SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VI PS – A

 

 

Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi” với những lời này, Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, và qua họ, Ngài sẽ thông ban Chúa Thánh Thần cho những kẻ tin. Lời hứa ấy chúng ta thấy Chúa đã thực hiện như sách Công Vụ Các Tông Đồ tường thuật việc Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã “đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”. Ngày nay, tuy mắt không được thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống, nhưng qua nhiều chứng nhân anh dũng trong Giáo Hội trải qua mọi thời đại, chúng ta có thể xác tín rằng qua việc đặt tay của các Đức Giám Mục kế vị các Tông Đồ, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục được thông ban cho các tín hữu trong Bí Tích Thêm Sức.

Tuy nhiên chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần là ai : “Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận”, và sứ vụ của Ngài là “Người sẽ làm chứng về Thầy” “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại”và “Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Và chúng ta có thể khẳng định qua tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ, thì mọi lời và hành động của Chúa Giêsu mà Chúa Thánh Thần phải làm chứng và loan báo có thể quy về một điều duy nhất “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Và chúng ta cũng biết rõ điều Chúa truyền dạy như là giới răn riêng của Chúa “Là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”

Như vậy, Chân Lý mà Chúa Thánh Thần loan báo chính là Tình yêu của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Tình Yêu nơi Chúa Giêsu là “Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con”. Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu ấy, là thực tại của việc “ở trong” như Chúa Giêsu nói đến. Và theo Thánh Phêrô thì đó là “niềm hy vọng” mà chúng ta phải “luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do

Thánh Phêrô cho thấy rằng việc “ở trong” mà Chúa đòi hỏi không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi thường phải lội ngược dòng với cuộc sống trần gian, vì cuộc sống của thế gian là cuộc sống không thấy, không nhận biết và không tiếp nhận chân lý ấy và như thánh Phêrô nói cái cuộc sống thế gian luôn lăng mạ, gièm pha chân lý tình yêu này. Một Tình Yêu “đã chết một lần cho tội lỗi chúng tađể hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa”.

Trong hoàn cảnh thế gian mà chúng ta đang sống đây tiếng nói của Thánh Phêrô phải được nói lên cách cấp bách và mạnh mẽ để thức tỉnh con người đang mỗi ngày chìm sâu trong lối sống không còn biết tới Tình Yêu Chân Chính ấy, mà chỉ biết thác loạn trong tình yêu kéo mình ra khỏi Thiên Chúa : mà bản chất của thứ tình yêu thác loạn này là gieo rắc hận thù, mâu thuẫn, chia rẽ và đấu tranh chống lại anh em mình.

Hơn bao giờ hết, người giáo dân hôm nay phải trả lời cho thế gian, như thánh Phêrô mời gọi, bằng một cuộc sống “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác”.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc