LỄ CHÚA PHỤC SINH

Lễ Vọng

PHẦN I : LÀM PHÉP LỬA VÀ NẾN PHỤC SINH :

CS : Dấu Thánh Giá và chào cộng đoàn như thường lệ, sau đó ngỏ lời như sau :

          Anh chị em rất thân mến,

          Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta theo Lời dạy của chính Chúa Giêsu là “Canh Thức và Cầu Nguyện”. Nhưng thế nào là “Canh Thức và Cầu Nguyện” thì chính các nghi thức trong Đêm Cực Thánh này cho chúng ta cơ hội để hiểu và sống.

Trước hết Canh Thức và Cầu Nguyện phải dưới Ánh Sáng của mầu nhiệm Chúa Giêsu. Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người chính là Ánh Sáng tỏa chiếu từ Lửa Tình Yêu của Thiên Chúa.

Vì thế trước hết chúng ta xin Chúa làm phép cho Lửa mới này, là hình ảnh Lửa Tình yêu mà Chúa Giêsu đã đem xuống trần gian, và cũng xin Chúa làm phép cây nến Phục Sinh mới này là biểu tượng của Đấng đã Sống Lại, để nhờ Ánh Sáng của Lửa Tình yêu và Nến Phục Sinh soi chiếu tâm trí chúng ta trong đêm Canh Thức cực thánh này.

Sau đó đọc Lời nguyện làm phép Lửa mới.

Tiếp theo là làm phép Nến Phục Sinh.

Châm lửa đốt nến Phục Sinh.

Bỏ hương

          KIỆU NẾN PHỤC SINH

          Nâng cao nến PS và hát Ánh Sáng Chúa Kitô.

          Mọi người đáp : Tạ ơn Chúa

          Lần 2 tại cửa nhà thờ : sau đó châm nến cho mọi người

          Lần 3 tại Cung Thánh : sau đó Thắp hết các đèn nhà thờ

          đặt nến trên giá nến.

          CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH :

          Bỏ hương, xông hương nến và sách trước khi công bố.

PHẦN II : PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Tắt nến ngồi.

CS : Anh chị em thân mến,

          Chỉ dưới Ánh Sáng mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu việc đọc và lắng nghe Lời Chúa mới có thể bộc lộ cho chúng ta những chân lý Cứu Độ, và có sức hoán cải tâm hồn, cho chúng ta đi vào chương trình và hành động yêu thương của Thiên Chúa.

          Chúng ta hãy ngẫm xem chương trình và hành động của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước đã chuẩn bị cho Đức Kitô một dân riêng như thế nào và trong thời đại cuối cùng này, thời của Giao Ước mới, trong lòng Dân Thiên Chúa, Đức Giêsu, Người Con Một Thiên Chúa đã sai đến đã cứu chuộc và thiết lập chúng ta nên Dân Mới của Thiên Chúa ra sao.

          Hiểu được như thế, chúng ta cũng hãy tha thiết cầu nguyện để xin Thiên Chúa hoàn tất công trình của Người nơi chúng ta hôm nay.

          Tất cả những nghi thức long trọng đêm nay làm nên cuộc Canh Thức và Cầu Nguyện mẫu mực mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện trong suốt cuộc đời.

Sau bài đọc Thánh Thư CS hát xướng 3 lần ALLELUIA

Sau bài Tin Mừng : Chia sẻ Lời Chúa :

Anh chị em rất thân yêu,

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một điều từ câu chất vấn của hai sứ thần “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết?”. Thoạt mới đọc và nghe, chúng ta nghĩ ngay đến đó là cách sứ thần loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu như chính các Ngài cắt nghĩa sau đó “Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Nhưng tôi lại thấy ở đây lời chất vấn còn có một ý nghĩa rất căn bản cho đời sống đức tin trong thời đại hôm nay : “Tại sao hết thảy chúng ta lại đi tìm sự sống của chính mình nơi những kẻ chết?”

Phải với cái thời đại mà ở khắp nơi dường như con người hôm nay đang hết sức nỗ lực để loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi mọi cơ cấu xã hội, như Đức Thánh Cha Bênêdictô không ngừng cảnh báo, thì dưới ánh sáng của mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Đức Giêsu thì đó là một thế giới của những kẻ chết. Thế nhưng chúng ta, kể cả các tín hữu lại chẳng đang tìm kiếm sự sống của mình chỉ trong cái thế giới này đó sao?

Không riêng gì mấy phụ nữ từng đi theo Chúa Giêsu khi đến mồ mai táng Chúa, một người mà họ xác tín là đã chết, mà ngay cả các tông đồ khi nghe các bà thuật lại câu chuyện, thì cũng cho là vớ vẩn, và họ cũng đíach thân chạy ra mồ của người đã chết, và chỉ khi được chứng kiến mộ trống, các ông cũng như mấy phụ nữ kia mới nhớ lại những lời Người đã nói. Theo đó sự sống thật chỉ có trong chính sự chết của Đức Giêsu.

Trong suy nghĩ ấy, thánh Phaolô đã viết “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.

Nhưng liệu niềm tin ấy có còn tồn tại trong cuộc sống người tín hữu chúng ta hôm nay không?

Biết bao cha mẹ tín hữu chúng ta không những đi tìm sự sống cho mình, mà nhất là sự sống cho con cái hầu như chỉ trong những cơ chế và tổ chức của xã hội không có Thiên Chúa. Họ đã từ chối cho con cái đi lễ, đi nhà thờ, đi học giáo lý và tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội.

Biết bao bạn trẻ tín hữu hôm nay đi tìm sự sống cho mình ở những thú vui và phương tiện trần tục, có khi là tệ nạn xã hội. Trong khi đó những cơ chế của sự sống thật mà Chúa Tử Nạn và Phục Sinh đã thiết lập lại bị gạt bỏ ra ngoài, hay chỉ tham dự cách vô hồn.

Vì thế câu chất vấn của các sứ thần “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết?” phải được mỗi người chúng ta trả lời trong từng ngày sống. Và cần loan báo Tin Mừng mà thánh Tông Đồ đã rao giảng “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta”. Chỉ trong Sự Chết của Đức Kitô mới có sự sống thật. Niềm tin này giờ đây được tuyên xưng trong Phụng Vụ Thanh Tẩy mà chúng ta cử hành.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc