SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

 

 

Khi ngợi ca Bí Tích Thánh Thể, cùng với thánh Toma tiến sỹ Giáo Hội tuyên xưng “Tại bàn tiệc này của Đấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.” Vì vậy, chúng ta không thể đón nhận và tôn thờ Thánh Thể một cách xứng đáng nếu không tham dự vào biến cố Vượt Qua này.

Trước hết khi giải thích ý nghĩa hành trình vượt qua sa mạc, sách Đệ Nhị Luật nhắc lại lời Môsê đã khẳng định điểm cốt lõi của biến cố là “để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thực vậy chính Lời Chúa đã gọi dân ra khỏi đất Ai Cập, đã quy tụ và biến đổi những con người sống trong cảnh nô lệ, chia rẽ và phân tán thành một dân tộc duy nhất nhờ sống theo Lề Luật mà Người đã trao ban trên đỉnh Sinai. Chính Lời và Lề Luật đã phơi bày mọi bí ẩn trong tâm can họ, “để rèn luyện và thử thách”, thanh lọc cái não trạng nô lệ và xác thịt, để biết tin và đi theo Lề Luật Chúa. Trong bối cảnh đó manna chỉ được ban xuống khi họ hết bột và lương thực đã đem theo vào sa mạc. Manna chỉ đến từ Lời Chúa, và Lời đã nuôi sống họ suốt 40 năm trong hoang địa, và mãi mãi là sự sống của Dân Chúa trong đất hứa như lịch sử nhiều ngàn năm của Israel minh chứng.

Tác giả Thánh Vịnh Đáp Ca khi chiêm ngưỡng biến cố ấy đã khẳng định đó là Hồng Ân Thiên Chúa dành riêng cho Dân Ngài : “Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế.”

Tác giả thư Do Thái mà theo phần đông học giả đều cho là chính Thánh Phaolô đã viết “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” Theo đó Chúa Giêsu chính là “Lời Nhập Thể”. Lời Nhập Thể ấy giờ đây được trao ban cho chúng ta trong “Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra” và cho chúng ta được “thông phần vào Mình Chúa” cũng chỉ là để nhằm tới cùng đích cho “chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Tuy nhiên, để đạt tới được điều ấy, trong nhiều đoạn thư khác, thánh Tông Đồ cũng đòi buộc trước đó phải có sự thanh tẩy lòng trí khỏi mọi dính bén với tội lỗi, cách riêng lối sống ích kỷ không biết tôn trọng và yêu thương anh chị em mình. Nói cách khác, cũng phải tái hiện lại Hành Trình Vượt Qua.

Nhưng nếu manna chỉ là lương thực của cuộc vượt qua từ Ai Cập vào Đất Hứa, thì Bí Tích Thánh Thể lại là lương thực của Cuộc Vượt Qua đi từ “đêm tối tăm” đến “sự sáng sủa” để cho chúng ta không phải chỉ là đến thừa hưởng một mảnh đất “chảy sữa và mật” như Israel xưa, mà là “thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời”.

Và đó chính là điều Chúa Giêsu giải thích trong bài Tin Mừng “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Thánh Thể là lương thực cuộc Vượt Qua từ “cõi chết” đến “Cõi Sống”. “không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Tuy nhiên chúng ta nhớ lại câu chuyện của 2 môn đệ trên đường Emmaus để khám phá ra ờ đây, trong và nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được mở mắt để nhìn thấy bản chất của cuộc Vượt Qua này vẫn là một cuộc vượt qua từ “khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang”. Có nghĩa là cuộc Vượt Qua đi từ sự “Tự Hủy mình”, lột bỏ những tham vọng và ước muốn ích kỷ “vinh thân, phì gia” để “Yêu thương cho đến cùng”, như là người tôi tớ phục vụ anh chị em mình và chết cho họ được sống. Đây là cuộc Vượt Qua để hình thành và phát triển Dân và Gia Đình của Thiên Chúa, hình thành và phát triển thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô, cho chúng ta thực sự là “công dân thánh của nước trời”.

Có lẽ chúng ta chưa đủ nhận thức và sống cái chiều kích đích thật của Bí Tích Thánh Thể : là Bí Tích của sự hiệp thông bắt nguồn và hướng về sự Hiệp Thông trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó việc cử hành Thánh Thể của chúng ta thay vì là một sự đón nhận và tôn thờ SỰ HIỆP THÔNG THÁNH THIÊNG càng ngày càng trở nên những cách thức báng nhục Lời Thiên Chúa khiến cho thánh Phaolô từng than thở “tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại”. Những điều khiến thánh nhân phải đau khổ là vì những buổi họp của người Corintho đầy rẫy những chia rẽ và cá nhân ích kỷ. Trong khi Thánh Thể là Lời mời gọi họ “làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.

Đồng quan điểm với thánh Phaolô tôi nhắc nhở những ai đến với cử hành Thánh Thể mà không có cố gắng trở nên dấu chỉ cho sự hiệp thông thì họ không nên tới. Những cách tham dự thánh lễ như đứng ở ngoài, đứng ở xa không thấy và không nghe và không làm với mọi người thành một thân thể duy nhất đều là sự báng bổ đối với Bí Tích Thánh Thể này, là Lời mời gọi chúng ta làm nên một thân thể duy nhất của Đức Kitô.