh mục, tu sỹ dành cho các trung tâm phong cùi, hay HIV đều được xã hội kính phục. Và qua các phục vụ của mình, Giáo Hội đã có thể loan báo Tin Mừng một cách rộng rãi hơn nhiều nơi những người nghèo, cách riêng anh chị em dân tộc thiểu số. Cho dù vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng cũng có thể khẳng định là sự tin tưởng của mọi người nơi Giáo Hội đã ở một mức độ đáng kể. Nhìn ở một góc độ khác : góc độ ơn gọi tu trì, chúng ta cũng thấy số ứng sinh của các chủng viện, và tu viện luôn nhiều hơn nhu cầu hay khả năng tiếp nhận. Thậm chí nhiều hội dòng ngoại quốc đã đến để tìm kiếm ơn gọi tại Việt Nam. Đó phải là bằng chứng về sự trưởng thành và vững chắc của Giáo Hội. Tất cả nói lên điều sách Khôn Ngoan đã khẳng định “ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn.

Sự thanh luyện Giáo Hội của Chúa lịch sử trong nhiều thập niên qua tập trung vào lời của Chính Chúa Giêsu “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”. Trước 1954 và 1975 Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều về nhân sự cũng như của cải, tuy tất cả đều để phục vụ và có thể đã nuôi sống biết bao người nghèo… nhưng sau 1954 và 1975 Giáo Hội đã mất hầu hết thậm chí cả về nhân sự : biết bao Giám Mục, linh mục, tu sỹ và cả giáo dân đã bị tù đầy, thậm chí bị giết; cả về của cải : nhiều cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhiều đồn điền, nhiều cơ sở chủng viện, tu viện trường học, nhà thương… nhưng tất cả chỉ sau một thời gian vắn bị choáng, Giáo Hội đã tìm được cách thế để phục vụ Tin Mừng một cách nhiệt thành và kiên vững. Tất cả vì Giáo Hội tin bao lâu Giáo Hội còn Đức Kitô, bấy lâu Giáo Hội vẫn còn khả năng dồi dào để phục vụ. Bởi vì chính Đức Kitô trong sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa chỉ là một người nghèo và rất cô đơn từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, nhưng Tin Mừng Ngài rao giảng đã bao trùm mọi tâm hồn, lan tỏa đi khắp thế gian. Vì sức mạnh của Tin Mừng không hệ tại cái mình có, mà hệ tại cái mình là.

Cái mình là của Tin Mừng chính là điều thánh Phaolô muốn nói đến trong bức thư vắn vỏi gởi Philêmon : Đó là TÌNH YÊU xóa bỏ mọi giai cấp kể cả giai cấp chủ-nô. Tình yêu biết trân trọng sự tự do của con người để trở thành anh em rất thân mến của ngay cả người nô lệ của mình theo pháp luật. Tình Yêu đi theo Đấng chịu đóng đinh vì Yêu, chắc chắn đòi hỏi Giáo Hội Việt Nam hôm nay phải đón nhận mọi thánh giá trong cuộc sống vì yêu thương. Yêu thương người thân cận, huyết thống, hay đồng quan điểm chính trị thì là điều dễ dàng, nhưng yêu thương kẻ bách hại mình, giết mình, bóc lột mình thì mới là tình yêu của Thánh Giá. Vì thế khi Giáo Hội Việt Nam hôm nay sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc thì không phải Giáo Hội muốn thỏa hiệp với chính quyền về mặt tư tưởng hay hành động, nhưng chỉ là muốn bày tỏ tình yêu cho đến cùng của Đức Giêsu : Đấng đã chết cho con người, khi họ còn là tội nhân. Và đó chính là bản chất của Tin Mừng vậy.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc

Ngày 2-9-2010