SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 4 TN-A

 

Cả 3 bài Kinh Thánh hôm nay đều xoay quanh chủ đề khiêm nhường và nghèo khó :

  1. Trước hết theo tiên tri Xophonia thì đó chính là dự tính của chính Thiên Chúa dành cho Dân Người “Ta Sẽ Để Sống Sót Lại Giữa Ngươi Một Dân Tộc Khiêm Tốn Và Nghèo Hèn”. Trong thực tế lịch sử, khởi đầu của chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Abraham khi đó đã 90 tuổi và không có con nối dõi, khi gọi ông, Thiên Chúa còn đòi ông phải ra khỏi quê hương và gia tộc để lên đường : rõ ràng Thiên Chúa muốn Ông thực sự là kẻ nghèo, vô gia cư, vô địa táng. Khi muốn đưa dân ra khỏi đế quốc Ai Cập, Thiên Chúa đã chọn Môsê, một con người đang bị đế quốc truy đuổi, phải trốn chạy ra khỏi biên cương, ẩn náu nơi vùng đất hoang mạc : Thiên Chúa chọn một kẻ nghèo cùng cực. Khi muốn ký kết một giao ước bền vững với nhà Isarael, Thiên Chúa đã chọn Đavid, một người vóc dáng nhỏ bé, một kẻ chăn chiên. Và khi thời gian viên mãn để thực hiện Giao Ước, Thiên Chúa chọn Maria, một thiếu nữ nghèo khó và khiêm nhường. Và khi thiết lập dân mới Chúa đã chọn 12 tông đồ đều xuất thân từ làng thuyền chài ít học và tài sản chỉ là con thuyền với ít tấm lưới.
  2. Và khi đề cập đến dân mới của Chúa, thánh Phaolô không ngần ngại nói thẳng ra rằng “ Trong Anh Em Không Có Mấy Người Khôn Ngoan Theo Xác Thịt, Không Có Mấy Người Quyền Thế, Không Có Mấy Người Sang Trọng.” Chính lịch sử Dân Mới này trải qua hơn 20 thế kỷ cũng đã khẳng định những gì Thánh Phaolô đã nói : Giáo Hội Đức Kitô vào những thời điểm bị bách hại chính là thời điểm phát triển mạnh mẽ và đầy sức sống, ngược lại khi được sống trong cảnh thịnh vượng giàu sang thì cũng là lúc có nhiều đổ vỡ và phân ly. Và tất cả mọi cuộc canh tân và vực dậy sức sống của Giáo Hội đều xuất phát từ những con người chấp nhận cuộc sống nghèo. Giáo Hội ngay tại Việt Nam cũng đã khởi đi từ những xóm nghèo, và có được sức sống nội tại từ giòng máu của hằng trăm ngàn các vị Tử Đạo.
  3. Điều quan trọng cần phải được tái khám phá mãi mãi như là điểm quy chiếu cho đời sống đức tin, chính là Lời Tin Mừng “Phúc Cho Những Ai Có Tinh Thần Nghèo Khó”. Vấn đề là Nghèo Khó là một mối phúc, và là mối phúc mà các mối phúc khác quy chiếu về. Nếu như những trình bày ở trên theo giòng lịch sử xem ra có thể gây nên một ấn tượng tiêu cực không hấp dẫn, là vì chúng ta chưa đi vào niềm vui luôn tràn ngập tâm hồn của các thánh nhân. Tiên tri Xophonia thì nói “Chúng Sẽ Được Chăn Dắt Và Nằm Ngủ Không Bị Quấy Rầy”, còn thánh Phaolô nói đến niềm tự hào trong Chúa của các bậc thánh nhân vì “Thiên Chúa Đã Chọn Những Điều Hèn Hạ Đối Với Thế Gian, Những Điều Bị Khinh Chê, Những Điều Không Không, Để Phá Huỷ Những Điều Hiện Hữu”. Cách sâu xa, Chúa Giêsu nói nghèo khó là một mối phúc là vì Thiên Chúa luôn đoái thương những người phận nhỏ như Đức Maria đã nói trong lời kinh ngợi khen. Như thế còn phải hiểu điều này là : nghèo khó ở đây không hệ tại ở việc không có của cải vật chất, mà hệ tại ở chỗ có đủ chỗ cho lòng thương xót của Chúa, và chính lòng thương xót Chúa làm nên niềm vui bất diệt.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc