Trương đăng Quế (1793-1865) là 1 danh thần trải qua 4 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Làm quan đến chức Cần Chánh Điện đại học sĩ (Chánh nhất phẩm), tước quận công, hàm thái sư (ngang với chức thủ tướng ngày nay), cũng là vị Tổng Tài Quốc sử quán đầu tiên của triều Nguyễn. Trong 43 năm làm quan đã có tới 20 năm giữ trọng trách, giúp triều đình trị an trong và ngoài nước, ổn định thuế khoá, thu phục nhân tâm. Là thi sĩ, là nhà chép sử, cụ cũng là thầy dạy của vua Thiệu Trị và các hoàng tử thi nhân nổi tiếng như Tùng thiện vương, Tuy lý vương…Đại Nam chính biên liệt truyện có chép về cụ : « (Trương Đăng) Quế lúc làm quan, giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, trải làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng; thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan… đã biết thì không điều gì không nói, đã nói thì không có điều gì không nói hết lời. Triều đình lấy làm trọng, các tiên thánh vốn vẫn chọn dùng... ».

Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), thấy mình đã già nua, không có kế sách chống xâm lăng cứu nước, cụ xin từ chức « Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì  để đánh lại  được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết  mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ" ( Sớ năm 1860 – Sách Đại Nam thực lục). Triều đình không cho từ quan, cụ lại dâng sớ khác xin tự giáng chức, bỏ hẳn tước quận công, xin giảm nửa lương…Trong 3 năm đã dâng sớ 6 lần, mãi đến tờ sớ cuối (1863) vua mới ưng thuận. Khi về hưu, cụ không ở lại kinh thành mà xin về quê nghèo, «Về làng chẳng có cơ đồ sẵn, giúp nước không màng lợi lộc riêng ».Ngay cả khi nhà vua nể nang, thăng cho con trai cụ chức «Hàn lâm viện Thừa chỉ », cụ cũng xin vua rút lại quyết định này, lấy cớ con mình tài hèn đức bạc ; có lẽ cụ nhớ lời đức Khổng Tử « Người hưởng quá tài đức của mình tất có hại về sau » cho mình và cho người vậy.

Có lần vua Minh Mạng ngỏ lời muốn các đại thần gả con gái cho các hoàng tử của mình, lại cho các quan tự do chọn lựa chàng rể. Là người đứng đầu các quan, cụ được chọn trước, nhưng thay vì chọn hoàng tử trưởng để có thể làm cha vợ vua trong tương lai, cụ lại chọn hoàng tử thứ 10 : Tùng thiện vương Miên Thẩm. Khi vua hỏi lý do, cụ trả lời « Tâu các Hoàng tử đều có tài, có đức; duy ông Hoàng Mười thì tài đức cân nhau, con cháu nhờ được dài  ngày, chúng thần đã già, chỉ trông mong con cháu ».Vua Minh Mạng khen :« Tục ngữ đã nói «Phúc đức tại mẫu » (con nhờ đức mẹ).Vậy con cháu cũng nhờ phúc đức  của bên ngoại nữa, nào phải chỉ nhờ bên nội mà thôi đâu. Thế thì gia thất của trò, ta nhờ thầy đào tạo đó”.

Tới lúc vua Minh Mạng sắp băng hà, cho gọi cụ tới gần giường để nói tên người kế vị, cụ nghiêng tai sát miệng vua lãnh di chiếu rồi « dạ »thật to. Triều thần có người nghi ngờ cụ sẽ mưu chiếm ngai vàng cho con rể. Ai ngờ sau đó cụ đứng thẳng, cao giọng tuyên chiếu : «Hoàng đế ban : Hoàng trưởng tử, Trường Khánh Công Miên Tông, sẽ lên kế vị ». Miên Tông chính là vua Thiệu Trị sau này.

 

Lời bàn

Xưa nay, những người có quyền thế thường tìm chức danh lợi lộc cho mình hoặc cho gia đình, đã có thì không chịu mất, lại mong muốn được nhiều thêm. Ở đây, cụ Trương đăng Quế ngỏ lời khiêm nhường xin giáng chức, bớt bổng lộc, từ chức quan ; rồi còn không muốn con cái dựa thế của mình để được quyền cao chức trọng hoặc lấy người cao sang nhất. Thật là  một vị quan trung thành, khiêm tốn, liêm chính, công minh ; một kẻ sĩ đáng kính phục, có lòng yêu nước chân thành đi đôi với ý thức trách nhiệm về những gì đã làm và cả những gì đáng làm mà mình không làm được. Cụ thật xứng đáng cho người đời ngưỡng mộ, noi gương trau dồi nhân cách sống vì nước vì dân.


                      Hoài Nam


Sống Đẹp