SUY NGHĨ VỚI LỚI CHÚA LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.

Ta Đã Gọi Con Trong Công Lý, Đã Đặt Con Thành Giao Ước Của Dân

 

1.    Ta Đã Gọi Con Trong Công Lý, Đã Đặt Con Thành Giao Ước Của Dân Tất cả các bài Kinh Thánh hôm nay đều nói đến việc Thiên Chúa gọi Chúa Giêsu là CON và trao cho Người Sứ Vụ trong Thánh Thần. Và chính điều ấy làm cho Chúa Giêsu hoàn toàn khác với mọi người, dù người đó là Adam, là Noe, là Abraham, Isaac, Giacob hay Đavid. Sự khác biệt còn thấy được trong chi tiết này : mặc dù tất cả các tổ phụ trên đây đều được Thiên Chúa ban cho Giao Ước, nhưng Giao Ước của các Ngài chỉ là những lời hứa, hay những lề luật; còn với Chúa Giêsu, Thiên Chúa “Đã Đặt Chính Người Thành Giao Ước Của Dân”. Trong cái nhìn này, chúng ta có một cơ hội đặc biệt để hiểu được bản chất của Giao Ước Thiên Chúa trao ban là lòng từ nhân “Người Sẽ Không Lớn Tiếng… Không Bẻ Gẫy Cây Lau Bị Giập, Không Dập Tắt Tim Đèn Còn Khói …”, là chính công lý và công bình “Người Trung Thành Đem Lại Lẽ Công bình… Chỉ Lo Đặt Công Lý”. Như thế trong ý định của Thiên Chúa chính Chúa Giêsu là lòng thương xót, là công lý, là công bình  mà Thiên Chúa muốn thiết đặt trên địa cầu này. Thánh Phêrô cũng qủa quyết rằng“Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài”.

2.    Về phần mình, Chúa Giêsu không những khiến cho Gioan Tẩy Giả phải ngạc nhiên, mà cho đến tận hôm nay, Ngài vẫn còn làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, khi khởi sự sứ vụ của mình bằng việc chịu phép rửa bởi tay Gioan. Chính Gioan đã phải thốt lên “Chính Tôi Phải Được Ngài Rửa, Thế Mà Ngài Lại Đến Với Tôi Sao?”. Vì ông nhớ lại kinh nghiệm bản thân : ngay từ khi còn trong lòng mẹ, đã được Chúa Giêsu thanh tẩy cho thế nào, đến nỗi đã nhảy mừng trong dạ mẹ. Và câu trả lời của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải nghiền gẫm “Không Sao, Vì Chúng Ta Cần Chu Toàn Bổn Phận Như Thế”. Bổn phận của Gioan là “Làm Cho Lòng Cha Ông Quay Về Với Con Cháu, Để Làm Cho Tâm Tư Kẻ Ngỗ Nghịch Lại Hướng Về Nẻo Chính Đường Ngay, Và Chuẩn Bị Một Dân Sẵn Sàng Đón Chúa”, và bổn phận của Chúa Giêsu như tiên tri Simêon nói “Thiên Chúa Đã Đặt Cháu Bé Này Làm Duyên Cớ Cho Nhiều Người Ít-ra-en Ngã Xuống Hay Đứng Lên. Cháu Còn Là Dấu Hiệu Cho Người Đời Chống Báng;35 Và Như Vậy, Những Ý Nghĩ Từ Thâm Tâm Nhiều Người Sẽ Lộ Ra”. Cách chung Tin Mừng đều xác định bổn phận của các Ngài chính là thiết đặt CÔNG LÝ, CÔNG BÌNH VÀ BÌNH AN cho muôn dân. Thế nhưng cách thức thi hành sứ vụ không như muôn dân trông đợi, mà phải đi theo con đường chính Thiên Chúa đã chọn cho các Ngài. Và con đường đó có tên là Đường Thánh Giá, con đường mà Chúa Giêsu gọi là Phép Rửa mà Ngài phải LÃNH NHẬN, con đường được minh họa trước trong phép rửa của Gioan.

3.    Qua những suy nghĩ trên đây, chúng ta cũng hiểu được về ơn gọi và sứ vụ của người Kitô Hữu là phải xây dựng MỘT VƯƠNG QUỐC CÔNG LÝ, CÔNG BÌNH, BÌNH AN. Nhưng điều quan trọng hơn đó là PHẢI XÂY DỰNG BẰNG CÁCH NÀO? Rõ ràng Lời Chúa dạy phải bằng CON ĐƯỜNG PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU. Chính vì thế Ngài đã ra lệnh cho các môn đệ trước khi về trời “Vậy Anh Em Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ, Làm Phép Rửa Cho Họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con Và Chúa Thánh Thần”. Phép Rửa chính là để cho mọi người trở thành CON THIÊN CHÚA. Và điều ấy theo thánh Phaolô chúng ta chỉ có thể là con trong NGƯỜI CON MỘT. Do đó trước tiên như lời Chúa dạy, là phải làm cho người ta trở thành môn đệ : biết, tin và đi theo Đức Giêsu. Sau đó làm phép rửa để ban Thánh Thần của Chúa Giêsu cho họ. Con đường thiết lập CÔNG LÝ, CÔNG BÌNH VÀ BÌNH AN của Kitô hữu cũng như của Giáo Hội không phải là con đường của các thể chế chính trị của trần gian theo đuổi bằng những thay đổi cơ cấu tổ chức của trần gian, mà là hoán cải của con tim, trí tuệ và ý chí của con người nhờ nỗ lực mỗi ngày trở nên “Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô”. 

 

Lm. Giuse Bảo Lộc