Chiếu Tỏa Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa


 

Ngày 01 tháng 05: Cần có công bằng xã hội

Bản dịch: Nam Nguyên

 

Biến cố hôm nay vào năm xưa

 

1707:  ScotlandEngland thống nhất với nhau theo Đạo Luật của Quốc Hội (Act of Parliament). ScotlandEngland cùng với xứ Wales hiệp nhất lại với nhau lập thành một quốc gia dưới danh xưng Great Britain

1851:  Hội Chợ Quốc Tế đầu tiên khai diễn tại Crystal Palace Luân Đôn.

1964:  Một thảo chương máy vi tính về ngôn ngữ BASIC có hiệu đa dụng khiến ai cũng sử dụng được đã dược trình bầy công khai tại Dartmounth College

1997:  Ông Tony Blair thủ lãnh Đảng Lao Động Anh Quốc chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử.

 

 

Tư tưởng chính hôm nay

 

Thật là một mầu nhiệm cao cả là Chúa Kitô bắt đầu làm việc trước khi bắt đầu giảng dậy.  Ngài là người lao động khiêm nhường trước khi làm thày dậy của mọi quốc gia.___Đức Giáo Tông Piô XII

 

 

Suy niệm trong ngày

 

Bill Firman:

 

Ngày đầu tiên của tháng Năm được gọi là “Ngày Tháng Năm”, là ngày lễ nghỉ chính thức của nhiều quốc gia trên thế giới cùng cử hành để ghi ơn người lao động - đặc biệt đây là ngày truyền thống của các nước theo chủ nghĩa cộng sản. Giáo Hội Công Giáo cũng lấy ngày 1 tháng Năm để mừng kính thánh Giuse là người lao động.

 

Giáo lý về công bằng xã hội của Giáo Hội Công Giáo được triển khai vào thời điểm từ năm 1880 đến 1891 như một đáp ứng cho các hệ quả của Cuộc Cách  Mạng Kỹ Nghệ. Vào thời điểm này, chủ thuyết tự do, chủ thuyết tư bản, và chủ nghĩa xã hội cạnh tranh với nhau trong đường hướng trung thành với tư tưởng và xã hội. Đức Giáo Tông Leo XIII (1878-1903) đã xem xét cảnh khốn cùng và nghèo đói của giới công nhân tại các quốc gia kỹ nghệ, và ngài nhận thấy được cảnh cơ bần nằm trong tay đại đa số dân chúng, còn sự giầu sang phồn thịnh thì lại trập trung vào tay của một thiểu số người. Năm 1891, Đức Giáo Tông Leo phát hành thông điệp Rerum Novarum (Về những cảnh sống của giới lao động), ngài phản bác chủ thuyết xã hội chủ trương bênh vực cuộc đấu tranh giai cấp xã hội, và ngài cũng không nhìn nhận quyền tư hữu tài sản. Đức Giáo Tông minh xác quyền tư hữu, và phân biệt quyền sở hữu chính đáng với quyền sử dụng chính đáng. Ngài củng cố việc trả lương đủ để sinh sống, và minh xác quyền của giới thợ thuyên được tổ chức theo tinh thần cộng tác hơn là sử dụng tranh đấu giai cấp như một phương tiện căn bản để thay đổi bộ mặt xã hội. Đức Giáo Tông Leo viết về Giáo Hội có quyền giáo dục dân chúng hành sự một cách công chính, đồng thời cổ võ sự hòa hợp trong xã hội.

 

Từ ngày phát hành thông điệp Rerum Novarum, có rất nhiều bức tông thư khác về công bằng xã hội đề cập đến lao động và các vấn đề liên hệ. Ba bức tông thư của Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II, trong số này có tông thư Centesimus Annus (Năm thứ 100 – sau Rerum Novarum) công bố vào năm 1991. Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II ôn lại các quyền lợi và nhân phẩm của giới công nhân, rồi kêu gọi thế giới giảm bớt hay bỏ hẳn các món nợ của thế giới đệ tam; bác bỏ chủ nghĩa tiêu thụ; lên tiếng bảo vệ sinh thái nhân loại cũng như nền dân chủ chân chính dựa trên nhân quyền và hòa giải những bất đồng; bác bỏ chiến tranh bằng các cuộc thương thảo để giải quyết các xung đột theo đường lối bất bạo động; ủng hộ thị trường tự do, nhưng phải công bằng; quan tâm đển các nhu cầu của những người thuộc thế giới thứ tư – là những người sống bên lề xã hội như:  người cao niên, giới trẻ, và phụ nữ.

 

Lời cầu nguyện

 

Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II đã nói:"Thế giới này không phải là sự nguyền rủa, mà là ân phúc đến từ Thiên Chúa.” Xin Chúa chúc lành cho con với một lương tâm làm việc trong sáng để con có thể trở thành người công chính biết cảm thông.  Amen