SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN II PS-2011.

 

Những bài Kinh Thánh của Chúa Nhật hôm nay đều muốn cho chúng ta hiểu và đón nhận Tin Mừng Phục Sinh như là nền tảng của Đức Tin Kitô giáo.

Trước hết qua bài Tin Mừng cho thấy sau khi Phục Sinh , Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông vào mầu nhiệm Phục Sinh. Niềm tin này sẽ thay đổi tận gốc rễ mọi quan niệm và mọi tương quan của các ông đối với Ơng Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho Dân Người.

Nhờ sự cứng lòng tin của ông Toma, mà chúng ta có thể chắc chắn rằng niềm tin của các tông đồ, là một niềm tin xác thực, được tôi luyện, và được chứng thực bởi các bằng chứng không thể phủ nhận. Qua đó, niềm tin Phục Sinh bao hàm “Sự Bình An, Niềm Vui và nhất là Thánh Thần thánh hóa” để người môn đệ có thể lãnh nhận sứ vụ của chính Đức Giêsu “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhưng với Toma, chúng ta còn phải thấy Niềm Tin Phục Sinh không thể tách rời khỏi niềm tin vào Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa, không phải chỉ như những biến cố kế tục trong thời gian, mà là một biến cố duy nhất không thể phân chia. Chính thánh Gioan tông đồ cũng muốn cho chúng ta khám phá ra chân lý này, khi ngay trong tường thuật về cuộc Thương Khó của Chúa, thánh nhân đã cho thấy “Nước và Máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu” của Chúa. Đó là Nước Thánh Thần, Nước hằng sống.

Trong thời đại chúng ta hôm nay, dường như ngay cả người Kitô hữu chỉ muốn tin vào Sự Phục Sinh không có Khổ Nạn!

Có thể người ta dễ dàng đón nhận lời thánh Phaolô trong đoạn thư hôm nay “Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết”, nhưng người ta thấy không thể chấp nhận điều sách Công Vụ Các Tông Đồ trình bày về niềm tin Phục Sinh của Hội Thánh sơ khai đã khiến cho những kẻ tin “bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người”.

Nhưng sự thật của Tin Mừng Phục Sinh không những chỉ là “bán tài sản gia nghiệp”, mà quan trọng hơn như Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” đó là Tin Mừng về Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa cũng làm cho môn đệ trở thành sứ giả của Ơn Tha Thứ. Và để có thể là bằng chứng của ơn Tha Thứ ấy tất nhiên cuộc sống của người môn đệ phải là một HIẾN LỄ CỦA CHIÊN THIÊN CHÚA.

Có lẽ vì lý do đó, mà Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngày CN này để cử hành lễ Lòng Thương Xót Chúa.

Lòng Thương Xót không những đã phó nộp Con Một để tha thứ cho nhân loại tội lỗi, mà còn ban Thánh Thần để họ được đồng thừa tự sản nghiệp vinh quang của Con Một Người.

Là tông đồ của Lòng Thương Xót cũng có nghĩa là thông hiệp vào cuộc Khổ Nạn của Con Thiên Chúa để đón nhận Thánh Thần Yêu Thương.

Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta cần có Tin Mừng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để con người không bị thất vọng trong bối cảnh cuộc sống từ gia đình đến xã hội càng ngày càng chồng chất khổ đau và sự chết.

Người Kitô hữu chân chính phải luôn làm vang dội trong cuộc sống của mình lời Thánh Vịnh “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” để đem lại niềm hy vọng cho thế giới.

Lm. Giuse Bảo Lộc