SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 25 TN NĂM C

1.      “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước.” Tiên tri Amos loan báo Lời Chúa phán xử những kẻ đàn áp và tiêu diệt những người nghèo. Chúa luôn bênh vực người nghèo đó là một sự thật của lịch sử cứu độ. Israel luôn cảm nghiệm được điều đó trong chính lịch sử của họ : khi đất nước thịnh vượng Israel đã ngả theo những thần tượng của dân ngoại, sống phóng đãng và tội lỗi, nhất là ra tay đàn áp và tiêu diệt người nghèo, Chúa để cho đất nước họ rơi vào nạn ngoại xâm; và chỉ khi trong cảnh nô dịch túng cực làm họ nhớ tới Chúa, trở về với Người, Người mới tha thứ và cho họ tái thiết xứ sở trong an bình.

2.     Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Một trong những nguồn gốc của những bất công trong xã hội, chính là việc con người không biết đến Thiên Chúa mà chỉ biết chạy theo tiền bạc để thỏa mãn những tham vọng về quyền chức và đam mê dục tình. Bài học của xã hội hôm nay cho thấy rất rõ điều đó : người ta xử dụng ngân sách quốc gia cho những tham vọng cá nhân, trong khi gia tăng vật giá, thuế khóa, khiến cuộc sống của người nghèo càng ngày càng khó khăn, vì nguyên lý điều hành đất nước không nhìn nhận một Thiên Chúa, và không biết đến đạo lý của lương tâm. Đó cũng là bài học của lịch sử mọi dân tộc. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới nói thẳng với các môn đệ của Người : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Chúa biết Giáo Hội của Người cũng không thoát khỏi cơn cám dỗ về tiền bạc. Lịch sử đã phơi bày bao nhiêu tệ nạn trong Giáo Hội. Chúng ta được biết một trong những tệ nạn đã làm phát sinh cuộc ly khai lớn trong thời cận đại của các giáo phái Tin Lành: đó là nạn buôn thần bán thánh trong Giáo hội lúc đó. Tiền của tự nó không phải là điều dữ, nhưng chính con người xử dụng nó đã biến nó thành tai họa. Vì thế Chúa Giêsu khuyên các môn đệ : “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu”. Bạn hữu mà Chúa muốn nói tới chính là những người nghèo, vì người nghèo chính là bạn hữu của Thiên Chúa.

3.     Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người” Chính Chúa Giêsu khi đến trần gian cũng đã chọn nếp sống nghèo từ khi sinh ra cho đến lúc chết, và tuyển chọn môn đệ hầu hết cũng từ lớp người nghèo làm bạn hữu nghĩa thiết. Và hiến mình làm lễ đền tội và cứu độ cho mọi người. Người thiết lập Giáo Hội dựa trên nền tảng tám mối phúc, trong đó mối phúc thứ nhất là “Phúc cho ai nghèo khó”, như là nguyên lý cho cuộc sống phục vụ và yêu thương người nghèo, như là chứng tá của Tin Mừng. Cũng như thánh Phaolô, các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi để rao giảng chứng tá ấy. Kinh nghiệm lịch sử Giáo Hội cho thấy trong khi Tin Lành muốn canh tân Giáo Hội bằng những lý thuyết chống đối, gây nên những cuộc phân ly, thì Giáo Hội thực sự chỉ được canh tân bởi những vị thánh như Phanxicô, Đa Minh, những con người trở về với nếp sống nghèo của Tin Mừng.

4.     Hơn bao giờ hết, trong thời đại của kim tiền này chúng ta được mời gọi đi theo Bà Chúa nghèo như thánh Phanxicô, để Tin Mừng của Chúa Giêsu được rao giảng một cách trong sáng, đem lại niềm hy vọng cứu độ cho mọi người.

Lm. Giuse Bảo Lộc