Lễ tịch điền là ngày lễ khởi đầu việc làm ruông trong năm (Tịch: mở . Điền: ruộng), mang ý nghĩa khuyến nông. Lễ đã có từ thời nhà Tiền Lê, sử sách kể lại : vào năm 987, dưới thời vua Lê Đại Hành. khi nhà vua cày ruộng đã phát hiện được một hũ vàng. Năm sau (988), nhà vua cày ở thửa ruộng khác lại được một hũ bạc. Vì thế mà những thửa ruộng này được đặt tên là  "Kim ngân điền". Chắc số vàng, bạc này do vua đã cho người chôn sẵn, nhằm khích lệ người ham cày ruộng thì có ngày sẽ “bắt được vàng”. Có ý nghĩa sâu hơn nữa là : siêng năng cày cấy sẽ tạo nên của cải

Thời nhà Lý, lễ tịch điền được coi như ngày lễ hội chính của quốc gia. Vua Lý Thái Tông trong thời gian trị vì đã nhiều lần xuống ruộng tự cầm cày trong ngày lễ hội (năm 1030, 1032, 1038, 1042). Thời nhà Trần vì lo đối phó với ngoại bang nên không đặt nặng, vào thời nhà Hồ thì mất đi truyền thống. Đến thời Hậu Lê, nghi lễ này được khôi phục, vào « năm Hồng Đức thứ 4 (1473), vua Lê Thánh Tông thân hành cày tịch điền và đốc suất các quan cày ». Phải đến thời nhà Nguyễn, lễ hội mới có sự thay đổi, thêm thắt và thực sự được coi trọng . Sử kể lại rằng : Năm Minh Mạng thứ 9 (1829), trong ngày lễ tịch điền, nhà vua tự mình cầm cày 3 đường đầu tiên, rồi đến các quan và hoàng thân quốc thích cày tiếp. Vào thời này, việc tổ chức lễ tịch điền được giao cho bộ Lễ, họ kết hợp với các quan lại và chuẩn bị hết sức chu đáo. Hình ảnh và ý nghĩa của ngày lễ được vua Thiệu Trị viết lại trong 4 câu thơ :

 

Chót vót lầu cao giữa khoảng không

Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng

Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy

Năm tháng thương người trọng việc nông.


Lời bàn
Lễ tịch điền nêu cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việ
t Nam, vua cũng như dân đều yêu mến làm việc, yêu mảnh đất sống và cần cù làm việc trên mảnh đất này. « Phi nông bất ổn » (không có nông nghiệp, xã hội không ổn định), cha ông ta ý thức được tầm quan trọng nên chính các vua chúa đã khuyến khích việc làm ruộng bằng  gương sáng tự cày cấy khai mùa, các vị xem đây  « thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả », đất nước ta « tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng, kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết!»  (lời Vua Minh Mạng). Chúng ta không phân biệt sang hèn, nhưng luôn trân trọng nhớ ơn những người « chân lấm tay bùn » làm nên lúa gạo sản phẩm nuôi sống mình, tô đẹp quá khứ và kiến tạo tương lai, xây dựng lòng tự hào của dân tộc chúng ta.


Hoài Nam