TUẦN THÁNH – LỄ LÁ 2011

 

KIỆU LÁ

Dẫn vào Nghi Thức :

Để khởi đầu Tuần Lễ Thánh tưởng niệm và cử hành Cuộc Vượt Qua của Chúa chúng ta, Giáo Hội mời gọi con cái mình trước hết tưởng niệm và cử hành việc Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem với tâm tình hân hoan đơn sơ của trẻ em cũng như toàn dân Do Thái cách riêng của các môn đệ của Chúa nhưng với niềm tin vào Căn Tính và Sứ Mạng của Người là Đức Kitô Đấng Cứu Độ trần gian, chứ không dừng lại trong quan niệm về vị Vua Trần Thế. Điều này đòi hỏi chúng ta trong suốt Tuần Lễ này phải khiêm tốn để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đi theo từng bước chân Cứu Thế của Chúa Giêsu.

Vì thế giờ đây, qua Nghi Thức làm phép và Kiệu Lá này, chúng ta nài xin Chúa thánh hóa và đổi mới con tim chúng ta: khi cầm nhành lá trong tay, chúng ta hướng về Đức Giêsu, tuyên xưng Ngài là ĐƯỜNG, là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG của chúng ta.

BÀI PHÚC ÂM: Mt 21, 1-11

Qua Bài Tin Mừng, bằng lời nói và hành động, Chúa Giêsu khẳng định về căn tính và sứ mạng của Ngài :

+   Ngài đến là để làm mọi sự theo Thánh Ý Cha đã được các tiên tri loan báo, vì thế trước hết Người là NGƯỜI CON VÂNG PHỤC.

+    Người Con vâng phục nhưng là Người Con mà Cha đặt làm VUA NHÂN LOẠI MỚI, cũng là Vua Nhân Ái và Phục Vụ anh chị em của mình qua hình ảnh con lừa trong Tin Mừng này.

+    Căn tính và sứ mạng ấy của Chúa Giêsu, khi còn ở thế gian, và ngay cả hiện nay dù đã hoàn thành công cuộc Cứu Thế, vẫn mãi mãi là một điều gây thắc mắc cho nhân loại ở mọi thời, mọi nơi : “Người đó là ai vậy?”. Vì thế là Kitô hữu, theo thánh Phêrô “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.16 Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống,17 bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác.

Với những ý nghĩ khiêm hạ này, chúng ta hãy tiến vào Đền Thánh theo sau Chúa chúng ta.

 

THÁNH LỄ

Tiên tri Isaia nói về sứ mạng người tôi tớ của Thiên Chúa, theo truyền thống được áp dụng cho Đức Kitô, như sau “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”. Lời tiên tri đã thành hiện thực với Đức Giêsu Kitô. Trong trình thuật Cuộc Thương Khó theo thánh sử Matthêu, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nhìn thấy tất cả con người và hành động của các môn đệ là những kẻ sẽ gục quỵ trước sự quyến rũ và tàn bạo của thế gian, nhưng Người đã không một lời than trách hay kết án, nhưng luôn có những lời nâng đỡ khích lệ và củng cố niềm tin cho họ. Cụ thể ngay cả đối với Giuđa kẻ nộp Người, Người cũng chỉ nói đơn giản “Hỡi bạn, bạn đến đây làm chi?” Một lời thương yêu hơn là lời kết tội. Hay với Phêrô Chúa cũng chỉ nhắc nhở “Thầy bảo thật con, chính con đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần”, điều quan trọng các môn đệ phải nhận thức rằng “Tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy trong chính đêm nay, vì có lời chép rằng: 'Ta sẽ đánh chủ chăn, và các chiên trong đoàn sẽ tan tác'. Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con”. Nhận thức được như thế họ sẽ không đánh mất Niềm Tin.

Để thực hiện sứ mạng đó, với Tình Yêu vô biên, Chúa Giêsu theo thánh Phaolô diễn tả qua đoạn thư gửi tín hữu Philipphê đã chấp nhận con đường tự hủy “Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Chính Chúa cũng nói về cái chết của mình “này là Máu Ta, Máu Tân Ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Người chết là để ký Giao Ước Yêu Thương lạ lùng với các tội nhân.

Còn về căn tính của Đức Giêsu, một vấn đề trọng tâm mà người Do Thái cho dù phải nói rằng họ đã được tận mắt thấy sứ mạng và cách thi hành sứ mạng của Người, nhưng họ vẫn muốn phủ nhận căn tính Thần Linh của Người. Biết bao lần họ đã chất vấn Ngài “Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không” hoặc “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?”, không phải có ý định chân thành tìm hiểu, nhưng chỉ là chờ câu trả lời để có thế kết án Người như “thầy thượng tế xé áo mình ra và nói:  "Nó đã nói lộng ngôn! Chúng ta còn cần gì đến nhân chứng nữa?”. Đúng như Philatô nhận định “chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người”.

Ngày nay Giáo Hội luôn luôn khẳng định về sứ mạng và cách thi hành sứ mạng của mình theo gương Chúa của mình : sứ mạng nâng đỡ và củng cố lòng tin nơi Thiên Chúa Tình yêu, bằng sự tận tụy phục vụ cách riêng người nghèo và các tội nhân. Thế nhưng cũng như Thầy mình, Giáo Hội luôn luôn gây nên những vấn nạn nơi mọi thế lực trần gian về căn tính. Họ luôn nghi ngờ và ghen tỵ với Giáo Hội. Ngay cả một số thành phần trong Giáo Hội, vì bị mê hoặc bởi những tham vọng cá nhân, đã không ngần ngại nộp Giáo Hội , và làm cho Giáo Hội luôn phải sống trong những phê phán cay độc, thậm chí bị bách hại và bị tiêu diệt.

Hôm nay khi cầm cành lá tung hô Vua Cứu Thế, chúng ta phải xem lại chúng ta có thấy rõ sứ mạng và cách thực thi sứ mạng của Người? Chúng ta còn tin vào Căn Tính Thần Linh của Người và con đường sống căn tính ấy qua sự tự hủy vì yêu thương cho đến cùng, để có chấp nhận đồng cảm và đồng thuận với con đường ấy chăng? Có một điều chắc chắn là, khi không đồng cảm và đồng thuận chúng ta sẽ đứng trong hàng ngũ những kẻ bách hại Ngài.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc