SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 TN NĂM C

 

1.    “Chúa đã nguôi giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe dọa phạt dân Người”. Đó là kết qủa lời bầu cử của Môsê. Cho dù trước đó quả thật Israel đã phản nghịch cùng Chúa : chúng đúc 1 tượng bò vàng và dâng lễ hiến tế cho nó với lời lẽ tuyệt đối vô ơn và chống lại Thiên Chúa khi xưng tụng tượng bò vàng : “Này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập.” Trong câu chuyện này, chúng ta không thể không nói đến phẩm chất của Môsê. Thiên Chúa hứa sau khi tiêu diệt dân ngỗ nghịch, sẽ cho Môsê trở nên một dân tộc vĩ đại. Nhưng Môsê không nghĩ đến bản thân, nhưng trong lời cầu xin, Ông chỉ nghĩ đến DANH THIÊN CHÙA, chỉ nghĩ đến LỜI THỀ HỨA của Thiên Chúa với các tổ phụ. Ông đích thật là hình ảnh của Đức Kitô. Nhưng lời bầu cử của Môsê thậm chí ngay cả cái chết cứu độ của Đức Kitô cũng không thể giải cứu được con người, nếu chính bản thân họ không sám hối, không hoán cải để tin vào Lời Môsê và Lời của Đức Kitô.

2.    “Ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với Đức Tin và Đức Mến trong Đức Giêsu Kitô”. Lời thánh Phaolô thật đáng tin vì nó phát xuất từ kinh nghiệm của bản thân Ngài, theo đó dầu Ngài là một tội nhân, Ngài đã được hưởng lòng thương xót, khoan dung của Đức Giêsu để hoán cải và sám hối. Theo đó không thể có sự sám hối và hoán cải nếu trước hết không cảm nghiệm được lòng thương xót và khoan dung ấy. Sự kiện ấy đã xẩy ra trên đường Damas cho thánh nhân : khi Đức Giêsu đã đồng hóa Ngài với các tín hữu mà Phaolô đang truy đuổi và bắt bớ khi trả lời cho ông “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Câu trả lời đưa Phaolô vào thế giới của Lòng Thương Xót diệu kỳ mà Đức Giêsu dành cho Dân Ngài và giờ đây cũng muốn dành cho ông khi Đức Giêsu nói tiếp “Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”. Đứng trước Lời khoan dung và thương xót ấy, Phaolô đã thay đổi cuộc đời.

3.    Câu chuyện của Phaolô đã có thể thấy trước trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu của Tin Mừng. Người con thứ bỏ nhà ra đi đã không thể trở về nhà Cha, nếu anh ta không hồi tâm để thấy rằng “Biết bao người làm công trong nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói”. Từ cái cảm nghiệm đó, anh đã muốn ra đi trở về với Cha. Cho dù anh chưa dám tin lòng nhân hậu của Cha còn lớn hơn điều anh nghĩ và cảm nghiệm. Và anh đã trở về. Thực sự tình cha còn lớn hơn điều mà mọi người nghĩ. Người Cha đã mở tiệc ăn mừng và không những trả lại cho anh ta địa vị là con, mà còn hơn thế nữa, như ông nói với người con cả “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con…”.

4.    Chúa Giêsu đã đưa lòng nhân hậu của Cha vào thế gian : chính Người đã “đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn với chúng” như nhận xét của những kẻ thù luôn rình mò bắt bẻ Người đã khẳng định. Ngày nay Giáo Hội vẫn phải tiếp tục sứ mạng đó. Nhưng nhiều người đã không bằng lòng với Giáo Hội. Họ muốn canh tân Giáo Hội với sự thao thức phải thay đổi những cơ cấu của Giáo Hội. Gần đây người ta có nhiều lời kết án, phỉ báng cơ cấu Hội Đồng Giám Mục VN với kiểu nói châm biếm trào lộng “Hội Đồng Áo Tím”. Đức Giáo Hoàng Bênêđichtô trong huấn dụ ngày 08.09.2010 khi nói về Thánh Nữ Hildegard đã nói :thánh nữ đã chống lại phong trào Catari tại Đức, là phong trào của những người tự coi mình là ”trong sạch”, nên chủ trương một cuộc canh Giáo Hội một cách triệt để, nhất là để đánh đổ các lạm dụng của hàng giáo sĩ. Thánh nữ quở trách họ nặng nề là đã muốn lật đổ chính bản chất của Giáo Hội. Và người nhắc cho họ biết rằng việc canh tân Giáo Hội đích thật không có được bằng cách thay đổi các cơ cấu cho bằng có tinh thần sám hối chân thành và hoán cải cụ thể. Đó là sứ điệp mà chúng ta không bao giờ được quên.”

 

Lm. Giuse Bảo Lộc