Lời Chúa thứ 7 tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lễ Mẹ Thiên Chúa

1.    Xin Chúa Tỏ Nhan Thánh Chúa Cho Con, Và Ban Bằng Yên Cho Con”.Lời cầu xin này kể từ thời Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã luôn vang vọng thành lời cầu nguyện chính yếu trong ngày đầu năm mới, ngày “Cầu cho Hòa Bình Thế Giới”. Và cũng chính lời cầu nguyện này khẳng định nền tảng cho Hòa Bình Thế Giới chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong trần gian. Và vì chính Đức Maria đã hạ sinh Con Thiên Chúa làm người, nên cùng với lời cầu xin trên đây, Giáo Hội hân hoan tạ ơn Thiên Chúa vì đã tuyển chọn Đức Maria làm Mẹ, để Con Thiên Chúa có thể thực sự là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chính trong cái nhìn về nền tảng của Hòa Bình ấy, và trong cái bối cảnh của thế giới hôm nay, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 trong Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011 đã kêu gọi mọi chính quyền “hãy tôn trọng và bảo đảm cho tự do tôn giáo” vì “tự do tôn giáo là con đường dẫn đến hòa bình”, và trong thông điệp Giáng Sinh gửi cho thế giới, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã kêu gọi phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo và bầy tỏ tình tương thân tương trợ với các kitô hữu, nạn nhân của các vụ kỳ thị và đàn áp.

2.    Thiên Chúa Đã Sai Con Ngài Sinh Hạ Bởi Người Phụ Nữ Sự kiện Nhập Thể này được Đức Thánh Cha trong Sứ Điệp Giáng Sinh cắt nghĩa “sao lại có thể như thế được nhỉ? Ngôi Lời và nhục thể là hai thực tại đối nghịch với nhau; làm sao Lời vĩnh cửu và toàn năng lại trở thành một con người mỏng dòn và dễ chết như vậy? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: đó là Tình Yêu. Ai yêu thương thì cũng muốn chia sẻ với người mình yêu, muốn được kết hiệp với người ấy, và Thánh Kinh trình bày cho chúng ta lịch sử tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với dân Ngài, với tột đỉnh ở nơi Chúa Giêsu Kitô”Thiên Chúa không thay đổi; Ngài là Tình Yêu vô thủy vô chung. Ngài chính là sự hiệp thông, là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi, và mỗi hành động và lời nói của Ngài đều nhắm đến sự hiệp thông. Sự nhập thể là tột đỉnh của công trình sáng tạo.. Sứ điệp Yêu thương này “giúp giới trẻ có khả năng nhìn nhận tha nhân là anh em, chị em của mình, cùng tiến bước và cộng tác để tất cả mọi người cảm thấy mình là những phần tử sinh động của cùng một gia đình nhân loại, và không ai bị loại khỏi gia đình này.” Thánh Phaolô cho thấy bằng cách nào gia đình này được sinh ra và được bảo vệ và phát triển đó là vì “Thiên Chúa Đã Sai Thần Trí Của Con Ngài Vào Tâm Hồn Chúng Ta, Kêu Lên Rằng: "Abba!", Nghĩa Là "Lạy Cha!”. Chính Thánh Thần đã tạo dựng cho Ngôi Lời một thân xác trong lòng Đức Maria, thì cũng chính Ngài cho chúng ta thành chi thể của Đức Giêsu, nghĩa là cùng trở nên Con Thiên Chúa.

3.    Còn Maria Thì Ghi Nhớ Tất Cả Những Việc Đó Và Suy Niệm Trong Lòng. Chính thái độ này làm cho Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa : Mẹ đã đón nhận mọi hành động và lời nói của Thiên Chúa trong lòng, dù hành động ấy và lời nói ấy đến với Mẹ như thế nào. Và cũng chính thái độ này Mẹ thực sự không những là cộng tác vào công cuộc thiết lập Vương Quốc Hòa Bình của Thiên Chúa ở trần gian, mà còn thực sự xứng đáng được kêu cầu là Nữ Vương Hòa Bình. Vì khi HIỆP THÔNG với mọi hành động và Lời của Thiên Chúa Mẹ cũng HIỆP THÔNG với nguồn mạch của TÌNH YÊU và AN BÌNH. Điều đặc biệt là sự Hiệp Thông này nơi Đức Mẹ luôn có sự can dự của tất cả những ai Thiên Chúa tuyển chọn. Trong bài Tin Mừng hôm nay chính là sự can dự của các mục đồng. Điều này cho chúng ta thấy tính cách nhất quán trong hành động cứu chuộc của Thiên Chúa như công đồng Vaticanô khẳng định “Thiên Chúa không cứu chuộc con người cách riêng lẻ, nhưng kêu gọi và quy tụ họ thành một Dân”. Một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội phải có một chỗ đứng thiết yếu và quan trọng trong đời sống.

Lm. Giuse Bảo Lộc