SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA LỄ GS-B

 

Tất cả các bài Kinh Thánh từ lễ vọng đến lễ chính ngày Giáng Sinh đều có một tiếng nói chung : Chúa Giêsu Kitô giáng sinh là “Vì Sion, vì Giêrusalem, vì lời ước Ta ký với người” như gia phả của Chúa được thánh Matthêu viết. Tiên tri Isaia cũng đã nói trước về ngày này là vì “Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại,” bằng cách cho Đức Kitô thực thi ý muốn của Người là  mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.” Theo đó thánh Phaolô đã viết “Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.” Và chính các sứ thần cũng đã khẳng định ngay trên cánh đồng Belem đêm đó “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít.” Hơn thế nữa Isaia còn loan báo về địa vị cao cả của Dân Thiên Chúa khi qua Đấng Cứu Độ Người thực hiện lời hứa “Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh.” Nếu chúng ta biết rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh, và như thế nhờ Đấng Cứu Độ mà Dân Chúa được bước vào chính sự Thánh Thiện của Thiên Chúa, có nghĩa là được hiệp nhất với Người. Vì thế chúng ta mới có thể tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện”

Qua đó chúng ta phải khẳng định Thiên Chúa đã dành cho Giáo Hội dường như tất cả Tình Yêu của Người. Cho dù trong giáo hội cũng như trong chính gia phả của Chúa Giêsu đầy tràn tội lỗi, ngay cả khi Con của Người đến trần gian đã không được tiếp nhận vào, dù chỉ là một quán trọ, như Gioan viết trong Tin Mừng “Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người”. Chúng ta đừng vội kết án dân thành Belem, hãy nhìn lại chính mình, những con người đã được Máu và Nước từ trái tim Đức Giêsu trên Thánh Giá tẩy rửa trong giếng nước Rửa Tội, trong bí tích Thêm Sức và nhất là được ăn Thịt và uống Máu Người trong Thánh Thể…nhưng chúng ta có hơn gì người Belem hay người Giêrusalem xưa. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như thế? Câu trả lời đã có sẵn trong biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu, và cũng rất rõ ràng trong lịch sử Giáo Hội. Câu trả lời là vì chúng ta có quá nhiều của cải và tham vọng, chúng ta không có sự nghèo khó của Đức Maria, của các mục đồng; chúng ta lại không sẵn sàng từ bỏ rào lũy an sinh do chính mình tạo nên, để lên đường như ba vua để đi tìm TC, nói gì đến việc dám hy sinh mạng sống như các anh hài ở Belem. Và lịch sử Giáo Hội cũng chứng thực rằng khi giáo hội bám vào quyền bính trần thế, bám vào tiền tài vật chất, cũng là lúc Giáo Hội bị phân tán và suy tàn. Giáo Hội chỉ được vực dậy nhờ những vị thánh chấp nhận sống nghèo, chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình. Nhưng làm sao để là một Maria, một Giuse, một vị thánh nghèo và hiến mạng sống mình, thì hiển nhiên như Đức Maria đã khẳng định “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới”. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Thánh Phaolô cũng khẳng định như thế khi viết “Khi Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Đấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Đức Giêsu Kitô”. Phải Tin vào Tình Yêu, vào Giao Ước của TC.

Vì vậy thánh Gioan nói với chúng ta “Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người.” Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta trên hành trình đức tin khi Mẹ, như thánh Luca ghi nhận, trước mọi biến cố người luôn“ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng”. Vấn đề là những suy nghĩ của Mẹ luôn là tìm hiểu mọi biến cố trong Thánh Ý của Thiên Chúa, để mau mắn vâng theo. Chúa Giêsu cũng không nói gì khác hơn khi tuyên bố “Những kẻ nghe và giữ Lời Thiên Chúa, kẻ ấy là mẹ và là anh em của Ta”. Thánh Phaolô cũng xác quyết rằng “Đức Tin là bởi nghe” những lời rao giảng của các Tông Đồ. Lời rao giảng ấy chỉ là sự khai triển điều Chúa Giêsu đã công bố “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”

Lễ Giáng Sinh là cơ hội cho chúng ta chiêm ngưỡng và cảm nhận Tình yêu của Thiên Chúa và sẵn sàng hòa nhập cuộc sống mình vào Tình yêu ấy để chung sức xây dựng gia đình của Thiên Chúa Tình yêu giữa trần gian. Amen