SUY NGHĨ  VỚI LỜI CHÚA CN III PS-A

Trong bài truyền đạo khởi đầu cho sứ vụ Tông Đồ, thánh Phêrô, thay mặt Tông Đồ đoàn đã muốn cho chúng ta khám phá ra trọng tâm của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã loan báo và làm chứng bằng cả sự sống, sự chết và sự Phục Sinh của Người : đó là Kế Hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người, bằng những lời rất rõ ràng : “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em” hay  “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết.” Thánh Phêrô còn trưng dẫn Kinh Thánh để khẳng định về kế hoạch từ ngàn đời của Thiên Chúa và nhất là với biến cố Ngày Ngũ Tuần, khi Thiên Chúa đổ Thánh Thần xuống trên Dân Mới, chính là đóng dấu ấn trên Giáo Ước mới của Người với Dân Riêng.

Thánh Phaolô còn triển khai ân huệ Thánh Thần theo đó khi Thiên Chúa ban Thánh Thần của Con cho chúng ta, Người thực sự đón nhận chúng ta là con của Người, những người con được thánh hóa và được giải thoát khỏi ma lực của tội lỗi. Nhờ đó chúng ta mang niềm hy vọng được chiến thắng sự chết và bước vào sự sống thật với Người.

Như vậy với tư cách là  người Kitô Hữu không có điều gì quan trọng hơn chính là nơi họ luôn bừng sáng MỘT NIỀM HY VỌNG mà thế gian không thể có. Đó là Niềm Hy Vọng nơi Lòng Thương Xót của Chúa đã được nên thành toàn trong Đức Giêsu. Chính vì lý do đó Tân Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã không mệt mỏi để gióng lên trong suốt 28 năm Giáo Hoàng của Người lời mời gọi “Đứng Sợ, hãy mở rộng mọi cánh cửa đời sống cho Đức Kitô” : canh cửa tâm hồn, cánh cửa gia đình, canh cửa mọi tầng lớp xã hội.

Phải, hơn thời đại nào khác, chúng ta đang phải đi trên một hành trình phủ kín những mây đen của tuyệt vọng và đầy lo âu sợ hãi. Ngay trên mảnh đất nhỏ bé quê hương Việt Nam thân yêu này. Trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 HĐGMVN đã dành chương 1 để sơ lược về hiện trạng quê hương với một kết luận “Đây quả là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.”  Vì cho dù nhìn dưới góc độ nào : kinh tế, xã hội, văn hóa hay đời sống tôn giáo đều thấy những lỗ hổng lớn lao.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng này là một phác họa rất điển hình : Trên đường về Emmau, 2 người môn đệ vẻ mặt buồn rầu khi họ trao đổi với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Thất vọng, sợ hãi khiến họ muốn trở về cuộc sống cũ, tuy không có niềm hy vọng, nhưng ít ra nó không có những biến động chết người. Đa số chúng ta có lẽ cũng đang chui vào những vỏ ốc cuộc đời mặc cho going đời trôi giạt.

Nhưng chính trong bối cảnh đó, mọi sự đã thay đổi khi Đức Giêsu lên tiếng : Người dùng Lời Kinh Thánh để soi sáng những biến cố, cách riêng cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh khiến lòng 2 môn đệ ấm lên niềm tin. Và đặc biệt khi Người bẻ bánh, một hiến tế vì Tình Yêu môn đệ, đã mở mắt 2 ông : và 2 ông đã chuyển hướng hành trình để ra đi loan báo Tin Mừng : Tất cả là Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong Đức Giêsu.

Chớ gì chúng ta biết chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, và để Lời Chúa soi sáng cuộc sống từng ngày, và nhất là hãy để Bánh Thánh Thể mở mắt chúng ta nhìn thấy Người là Tình Yêu Thiên Chúa phó nộp vì chúng ta : chỉ có cách đó, chúng ta mới ra khỏi những bóng tối của thất vọng và khổ đau, đồng thời rực sáng lên niềm Hy Vọng.

Lm. Giuse Bảo Lộc