SUY NIỆM VỚI LỜI CHÚA CN I MC-B

 

Những bài đọc trong thánh lễ hôm nay đưa chúng ta đối diện với một thực tế luôn tồn tại trong mầu nhiệm Hội Thánh : đó là những cám dỗ, những thử thách đòi hỏi một nỗ lực không ngừng sự chiến đấu và thanh luyện nhờ Tin Mừng.

Bài trích sách Sáng Thế trình bầy Giao Ước của Thiên Chúa với ông Noe tuy không nhắc tới những gì Noe và con cháu phải tuân giữ mà chỉ nhấn mạnh đến sự cam kết của Thiên Chúa không bao giờ cho tái diễn lụt đại hồng thủy, nhưng qua đó, chúng ta vẫn có thể mường tượng ra được sức tàn phá hủy diệt mà tội lỗi đã gây ra cho nhân loại, và chính Thiên Chúa phải can thiệp để cứu thoát Noe và gia đình ông. Con tầu Noe vốn được xem là hình ảnh con thuyền Hội Thánh hôm nay, con thuyền đã tồn tại qua mọi bão táp nhờ sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa chở che. Vấn đề mà bài Kinh Thánh muốn nhắc nhớ chúng ta là cũng như Noe, Hội Thánh mang nơi mình Giao Ước của Thiên Chúa, điều ấy đòi hỏi Hội Thánh như đã đòi hỏi Noe sự kiên vững trong đức tin vào Giao Ước của Thiên Chúa để không rơi vào những cám dỗ của những thần tượng trần tục. Thái độ phải có của Hội Thánh cũng là thái độ của con cháu Noe được diễn tả trong Thánh Vịnh Đáp Ca “Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa

Thánh Phêrô cũng đã nhắc lại câu chuyện Noe như là hình bóng của bí tích Rửa Tội khi viết cho các tín hữu “Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng”, lương tâm giúp cho chúng ta “sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Nhờ đó chúng ta được tham dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Theo đó Lời Thiên Chúa chính là Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng, Lời đó đòi hỏi người Kitô hằng ngày phải sám hối, quay về và tuyên xưng lòng tin vào Tình Yêu bao dung của Thiên Chúa Cha. Tuy Phúc Âm Marcô không trình bầy những thử thách và cám dỗ của satan đã đưa ra cho Chúa Giêsu trong hoang địa, nhưng chúng ta biết mọi cám dỗ đều có chung một mục tiêu, là khiến cho Đức Giêsu hiểu sai Lời Thiên Chúa, hoặc làm ngược lại Lời Thiên Chúa, hoặc lạm dụng Lời Chúa, tất cả để bao che những tham sân si của mình, hoặc tìm thỏa mãn nhờ quyền lực của tối tăm, tách mình ra khỏi Tình Yêu và sự Trung Tín với Giao Ước.

Và chính Chúa Giêsu cũng đã dạy các môn đệ “Các con hãy cầu nguyện liên lỉ kẻo sa chước cám dỗ”, lời dạy này nhắc nhở cho chúng ta lịch sử của Hội Thánh luôn là lịch sử của nỗ lực chiến đấu với các cám dỗ. Chính thánh Phêrô cũng dạy “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. 9 Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.”

Vì thế lời dạy của Chúa Kitô luôn luôn còn cần thiết cho tất cả chúng ta không trừ ai để có thể đứng vững trong đức tin “anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng

Lm. Giuse