SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN I MV-B

 

  1. Năm phụng vụ 2011-2012 được HĐGMVN trong thư ngày 7.10.2011 đề nghị là năm hiểu biết và sống mầu nhiệm Hội Thánh. Chúng tôi cũng cố gắng để qua Lời Chúa trong các ngày Chúa Nhật suy niệm về mầu nhiệm lớn lao này cùng với anh chị em.
  2. Tiên tri Isaia đã nói lên tâm tình của Dân Israel khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha “lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con”. Họ đã hạnh phúc vì được TC quy tụ giữa muôn dân để trở thành gia đình riêng của Thiên Chúa. Tâm tình ấy đã ăn sâu vào truyền thống dân Chúa chọn. Tác giả thánh vịnh đáp ca xác tín khi thốt lên thành lời “Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài”. Nhưng Isaia và tác giả thánh vịnh cũng nói lên sự thật đau buồn xuyên suốt lịch sử của Israel : “chúng con đi lạc xa đường Chúa” và “không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa”. Trong vực thẳm của sự phản nghịch ấy, TC vẫn kiên trì khơi dậy trong lòng họ sự khao khát và chờ đợi trong kêu cầu “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra”. Lịch sử Israel là một mùa vọng triền miên.
  3. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng cũng đã hé mở hình ảnh của Hội Thánh, dân mới của Chúa là những người được quy tụ trong NHÀ CHÚA với dụ ngôn chúng ta vừa nghe công bố. Chúa căn dặn các môn đệ “Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”. Chủ nhà đây chính là Thiên Chúa Cha, và môn đệ chính là người nhà được Cha ủy thác để chăm sóc gia đình Chúa. Tỉnh thức trong Nhà Cha, chính là làm mọi việc Cha giao phó. Công việc đó chính Chúa Giêsu trước khi về trời đã truyền lại cho các ông : “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Gia đình của Thiên Chúa như vậy gồm những con người tin Đức Giêsu Kitô, đón nhận và tuân giữ Lời Người, nhận phép Rửa Tội nhân danh Người, và sống với Người.
  4. Thánh Phaolô một cách gián tiếp cũng hình dung Hội Thánh, Dân mới của Thiên Chúa là một gia đình mà Thiên Chúa Cha đã quy tụ trong Đức Giêsu Kitô, Con của Người, khi thánh Tông Đồ khẳng định “Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
  5. Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN viết “Giáo Hội thực sự là gia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông.[25] Các tín hữu là những “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).[26]
  6. Phụng vụ mùa vọng hướng chúng ta về Gia Đình đích thật của Thiên Chúa ở trần gian : đó là GIA ĐÌNH NAZARETH. Gia đình Nazareth là hình ảnh, là chiếc nôi và là mẫu mực của Hội Thánh. Trong gia đình ấy, sinh hoạt căn bản của mỗi người là luôn tìm kiếm và lắng nghe Thánh Ý của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện thường trực. Và vì vậy Chúa Giêsu đã trao lại cho Hội Thánh cái trải nghiệm của Người khi căn dặn các môn đệ “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Amen

 


Phúc Âm Nhật ký II, Tháng 11/2011