SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 26 TN NĂM C

 

“Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý… và tự kiêu” : Lời tiên tri Amos trên đây cũng sẽ được Chúa Giêsu lặp lại trong Tin Mừng Luca. Thực ra đó chỉ là một thực tế thường gặp : “Giàu sang sinh kiêu căng”. Ngay cả trong thời đại hôm nay chúng ta vẫn thấy cảnh những con nhà giàu luôn tỏ ra lạnh nhạt và khinh miệt người nghèo. Nhưng trong Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy vấn đề được nhìn dưới một góc độ hoàn toàn mới mẻ : Thiên Chúa đã nổi giận và ra án phạt nặng nề bọn quyền quý “giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!.” vì “Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng,nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!”. Chính vì thế Thánh Phaolô nói trong thư gởi Timôthê “Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong.10 Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”. Cái tội của chúng là làm tiêu hủy hình ảnh Chúa nơi họ, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và muốn cho hết mọi người được hạnh phúc.

Câu chuyện trong Tin Mừng còn cho thấy có một thứ kiêu căng và giàu sang khác : là những kẻ luôn tự mãn : họ không lắng nghe và giữ những gì Môsê và các tiên tri dạy và họ nghĩ để dạy họ phải là những con người kỳ diệu : “như kẻ chết hiện về…”. Nhưng Tin Mừng khẳng định với người kiêu căng thì “cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng nghe đâu”.

Trong thực tế, Môsê, các tiên tri hay các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cũng chỉ là những con người được lấy ra từ loài người, mang trong mình những yếu đuối như mọi người và cũng đang “gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến,.. gắng sống nhẫn nại và hiền hoà.12 gắng thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời” như mọi người. Chính vì thế, những kẻ tự mãn không nghe lời họ tuyên chứng : vì lòng trí họ đã coi mình là đầy đủ.

Đó cũng là kinh nghiệm của chính Augustinô : “Tôi không nghĩ rằng Kinh thánh lớn lên với trẻ nhỏ từng bước, và tiến lên theo từng giai đoạn. Chân lý đơn giản cho người đơn sơ, chân lý sâu xa cho người trưởng thành. Tôi chắc chắn mình đã trưởng thành nên tôi đã mất mát… tôi thì đến với thánh kinh với việc phê bình và kết luận rằng thánh kinh không thể so sánh với Cicero về ngôn ngữ hay ý tưởng siêu việt.

Augustinô kết luận “Thánh kinh là cuốn sách dành cho những kẻ khiêm nhượng tuân phục những mầu nhiệm sâu xa của Chúa.” Đó là những người nghèo của Thiên Chúa mà kinh thánh hằng nói tới. Và chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói “Cha đã không bày tỏ những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ khôn ngoan hiền triết, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.”

Những kẻ bé mọn chính là đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là điều Chúa Giêsu đã thẳng thắn làm chứng. Vì thế, những môn đệ của Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta, các Kitô hữu cũng phải nghe lời thánh Tông Đồ dạy Timôthê hãy giữ gìn lời tuyên xưng thẳng thắn ấy của Chúa Giêsu cho tinh tuyền và không thể chê trách. Lời tuyên xưng Thiên Chúa nắm giữ và đồng hành trong lịch sử nhân thế, để cứu độ những người nghèo và ban cho họ hạnh phúc Nước Trời.