SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA LỄ TRUYỀN TIN

 

Lời Chúa trong Thánh Lễ này trình bày 3 khuôn mặt nói được là rất tiêu biểu trong lịch sử cứu độ :

  1. Trước hết là khuôn mặt vua Akhaz, vua Giuđa, tuy thuộc dòng dõi của Đavid, nhưng lại không tin tưởng vào Giao Ước Chúa đã ban cho tổ tiên ông. Ông run sợ trước các vua láng giềng vì họ liên minh hùng mạnh tiến đánh Giêrusalem. Và cho dù Thiên Chúa sai tiên tri Isaia đến nhắc lại cho ông Giao Ước của Thiên Chúa là sẽ cho dòng dõi David tồn tại cách đặc biệt trong Đấng Emmanuel, thế nhưng lòng vua vẫn bị chao đảo không dám hoàn toàn tín thác vào lời Chúa hứa. Trong Bí Tích Rửa Tội, Thiên Chúa cũng đã thiết lập Giao Ước mới và vĩnh cửu với người Kitô Hữu : ban cho họ sự sống mới, sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, bất chấp những thế lực của Satan và thế gian. Bí Tích Rửa Tội ban cho người tín hữu sức mạnh của Chúa Thánh Thần để họ chiến thắng mọi tội lỗi và sự chết. Thế nhưng cũng như vua Akhaz, nhiều người tín hữu hôm nay vẫn còn bị chao đảo trước những thế lực của tội lỗi : họ nghi ngờ tất cả những cơ chế của Đức Tin : xa rời các bí tích, cách riêng bí tích giải tội và Thánh Thể, xa rời Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bất chấp những nghi ngờ và chao đảo ấy, Giáo Hội là Ngôn Sứ của Thiên Chúa hôm nay vẫn kiên trì loan báo với chúng ta Lời Hứa của Chúa Giêsu : “Này đây Thầy ở cùng các con cho đến tận thế”.
  2. Đoạn thư Do Thái trình bày khuôn mặt của chính Đấng Cứu Độ, một khuôn mặt hoàn toàn trái nghịch với khuôn mặt của vua Akhaz. Đấng Cứu Độ là con người như mọi người, nhưng khác mọi người duy ở điều khẳng định này: hoàn toàn tin tưởng và tín thác đời mình cho Thiên Chúa : “Này Con xin đến để thi hành Thánh Ý Cha. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê còn nói rõ “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến chết.” Đó là khuôn mặt của con người khiêm hạ trước Thiên Chúa vì hoàn toàn tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu theo thánh Phaolô được “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” chính là trong khía cạnh này : “cùng chết với Người để được cùng sống lại với Người”. Giáo Hội hôm nay vẫn phải học bài học khiêm hạ và vâng phục ấy của Đức Kitô trong sự hiến mạng sống mình cho nhiều người được cứu độ. Thế nhưng trên các trang mạng mệnh danh là công giáo hôm nay, không thiếu gì những kẻ tự xưng là kitô hữu nhưng lại nhất quyết đòi tiêu diệt những kẻ chống đối mình hay ngay cả những người không đồng cảm và đồng thuận với mình, chỉ nhằm thỏa mãn cái tâm lý hiếu thắng và kiêu ngạo nơi bản tính đã sa đọa của con người.
  3. Bài Tin Mừng thì trình bày khuôn mặt của Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Độ, là khuôn mặt mà Giáo Hội coi như là nguyên mẫu và hình ảnh của chính mình. Đấy là khuôn mặt luôn khao khát được hiểu rõ ý muốn của Thiên Chúa trên đời sống mình và sẵn sàng trở nên người tôi tớ Phục Vụ cho kế đồ của Thiên Chúa. Có nhiều điều phải được khám phá về khuôn mặt kỳ diệu của Mẹ, trong đó phải nói trước hết là thái độ chân thành tìm kiếm chân lý về ơn gọi và đời sống của mình qua cuộc đối thoại Thần Linh giữa Mẹ và Sứ Thần. Cuộc đối thoại là một sự trình bày tất cả những giới hạn của bản thân cho Thiên Chúa, với một tâm nguyện đón nhận lời giải đáp cuối cùng ở nơi Thiên Chúa. Trong đó chúng ta thấy có những giới hạn mà sức con người không thể vượt qua. Giáo Hội hôm nay cũng không thiếu gì những giới hạn cụ thể như thế nếu nhìn từ góc độ nhân loại, cách riêng những tội lỗi của mọi thành phần Dân Chúa, đang tàn phá sức sống của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội trong sự cầu nguyện khiêm tốn của mình, nhìn nhận những giới hạn ấy và sẵn lòng và chỉ đón nhận lời giải đáp của Thiên Chúa. Khuôn mặt của Đức Maria còn trổi vượt ở sự toàn tâm toàn ý Phục Vụ cho mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người : không chỉ là cưu mang, sinh hạ mà còn là cùng với Con hiến dâng mạng sống để cứu độ. Tất cả hành trình này được soi sáng và hướng dẫn bởi một nguyên lý duy nhất “Tôi Xin Vâng”. Giáo Hội cũng gắn bó đời mình với duy Lời Thiên Chúa. Theo đó Lời đã đi đến tận cùng trong khẳng định của chính Lời Nhập Thể “Con Người đến để tìm kiếm những gì đã hư mất”.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc